Sơ kết giai đoạn 1, khởi động giai đoạn 2 chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển' của báo Pháp Luật TP.HCM là chương trình xã hội thiện nguyện có giá trị, ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn rất lớn.

Chiều tối 12-3, báo Pháp luật TP.HCM tổ chức lễ sơ kết giai đoạn 1 và khởi động giai đoạn 2 chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”.

Tham dự có ông Trương Hòa Bình, nguyên Phó Thủ tướng thường trực; ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam. Về phía TP.HCM có ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM; ông Nguyễn Tấn Phong, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM.

Chương trình cũng có sự hiện diện của các đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí.

 Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, ông Mai Ngọc Phước đón ông Trương Hòa Bình, nguyên Phó Thủ tướng thường trực (thứ hai từ trái sang); ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam; ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, ông Mai Ngọc Phước đón ông Trương Hòa Bình, nguyên Phó Thủ tướng thường trực (thứ hai từ trái sang); ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam; ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

Hành trình nhiều cảm xúc

Phát biểu tại buổi lễ, ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, Trưởng ban Chỉ đạo chương trình, cho biết từ khi chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” được khởi động vào tháng 5-2023, đến nay đã đến với bà con ngư dân ở 9 tỉnh, thành có biển.

 Ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: NGUYỆT NHI

Ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: NGUYỆT NHI

Nhớ lại hành trình đưa chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đến với bà con, ông Mai Ngọc Phước cho rằng đó là một hành trình nhiều cảm xúc.

Trên hành trình ấy, báo Pháp Luật TP.HCM luôn trăn trở làm sao tổ chức chương trình một cách thiết thực, ý nghĩa và làm sao để tình cảm và tài lực của các nhà tài trợ gửi gắm đến đúng người, đúng lúc, có giá trị thực tế về vật chất lẫn tinh thần.

“Quan trọng nhất là phải làm sao để chương trình gặt hái được những thành quả có ý nghĩa lớn về chính trị, xã hội và nhân văn? Đó vừa là áp lực nhưng cũng là động lực để chúng tôi dốc toàn bộ tinh thần, trách nhiệm, sự sáng tạo để lần lượt mang chương trình đến các tỉnh, thành có biển” - ông Phước bày tỏ.

 Ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM đón ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN

Ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM đón ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN

Theo ông Mai Ngọc Phước, trên chặng đường hơn gần một năm thực hiện chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”, hạnh phúc lớn nhất của Ban Tổ chức là mang niềm vui đến ngày càng nhiều bà con ngư dân và các em học sinh nghèo vùng biển.

“Có những ngư dân đã ngoài 60, khi nhận quà đã nắm rất chặt tay chúng tôi, nói câu “cảm ơn các chú nhiều lắm” đặc sệt tiếng địa phương, có ngư dân sau khi nhận bình ắc quy thì về lắp ngay vào tàu, rồi chụp hình, quay video gửi cho chúng tôi để cảm ơn... Chúng tôi rất trân quý tình cảm của bà con”- ông Mai Ngọc Phước chia sẻ.

 Ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, trao thư cảm ơn cho các nhà tài trợ. Ảnh: THUẬN VĂN

Ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, trao thư cảm ơn cho các nhà tài trợ. Ảnh: THUẬN VĂN

 Phó Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM Nguyễn Thái Bình trao thư cảm ơn cho nhà tài trợ. Ảnh: THUẬN VĂN

Phó Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM Nguyễn Thái Bình trao thư cảm ơn cho nhà tài trợ. Ảnh: THUẬN VĂN

Trong năm 2024, Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM cho biết chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” sẽ tiếp tục đến với nhiều địa phương, mang niềm vui đến nhiều gia đình ngư dân với những hoạt động truyền thông pháp luật mới mẻ, những món quà thiết thực, ý nghĩa để giúp bà con ngư dân “vươn khơi hiểu luật, bám biển bình an”.

Tiếp tục khẳng định giá trị nhân văn

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức khẳng định chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” của Báo Pháp Luật TP.HCM là chương trình xã hội thiện nguyện có giá trị, ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn rất lớn.

“Tôi nhẩm tính, số tiền mà chương trình đã chi ra trong năm qua ở 9 tỉnh, thành lên đến hàng chục tỉ đồng. Tuy nhiên, nếu tính cả tâm huyết, sự dấn thân và tình cảm của cả ê-kíp, sự lan tỏa mạnh mẽ mà chương trình mang lại, sự chuyển biến trong nhận thức, ý thức của rất nhiều ngư dân trong chống đánh bắt cá trái phép... thì giá trị thực tế của chương trình còn cao hơn rất nhiều so với số tiền đã chi ra”- ông Dương Anh Đức nhìn nhận.

 Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: NGUYỆT NHI

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: NGUYỆT NHI

Trong bối cảnh cấp bách khi Ủy ban Châu Âu sẽ có đợt thanh tra cuối cùng vào tháng 4-2024, ông Đức kỳ vọng chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” trong sẽ dốc sức “chạy nước rút” trong tháng 3 và tháng 4 để đồng hành cùng bà con ngư dân thúc đẩy mạnh các hành động, giải pháp mà Ủy ban Châu Âu khuyến nghị.

“Tôi rất tin tưởng rằng với thế mạnh về pháp lý của mình, báo Pháp Luật TP.HCM với chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” sẽ có những hoạt động truyền thông pháp lý ý nghĩa, thực tiễn và hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu gỡ “thẻ vàng”, gia tăng giá trị xuất khẩu cho thủy hải sản Việt Nam”- ông Đức gửi gắm.

 Đại diện Lãnh đạo báo Pháp Luật TP.HCM trao thư cảm ơn cho các nhà tài trợ. Ảnh: THUẬN VĂN

Đại diện Lãnh đạo báo Pháp Luật TP.HCM trao thư cảm ơn cho các nhà tài trợ. Ảnh: THUẬN VĂN

Cạnh đó, ông Đức cũng kỳ vọng “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” sẽ tiếp tục khẳng định giá trị nhân văn của mình thông qua những chuyến thăm, động viên và những bộ quà tặng thiết thực, ý nghĩa. Qua đó, giúp bà con ngư dân có thêm động lực để vươn khơi, bám biển bình an và thuận lợi.

Sẽ cải tiến để “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” hấp dẫn, lan tỏa mạnh mẽ

Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM Nguyễn Thái Bình khẳng định, năm 2024 chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” sẽ có những cải tiến để trở nên hấp dẫn hơn, lan tỏa mạnh mẽ hơn.

Ông Bình cho biết chương trình sẽ thúc đẩy các tuyến truyền thông pháp lý để cho tất cả ngư dân, các ban, ngành gỡ được thẻ vàng trong đợt kiểm tra của Ủy ban Châu Âu vào tháng 4-2023.

Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM Nguyễn Thái Bình phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: NGUYỆT NHI

Cạnh đó, ông Bình cho hay báo Pháp Luật TP.HCM sẽ tổ chức các tuyến bài nhằm nâng cao tinh thần cho toàn hệ thống chính trị, người dân, quyết tâm khắc phục những hạn chế còn tồn đọng mà Ủy ban Châu Âu đã đề cập nhằm gỡ thẻ vàng.

“Đây là một nhiệm vụ chính trị lớn lao mà chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” sẽ tìm mọi cách để thực hiện kịp thời, hiệu quả. Ngay cả khi Ủy ban Châu Âu gỡ thẻ vàng thì chương trình vẫn sẽ tiếp tục đồng hành cùng bà con ngư dân và các cơ quan trung ương, chính quyền địa phương trong việc nhắc nhở nhau tuân thủ pháp luật, chống mọi hình thức đánh bắt hải sản trái phép”- ông Bình nói.

Cạnh đó, ông Bình cho biết năm 2024 chương trình sẽ sáng tạo ra những hoạt động bên lề thiết thực, ý nghĩa hơn nữa cho bà con ngư dân bên cạnh việc tặng quà. Dịp này, ông Bình cũng gửi lời cảm ơn các doanh nghiệp, đơn vị tài trợ và đồng hành.

Ông khẳng định Ban tổ chức sẽ thúc đẩy các tuyến truyền thông, các hoạt động quảng bá thương hiệu, trách nhiệm xã hội, tinh thần vì cộng đồng của doanh nghiệp, đơn vị tài trợ, đồng hành cùng chương trình. Qua đó, mang đến những món quà, những hoạt động ý nghĩa và thiết thực với bà con ngư dân.

Năm 2023 chúng tôi đã có dịp đồng hành cùng báo Pháp Luật TP.HCM và chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đi một số địa phương, tặng quà cho ngư dân, học sinh... Theo tôi, đây là chương trình ý nghĩa, đặc biệt là trong bối cảng ngư dân đang gặp khó như hiện tại. Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành với báo Pháp Luật TP.HCM trong thời gian sắp tới.

Ông Hoàng Hữu Lộc, đại diện công ty CP Pin Ắc quy miền Nam.

Ông Hoàng Hữu Lộc, đại diện công ty CP Pin Ắc quy miền Nam, phát biểu tại chương trình. Ảnh: THUẬN VĂN

Một năm đồng hành cùng chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” là đặc ân với tôi. Khi thấy ngư dân phấn khởi khi cầm trên tay món quà chương trình trao tặng, biết có chương trình luôn ở cạnh, giải đáp thắc mắc pháp lý cho họ, thấy họ vui vẻ là điều tuyệt vời nhất với tôi.

Cảm ơn báo Pháp Luật TP.HCM đã tin tưởng đã trao cho tôi cơ hội làm đại sứ chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”. Chương trình đã cho tôi cơ hội chứng kiến một Việt Nam rất đẹp. Tôi mong có thể dùng hình ảnh và tiếng nói của mình lan tỏa thêm chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đến với nhiều người hơn.

Hoa hậu Nguyễn Phương Khánh, Đại sứ chương trình.

Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM Mai Ngọc Phước tặng thư cảm ơn cho Hoa hậu Nguyễn Phương Khánh. Ảnh: NGUYỆT NHI

Vì sao cần chung tay hành động Gỡ thẻ vàng IUU?

Lời Tòa soạn: Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” do Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức với mong muốn tuyên truyền cho ngư dân và thế hệ trẻ lòng yêu nước, tình yêu biển đảo. Cạnh đó, khơi dậy ý thức trách nhiệm của mọi công dân trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật khi đánh bắt trên biển và động viên, hỗ trợ ngư dân bám biển làm kinh tế, góp phần tháo gỡ thẻ vàng IUU đối với hải sản Việt Nam.

Vì sao cần phải chung tay hành động để gỡ thẻ vàng IUU? Chúng tôi xin đăng tải lại bài viết của PGS-TS NGÔ HỮU PHƯỚC, Phó Trưởng khoa Luật kinh tế Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM về vấn đề này.

Lực lượng Vùng Cảnh sát biển 3 trực tiếp phát tờ rơi tuyên truyền các quy định tới ngư dân. Ảnh: TTXVN

Gỡ thẻ vàng IUU: Suy ngẫm và hành động

Ngư dân là nhân tố quyết định thành công hay thất bại của việc loại bỏ hành vi khai thác IUU. Khi hiểu được hậu quả của IUU, ngư dân sẽ tự giác tuân thủ pháp luật và khai thác thủy sản bền vững, có trách nhiệm.

Chuỗi hoạt động liên tục của chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” của báo Pháp Luật TP.HCM (tại Cần Giờ - TP.HCM hồi tháng 5, Bà Rịa-Vũng Tàu tuần rồi và tại Ninh Thuận tuần này) là nỗ lực tuyệt vời góp phần cùng Nhà nước và ngư dân gỡ bỏ thẻ vàng IUU do Ủy ban châu Âu áp đặt.

Đã gần sáu năm trôi qua kể từ ngày Ủy ban châu Âu áp đặt thẻ vàng đối với ngành thủy sản Việt Nam (VN) (17-10-2017). Từ đó đến nay, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương ven biển đã thực hiện đồng bộ các giải pháp theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu. Đó là: Hoàn thiện khung pháp lý; quản lý đội tàu; xác nhận, chứng nhận nguồn gốc hải sản từ khai thác và thực thi pháp luật.

Ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực (giữa); ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (thứ hai bên phải) và ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM (ngoài cùng bìa phải), trao quà cho các ngư dân có hoàn cảnh khó khăn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, sáng 10-6.

Ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực (giữa); ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (thứ hai bên phải) và ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM (ngoài cùng bìa phải), trao quà cho các ngư dân có hoàn cảnh khó khăn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, sáng 10-6.

Tuy nhiên, đến nay tình trạng ngư dân đánh bắt bất hợp pháp trên vùng biển nước ngoài vẫn còn; việc tháo, ngắt, mất kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá vẫn diễn ra; khai thác bằng ngư cụ bị cấm; tàu cá hoạt động nhưng không đăng ký vẫn còn… Do đó, đến nay (tháng 6-2023) chúng ta vẫn chưa tháo gỡ được thẻ vàng do Ủy ban châu Âu áp đặt..

Việc ngành thủy sản VN bị Liên minh châu Âu “cảnh báo thẻ vàng” đã gây ra nhiều tổn thất nặng nề cả về đời sống, sinh kế của ngư dân (giảm hoặc mất thu nhập; mất việc làm; phá sản, vỡ nợ… cuộc sống khó khăn); tỉ trọng xuất khẩu thủy sản vào thị trường Liên minh châu Âu sụt giảm; uy tín của ngành thủy sản VN trên thị trường thủy sản quốc tế nói chung và thị trường Liên minh châu Âu nói riêng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trên thực tế, từ sau khi bị cảnh báo thẻ vàng IUU, tỉ trọng xuất khẩu hải sản của VN sang EU giảm dần qua từng năm. Theo thống kê của VASEP, năm 2018 - năm đầu tiên sau khi bị cảnh báo thẻ vàng, tỉ trọng xuất khẩu hải sản sang EU chiếm 11,8%, năm 2019 giảm còn 10,7%, năm 2020 còn 9,5% và năm 2022 là 9,4%. Xuất khẩu hải sản suy giảm đã kéo theo tỉ trọng xuất khẩu thủy sản nói chung của VN sang EU giảm theo, từ 13,1% (năm 2018) còn 11,9% (năm 2022).

Thực tiễn và kinh nghiệm phòng, chống và tháo gỡ thẻ vàng, thẻ đỏ do Liên minh châu Âu áp đặt của các quốc gia trong khu vực và thế giới đã cho thấy việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đánh bắt thủy sản cho ngư dân là giải pháp bền vững, hiệu quả và nhân văn nhất. Bởi lẽ ngư dân là lực lượng, là chủ thể, là nhân tố quyết định thành công hay thất bại của việc loại bỏ hành vi khai thác IUU.

Thực tế đã chứng minh một quốc gia dù có hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ và thực thi nghiêm, mạnh mẽ đến mấy cũng không thể triệt tiêu được IUU nếu ngư dân vẫn chưa hiểu và nhận thức được hậu quả của khai thác IUU. Khi hiểu được hậu quả của IUU thì ngư dân sẽ tự giác tuân thủ pháp luật và khai thác thủy sản bền vững, có trách nhiệm. Để làm được điều đó, công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về IUU cho ngư dân phải được Chính phủ, Bộ NN&PTNT và các địa phương ven biển xác định là giải pháp cốt lõi và quan trọng nhất.

Theo đó, cần đa dạng hóa các phương thức, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Về nội dung, cần tập trung vào quy định của pháp luật về ngăn ngừa, loại bỏ khai thác IUU; về hậu quả nghiêm trọng của IUU đối với sinh kế của thế hệ hiện tại và tương lai; về hệ quả, tác động tiêu cực của khai thác IUU đối với môi trường, hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản; về ảnh hưởng, tác động tiêu cực của khai thác IUU đối với hoạt động xuất khẩu hải sản khai thác và các ngành nghề liên quan; hệ quả tiêu cực của khai thác IUU đối với hình ảnh, đất nước, con người VN nói chung, uy tín của ngành thủy sản VN nói riêng. Đây là quá trình chuyển biến từ hành động thụ động, tiêu cực, vi phạm pháp luật sang hành động chủ động, tích cực, tuân thủ pháp luật của ngư dân.

Khi hiểu được giá trị, lợi ích của việc loại bỏ khai thác IUU thì ngư dân sẽ tự giác loại bỏ khai thác IUU. Khi đó, thị trường xuất khẩu thủy sản khai thác của VN sẽ được mở rộng; cuộc sống, sinh kế của ngư dân sẽ tốt đẹp hơn; ngư trường khai thác sẽ bền vững hơn; nguồn lợi thủy sản, môi trường và đa dạng sinh học biển sẽ được bảo vệ tốt hơn; cuộc sống của thế hệ tương lai sẽ tốt đẹp và hạnh phúc hơn; hình ảnh đất nước, con người VN nói chung cũng như hình ảnh, uy tín của ngành thủy sản VN sẽ cao hơn; chủ quyền quốc gia sẽ được bảo vệ tốt hơn. Bởi lẽ mỗi con tàu, mỗi ngư dân VN là một “cột mốc sống” để khẳng định, bảo vệ và thực thi chủ quyền quốc gia trên biển.

Do vậy, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khai thác thủy sản hợp pháp, bền vững, có trách nhiệm cho ngư dân để ngư dân tuân thủ, thực hiện; chia sẻ khó khăn với ngư dân; đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bám biển là tiếng gọi từ trái tim, là sứ mệnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Với quyết tâm và phương châm đó, cùng với sự tự nguyện, tự giác của ngư dân, chắc chắn chúng ta sẽ gỡ được thẻ vàng trong năm 2023!

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong!”.

PGS-TS NGÔ HỮU PHƯỚC, Phó Trưởng khoa Luật kinh tế Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM

THẢO PHƯƠNG - BẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/so-ket-giai-doan-1-khoi-dong-giai-doan-2-chuong-trinh-cung-ngu-dan-thap-sang-den-tren-bien-post780062.html