Sở Khoa học Công nghệ Bắc Giang: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Những năm trở lại đây, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) vào xây dựng nông thôn mới (NTM) được tỉnh Bắc Giang xác định là nội dung trọng tâm, hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao bền vững. Từ đó, góp phần tích cực làm đổi thay diện mạo nông thôn địa phương.

Trong thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã huy động các nguồn lực đầu tư cho khoa học và công nghệ trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Với quan điểm chú trọng đầu tư cải tiến công nghệ, đưa các tiến bộ kỹ thuật mới, đưa giống mới vào sản xuất để tăng quy mô, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; đặc biệt chú ý đến việc đưa công nghệ, kỹ thuật mới vào chế biến nông sản, thực phẩm phục vụ nông nghiệp, nông thôn, hình thành các vùng sản xuất tập trung, từng bước xóa bỏ tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, kém hiệu quả. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ đã áp dụng một số mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, mang lại một số kết quả đáng kể, góp phần tạo tiền đề cho việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Điển hình như: Triển khai mô hình tiêu chuẩn GloBalGAP trong thâm canh vải thiều, phục vụ xuất khẩu với quy mô 5ha. Đến nay, sản xuất vải thiều theo hướng GloBalGAP có 18 mã vùng được cấp cho 217ha, có 25ha được Chứng nhận GloBalGAP (Từ đề tài cấp Nhà nước); Xây dựng mô hình sản xuất khoai tây thương phẩm giống Melanto; Thực hiện ứng dụng công nghệ tiên tiến xây dựng mô hình sản xuất hoa chất lượng cao, xây dựng mô hình sản xuất hoa trong nhà lưới hiện đại tại Song Mai, thành phố Bắc Giang.

Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức đoàn kiểm tra Mô hình sản xuất lúa thương phẩm QJ1.

Nhận thức được tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ đã tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện các nhiệm vụ KH&CN ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, như: Ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt xây dựng mô hình trồng chè mới (tại Yên Thế), mô hình trồng giống cam V2, CS1 (Lạng Giang). Triển khai dự án cấp quốc gia năm 2018: Ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp nhà lưới hiện đại quy mô cho một số chủng loại rau cà chua, ớt ngọt, cải bó xôi, dưa lê Hàn Quốc, dưa lưới tại huyện Yên Dũng nhằm tăng năng suất cây trồng, tăng hiệu quả kinh tế lên từ 20-30%; xây dựng mô hình sản xuất rau ngoài đồng ruộng có sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cho các giống rau cà rốt, dưa, bí xanh…

Ứng dụng công nghệ cao đã tạo được điểm nhấn thành tựu trong sản xuất nông nghiệp, giúp nông nghiệp Bắc Giang có những khởi sắc mới. Các kết quả đạt được là tiền đề, là điển hình để đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa có sự tham gia của bốn nhà (Nhà nước, Nhà nông, Nhà khoa học và Nhà doanh nghiệp). Tuy nhiên, việc ứng dụng nhà màng, nhà lưới hiện nay trong sản xuất chỉ mới định hình ở phát triển thành vùng sản xuất, kết hợp ứng dụng công nghệ cao ở một số khâu như: giống mới, ứng dụng cơ giới hóa, hoặc mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nhỏ lẻ, chưa hình thành một chuỗi cung ứng nông sản, chưa xây dựng nhãn hiệu, nên khó khăn cho việc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực và sản phẩm địa phương (OCOP).

Để có thể hoàn thành tốt hơn nữa những mục tiêu đã đề ra, đơn vị tập trung đẩy nhanh việc quy tụ ruộng đất tạo thành những cánh đồng có diện tích phù hợp để đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tạo vùng sản xuất tập trung, trong đó việc dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu được xác định là một trong những giải pháp thiết yếu. Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách thuận lợi và đồng bộ để hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất trong những năm đầu làm đòn bẩy, động lực để phát triển lâu dài. Việc hỗ trợ vốn, khuyến khích ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cùng với tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới trong sản xuất; cơ chế hỗ trợ căn cứ vào đầu ra sản phẩm nên được quan tâm phát triển để thu hút doanh nghiệp, HTX, trang trại chủ động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất.

Để hoạt động ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh được nhân rộng hơn nữa và tạo điều kiện để phát huy hiệu quả cao nhất, rất cần có cơ chế chính sách để hình thành vùng tập trung xây dựng mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; có cơ chế ứng dụng đồng đều ở các địa phương, các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, công nghệ nhà màng, nhà lưới đồng bộ về kỹ thuật, giống cây trồng có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao.

Đào Vinh - Bá Quỳnh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/so-khoa-hoc-cong-nghe-bac-giang-day-manh-ung-dung-cong-nghe-cao-vao-san-xuat-nong-nghiep-post83467.html