Sơ kết giai đoạn 1 thực hiện Đề án 1371
Ngày 9/1/2025, Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo đề án chủ trì Hội nghị sơ kết giai đoạn 1 (2021-2024) thực hiện Đề án 'Phát huy vai trò của lực lượng QĐND tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027' (viết tắt là Đề án 1371), theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Cùng dự có đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Phó trưởng ban chỉ đạo Đề án 1371. Tại điểm cầu Bộ Tư lệnh BĐBP do Thiếu tướng Trần Hải Bình, Phó Tham mưu trưởng BĐBP chủ trì.
Báo cáo tại hội nghị nêu rõ: Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Đề án 1371, công tác quán triệt, tập huấn, triển khai thực hiện được triển khai toàn diện, đồng bộ ở các cấp, phù hợp với đối tượng, địa bàn, tình hình nhiệm vụ ở các cơ quan, đơn vị Quân đội. Ban Chỉ đạo Đề án Bộ Quốc phòng tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn các nội dung của đề án và kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật cho trên 5.500 cán bộ lãnh đạo, chỉ huy và báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng. Ban Thanh niên quân đội tổ chức tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật cho 100% cán bộ Đoàn, cán bộ đảm nhiệm công tác thanh niên và liên quan trong tổ chức Đoàn Thanh niên.
Trên cơ sở các phong trào thi đua, cuộc vận động, các chương trình do Đảng, nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Quân đội và địa phương phát động, Ban Chỉ đạo đề án các địa phương, các đơn vị Quân đội đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương nhân rộng, duy trì nền nếp, có chiều sâu nhiều mô hình, phong trào và sáng kiến có hiệu quả, đã và đang triển khai thực hiện ở cơ sở. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo những biện pháp, cách làm mới, khoa học, hiệu quả trong thực hiện các phong trào, chương trình, mô hình, như phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới", "Toàn dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản", "Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất, nhập cảnh trái phép"; phong trào thi đua "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới", "Dân vận khéo", xây dựng "Đơn vị dân vận tốt"; chương trình "Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển", "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân"; các mô hình "Hợp sức toàn dân tấn công tội phạm", "Thanh niên xung kích bảo vệ đường biên", "Tổ phụ lão, tổ phụ nữ quản lý thôn, bản biên giới", "Thôn, xóm, bản, làng bình yên không có tội phạm ma túy", "Già làng, trưởng bản gương mẫu", "Tiếng kẻng vùng biên", "Tiếng loa Biên phòng", "Nông dân tự quản gắn với giữ gìn bình yên tuyến biển", "Cụm kết nghĩa dân cư hai bên biên giới"... được duy trì thường xuyên, mang lại hiệu quả thiết thực. Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong các trường học cũng được đẩy mạnh thông qua triển lãm, trưng bày sách, báo, tranh, ảnh; các mô hình "Em yêu biển đảo quê hương", "Biên giới với học đường", "Tiết học biên cương". Việc tổ chức các giờ học pháp luật cho học sinh và sinh hoạt ngoại khóa, tham quan đường biên, cột mốc biên giới cũng được triển khai rộng khắp ở khu vực biên giới….
Nhờ vậy, nhận thức và ý thức pháp luật của người dân đã ngày được nâng cao, nhất là trên địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ý thức quốc gia, quốc giới, chấp hành các quy chế, quy định về bảo vệ biên giới, trách nhiệm tố giác tội phạm của nhân dân được nâng lên. Cùng với đó, các vụ việc vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, khai thác, đánh bắt thủy, hải sản trái phép, tình trạng di cư tự do và khiếu nại vượt cấp ở nhiều địa phương giảm đáng kể.
Tại hội nghị, các đại biểu tiến hành thảo luận làm rõ những kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại, tìm ra nguyên nhân, đề xuất phương hướng lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện trong thời gian tới.
Tham luận tại hội nghị, Thiếu tướng Văn Ngọc Quế, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP nhấn mạnh, thời gian qua, lực lượng BĐBP đã đổi mới nội dung, hình thức, cách thức triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với đặc điểm, tính chất đối tượng của đề án. Đáng chú ý, nội dung tuyên truyền bám sát nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, xã hội và các sự kiện quan trọng như: Phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, các lĩnh vực liên quan đến an ninh biên giới, phòng, chống tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường…
Giai đoạn 2021-2024, toàn lực lượng BĐBP trực tiếp tổ chức hơn 13.000 hội nghị quán triệt, tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật với gần 300.000 lượt người tham dự; phối hợp tổ chức gần 120.000 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thu hút hơn 3 triệu lượt người nghe. Đặc biệt năm 2023, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tổ chức thành công cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu Luật Biên phòng Việt Nam trên internet, thu hút hàng triệu lượt người tham gia, góp phần lan tỏa sâu rộng quy định pháp luật liên quan đến biên giới và BĐBP trên phạm vi toàn quốc. Hiện nay, đa số người dân cam kết không đưa tàu đến vùng biển nước ngoài khai thác trái phép; tự giác đăng ký bảo vệ biên giới, mốc giới, an ninh thôn bản; tình hình vi phạm pháp luật, tình trạng vượt biên trái phép, tỷ lệ người nghiện ma túy ngày càng giảm...
Kết luận hội nghị, Thượng tướng Võ Minh Lương khẳng định, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, với tinh thần chủ động và trách nhiệm, các đơn vị quân đội đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của đề án; phối hợp chặt chẽ với địa phương huy động tối đa mọi nguồn lực, nhân lực, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 1 của đề án đã đề ra; xây dựng tinh thần thượng tôn pháp luật, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng đông bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thượng tướng Võ Minh Lương yêu cầu trong bối cảnh công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, để triển khai thực hiện giai đoạn 2 của đề án đạt hiệu quả tốt hơn nữa, Quân đội cần đề cao và tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật để góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen cho 76 tập thể, 88 cá nhân vì có nhiều thành tích trong thực hiện Đề án 1371 giai đoạn 1 (2021-2024), trong đó có 3 tập thể của BĐBP gồm: Cục Chính trị BĐBP, BĐBP Long An, BĐBP An Giang; 2 cá nhân gồm Đại tá Nguyễn Văn Hưng, Chính ủy BĐBP Lai Châu và Thiếu tá Mai Xuân Đạt, Trợ lý Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị BĐBP.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/so-ket-giai-doan-1-thuc-hien-de-an-1371-post485531.html