Sơ kết triển khai thí điểm Phần mềm Quản lý văn bản trong ngành Kiểm sát nhân dân

Chiều 31/7, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị sơ kết triển khai thí điểm Phần mềm Quản lý văn bản trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Đồng chí Phạm Thanh Từng, Chánh Văn phòng VKSND tối cao và đồng chí Hoàng Minh Tiến, Cục trưởng Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin VKSND tối cao (Cục 2) đồng chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo đơn vị; trưởng phòng Tham mưu tổng hợp và tương đương; công chức, viên chức làm công tác văn thư các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKS quân sự Trung ương, các VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh và VKSND cấp huyện…

 Quang cảnh Hội nghị tại trụ sở VKSND tối cao.

Quang cảnh Hội nghị tại trụ sở VKSND tối cao.

Hội nghị tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối điểm cầu chính tại trụ sở VKSND tối cao đến các điểm cầu trong hệ thống của ngành KSND.

Theo báo cáo, Phần mềm Quản lý văn bản triển khai thí điểm từ ngày 1/7/2024 với 2 nhóm tham gia thí điểm bao gồm: Nhóm 1: 25 đơn vị thuộc VKSND tối cao; VKSND cấp cao tại Hà Nội; VKSND 2 cấp của các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh và Phú Thọ.

Nhóm 2: Văn thư của VKS quân sự Trung ương, văn thư của các VKSND cấp cao và VKSND cấp tỉnh (trừ nhóm văn thư đã triển khai thuộc nhóm 1 nêu trên).

 Đồng chí Hoàng Minh Tiến, Cục trưởng Cục 2, VKSND tối cao phát biểu khai mạc Hội nghị.

Đồng chí Hoàng Minh Tiến, Cục trưởng Cục 2, VKSND tối cao phát biểu khai mạc Hội nghị.

Kết quả triển khai thể hiện: Tỉ lệ công chức kích hoạt tài khoản: 61,68%; tỉ lệ công chức đăng nhập vào phần mềm Quản lý văn bản ít nhất một lần trong giai đoạn thí điểm: 70,29%. Trong đó, một số đơn vị có tỉ lệ công chức đăng nhập 100% là Vụ 1, Vụ 4, Vụ 8, Vụ 11, Vụ 13, Vụ 14, Cục 2 và VKSND tỉnh Quảng Ninh…

Tổng số văn bản điện tử phát hành trên phần mềm (văn bản điện tử/tổng số văn bản hành chính không mật, gồm cả nghiệp vụ) là 2.322/3.911; số lượng văn bản đến qua Trục liên thông văn bản Quốc gia là 161; số lượng văn bản đi qua Trục liên thông văn bản Quốc gia là 96.

 Các điểm cầu tại Hội nghị.

Các điểm cầu tại Hội nghị.

Phần mềm đã thực hiện việc gửi/nhận văn bản trong nội bộ ngành KSND từ ngày 1/7/2024 đến ngày 25/7/2024, số lượng đến văn bản nội bộ là 4.107; số lượng văn bản đi nội bộ là 1.397.

Tính từ ngày 1/7/2024 đến ngày 25/7/2024, số lượng văn bản lưu chuyển trên phần mềm Quản lý văn bản: Tổng số văn bản đi là 2.016; Hoàn toàn điện tử: 1.271; song song bản giấy - điện tử: 745; văn bản có ký số: 1.440; văn bản không ký số: 576.

 Đại diện Tập đoàn VNPT giải đáp vướng mắc trong quá trình triển khai Phần mềm.

Đại diện Tập đoàn VNPT giải đáp vướng mắc trong quá trình triển khai Phần mềm.

Về cơ bản các cán bộ, công chức, viên chức và đã có thể sử dụng, khai thác các tính năng cơ bản của phần mềm Quản lý văn bản, theo đó 100% các văn bản hành chính (trừ văn bản mật) đã được xử lý trên phần mềm. Việc sử dụng phần mềm Quản lý văn bản đã giúp tiết kiệm chi phí in ấn, sao chép; nhanh chóng nắm bắt được tiến độ xử lý các công việc và kịp thời chỉ đạo, điều hành đảm bảo tính liên thông dữ liệu, lưu trữ trên hệ thống giúp công chức dễ dàng, nhanh chóng tìm kiếm thông tin, tài liệu mình cần để phục vụ công tác chuyên môn. Ngoài ra, các đơn vị thí điểm có chung nhận xét về phần mềm Quản lý văn bản có nhiều tính năng ưu việt.

 Đồng chí Phạm Thanh Từng, Chánh Văn phòng VKSND tối cao phát biểu tại Hội nghị.

Đồng chí Phạm Thanh Từng, Chánh Văn phòng VKSND tối cao phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, một số đơn vị, Viện kiểm sát địa phương đã phát biểu ý kiến nêu lên những kết quả đạt được trong triển khai thí điểm Phần mềm; những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế; chỉ rõ nguyên nhân đồng thời nêu lên các giải pháp, kiến nghị nhằm triển khai hiệu quả Phần mềm trong thời gian tới. Hội nghị cũng nghe ý kiến trao đổi, giải đáp khó khăn, vướng mắc của đại diện lãnh đạo Cục 2, Văn phòng VKSND tối cao và đại diện Tập đoàn VNPT.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phạm Thanh Từng, Chánh Văn phòng VKSND tối cao ghi nhận các ý kiến phát biểu trách nhiệm của đại diện các đơn vị, Viện kiểm sát địa phương đối với việc triển khai thí điểm Phần mềm thời gian qua; đồng thời mong rằng, thời gian tới, Cục 2 và đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến góp ý tại Hội nghị, tiếp tục hoàn thiện, để Phần mềm được triển khai hiệu quả trong thời gian tới.

Phần mềm Quản lý văn bản của ngành Kiểm sát nhân dân được xây dựng nhằm thực hiện các mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 129-NQ/BCSĐ ngày 10/4/2024 của Ban cán sự đảng VKSND tối cao về chuyển đổi số ngành Kiểm sát nhân dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 221/KH-VKSTC ngày 15/12/2023 của Viện trưởng VKSND tối cao về chuyển đổi số ngành Kiểm sát nhân dân năm 2024. Việc sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành mang lại nhiều lợi ích trong hoạt động của Ngành, giúp thiết lập một quy trình quản lý văn bản chặt chẽ, thông suốt, chuyên nghiệp và nhanh chóng; tiết kiệm tối đa thời gian, chi phí và giảm tải không gian lưu trữ; đây cũng là yêu cầu bắt buộc đối với các đơn vị trong quá trình thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số.

P.V

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/ban-tin-kiem-sat/so-ket-trien-khai-thi-diem-phan-mem-quan-ly-van-ban-trong-nganh-kiem-sat-nhan-dan-162136.html