Sơ kết thực hiện các Thông tư liên tịch về giải quyết tố giác, tin báo tội phạm
Ngày 20/7/2023, Tỉnh ủy Tiền Giang tổ chức hội nghị sơ kết các Thông tư liên tịch về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ và ký kết các Quy chế phối hợp liên ngành.
Đồng chủ trì hội nghị gồm các đồng chí: Võ Văn Bình, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Tiền Giang; Nguyễn Văn Mười, Trưởng Ban nội chính Tỉnh ủy Tiền Giang; Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng VKSND tỉnh Tiền Giang.
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang; đại diện lãnh đạo các ngành Công an, Tòa án, Thanh tra, Nội chính, THADS… hai cấp tỉnh và huyện.
Theo báo cáo của VKNSD tỉnh Tiền Giang tại hội nghị, thời gian qua liên ngành tố tụng Trung ương đã nghiên cứu, xây dựng và ban hành 3 Thông tư liên tịch số 01/2017, 01/2021 và 01/2020, các Thông tư liên tịch này đã cơ bản góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng ngành tố tụng trong quá trình từ khi tiếp nhận, thụ lý nguồn tin đến xử lý các vụ việc, vụ án tạm đình chỉ.
Ngay khi các Thông tư liên tịch được ban hành, dưới sự lãnh đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh, cấp ủy huyện, liên ngành tố tụng và các đơn vị phối hợp trong tiếp nhận, xử lý nguồn tin đã tổ chức quán triệt, tổ chức thực hiện, từ cấp tỉnh đến cấp huyện đã nghiên cứu xây dựng các Quy chế phối hợp liên ngành để tạo điều kiện đưa từng quy định của Thông tư đi vào thực tiễn.
Đối với Thông tư liên tịch số 01/2021 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, trong khi chờ có hướng dẫn về quy trình kiểm tra, hướng dẫn, quy định về kiểm sát trực tiếp đối với việc tiếp nhận, thụ lý, kiểm tra, xác minh sơ bộ ban đầu của lực lượng Công an xã, nhiều Cơ quan CSĐT-VKS huyện đã có nhiều cách làm hay như phối hợp lập kế hoạch cùng nhau kiểm tra thường kỳ hoặc đột xuất, qua đó trực tiếp “cầm tay, chỉ việc”; không ít cấp ủy huyện rất quan tâm trong lĩnh vực này, nên đã chỉ đạo xây dựng Quy chế phối hợp giữa Thủ trưởng Cơ quan CSĐT - Viện trưởng VKSND, cũng như tập hợp tình hình mở hội nghị sơ kết đúc kết kinh nghiệm.
Liên quan đến việc thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2020 về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ, VKSND tỉnh Tiền Giang xác định công tác rà soát, quản lý, giải quyết vụ việc, vụ án tạm đình chỉ không phải là nhiệm vụ đơn lẻ của một ngành, một cấp nào; mà cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của liên ngành, sự chỉ đạo chặt chẽ của cấp trên đối với cấp dưới, đồng thời phải có sự quan tâm và đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy địa phương.
Nhờ đó, đơn vị đã tham mưu Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo khoa học “Tạm đình chỉ các vụ án hình sự trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, thực trạng và giải pháp khắc phục những hạn chế”. Kết quả, cơ quan tố tụng hai cấp đã rà soát, thống nhất đình chỉ do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự gần 2.000 vụ, việc và tỷ lệ án tạm đình chỉ tại địa phương cũng đã giảm theo từng năm.
Đồng thời tại Tiền Giang, định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, 12 tháng luôn phối hợp chặt chẽ liên ngành trong theo dõi, rà soát, quản lý, đánh giá căn cứ phục hồi giải quyết hoặc hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây chính là cơ sở giúp ngày càng nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác quản lý, giải quyết án tạm đình chỉ của liên ngành tư pháp tỉnh nhà trong thời gian vừa qua.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Tiền Giang Võ Văn Bình đánh giá hội nghị được tổ chức thành công khi chuyển tải nhiều thông tin, kinh nghiệm bổ ích và các giải pháp rất cụ thể trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; đồng thời chỉ đạo VKSND tỉnh và các cơ quan liên quan sau hội nghị cần phối hợp nghiên cứu, tổng hợp, tham mưu Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành, qua đó nâng dần chất lượng tiếp nhận, thụ lý, giải quyết nguồn tin tội phạm, cũng như quản lý chặt các vụ việc, vụ án tạm đình chỉ.
Đồng chí Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy Tiền Giang cũng yêu cầu Ban Cán sự đảng VKSND tỉnh sau hội nghị cần chỉ đạo Viện kiểm sát hai cấp nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp ngay từ giai đoạn tiếp nhận, thụ lý, kiểm tra, xác minh nguồn tin, trong đó chú trọng đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh để Cơ quan điều tra thực hiện; nắm, quản lý chặt chẽ, chính xác số liệu về tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố, các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ, nhất là số liệu nguồn tin do Công an xã tiếp nhận, kiểm tra, xác minh sơ bộ ban đầu, để qua đó phối hợp Cơ quan điều tra cùng cấp kiểm tra, hướng dẫn Công an xã chấn chỉnh thiếu sót, không để xảy ra sai phạm.