Số liệu nhảy múa, nghìn tỷ 'bốc hơi': Sức khỏe doanh nghiệp ra sao sau soát xét?
Các doanh nghiệp dồn dập báo lợi nhuận sau kiểm toán tụt giảm lên tới cả nghìn tỷ đồng ngay trước dịp nghỉ lễ. Song đây cũng là điều không mấy bất thường sau mùa soát xét, nhất là đối với các doanh nghiệp bất động sản đang giữa thời khó.
Lợi nhuận bốc hơi, DN từ lãi thành lỗ
CTCP Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va - Novaland (NVL) do ông Bùi Thành Nhơn làm Chủ tịch vừa công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023. Theo đó, doanh nghiệp xuất hiện khoản lỗ ròng sau thuế hơn 1.090 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng thêm hơn 480 tỷ đồng so với báo cáo tự lập.
Nguyên nhân được đưa ra là do Novaland trích lập dự phòng và điều chỉnh giảm thu nhập theo yêu cầu của kiểm toán.
Theo Novaland, sau gần một năm đầy khó khăn và biến động của nền kinh tế, thị trường bất động sản trong nước có những điểm sáng mới trong nửa đầu năm 2023. Tuy nhiên, việc các tổ chức tài chính thắt chặt chính sách tín dụng bất động sản cùng niềm tin thị trường chưa kịp hồi phục tiếp tục là rào cản lớn khiến dòng thanh khoản của Novaland chưa thực sự ổn định như kỳ vọng. Điều này, dẫn đến doanh thu và lợi nhuận của công ty bị giảm trong báo cáo tài chính bán niên.
CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) do ông Lê Viết Hải làm Chủ tịch cũng vừa báo lợi nhuận giảm hơn 800 tỷ đồng sau kiểm toán. Ông lớn ngành xây dựng từ lãi hơn 100 tỷ trong báo cáo tự lập chuyển sang lỗ ròng hơn 700 tỷ đồng trên báo cáo tài chính kiểm toán bán niên.
Nhiều chỉ tiêu kinh doanh chính của Xây dựng Hòa Bình cũng giảm so với báo cáo công bố trước đó. Doanh thu của HBC giảm gần 30 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu tài chính sau kiểm toán giảm hơn 72 tỷ đồng.
Theo Hòa Bình, lợi nhuận giảm sau soát xét chủ yếu do điều chỉnh giảm lợi nhuận từ việc bán tài sản tại công ty mẹ.
Với cú lỗ sau kiểm toán bán niên 2023, Xây dựng Hòa Bình có lỗ lũy kế hơn 2.800 tỷ đồng, vượt vốn góp của cổ đông.
Nhiều doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh sau soát xét bán niên. Điện Quang (DQC) báo lợi nhuận giảm hơn 2 lần xuống còn 1,7 tỷ đồng. Kho vận Miền Nam (STG) báo lợi nhuận giảm từ mức hơn 125 tỷ đồng theo báo cáo tự lập xuống còn 99 tỷ đồng.
Coma 18 (CIG) cũng báo lợi nhuận sau thuế sau soát xét giảm 60% về còn 5 tỷ đồng do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 3 lần và bổ sung dự phòng công nợ phải thu khó đòi.
Tài chính Tín Việt (VietCredit) cũng báo lỗ gần 74 tỷ đồng, trong khi báo cáo tài chính tự lập trước đó lãi hơn 13 tỷ đồng.
Những vụ soát xét từ lãi thành lỗ cho thấy một thực tế đáng buồn về những khó khăn mà nhiều doanh nghiệp đang đối mặt.
Khó khăn còn nhiều
Cả Novaland và Xây dựng Hòa Bình đều đối mặt với việc bị nghi ngờ về khả năng hoạt động. Novaland từng là doanh nghiệp bất động sản hàng đầu tại Việt Nam, trong khi đó Hòa bình là một trong những công ty xây dựng lớn nhất sàn chứng khoán. Sự trầm lắng của thị trường bất động sản trong hơn một năm qua trong khi thị trường tài chính biến động không thuận đã khiến nhiều doanh nghiệp lao đao.
Tính tới quý II/2023, Xây dựng Hòa Bình đã lỗ quý thứ 3 liên tiếp, trong khi Novaland đang tiếp tục đàm phàn với các chủ nợ, trong đó có các trái chủ để ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong khó khăn, nội bộ của các doanh nghiệp cũng lục đục. Vào đầu năm 2023, Xây dựng Hòa Bình đã trải qua một cuộc tranh chấp quyền lực kéo dài. Tới nay, tình hình tại Hòa Bình đã ổn định trở lại.
Trước đó, giới đầu tư cũng từng chứng kiến nhiều doanh nghiệp nhiều lần phải điều chỉnh các số liệu trong báo cáo tài chính do kiểm toán không đồng ý với những con số mà do chính các doanh nghiệp đưa ra.
Thậm chí, một số doanh nghiệp khó khăn kéo dài nhiều năm và các số liệu kinh doanh cũng phải sửa nhiều lần.
Hồi đầu 2022, Hoàng Anh Gia Lai HAGL (HAGL) của Bầu Đức bất ngờ bị hồi tố từ lãi sang lỗ trong 3 năm 2017-2019. Vụ việc hồi tố tại HAGL thực sự gây rúng động thị trường. Từ cách đó cả năm, HAGL đã bất ngờ có khoản lỗ lũy kế 5.000 tỷ đồng từ “quá khứ hiện về” khiến vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này bị mất đi 1/3.
Tuy nhiên, theo ghi nhận khi đó, việc ghi nhận khoản lỗ này không làm thay đổi kết quả kinh doanh 2019-2020. HAGL ghi nhận thêm lỗ gần 5.000 tỷ vào vào chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2019. Việc điều chỉnh đã khiến chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế của Hoàng Anh Gia Lai các năm 2017, 2018 và 2019 đều bị lỗ.
Sau 10 năm ngập trong nợ nần và tai tiếng, Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) giờ đang tái cấu trúc tương đối thành công, “nợ không đáng kể” và đang có lãi trở lại.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp bất động sản còn rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cũng giống như Hoàng Anh Gia Lai, hầu hết các tổ chức đã và đang đẩy mạnh tái cơ cấu nợ để có thể phát triển mạnh trở lại.
Trước đó, giới đầu tư cũng chứng kiến những khoản hồi tố lớn như trường hợp tại Gỗ Trường Thành (TTF).
CTCP Cảng Sài Gòn cũng từng hồi tố lỗ hơn 1.000 tỷ đồng, điều chỉnh vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2015 khiến vốn chủ sở hữu giảm gần một nửa và giá trị sổ sách chỉ còn hơn 5.400 đồng.
Nhiều doanh nghiệp có tín hiệu tích cực. Về vụ lỗ lớn sau soát xét, theo Novaland, hiện nay một số đối tác của doanh nghiệp chưa hoàn thành các nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng hợp tác. Do đó, khoản thu nhập của Novaland trong kỳ nửa đầu năm 2023 bị giảm.
Theo Novaland, khoản thu nhập này sẽ được ghi nhận trong kỳ kế toán tiếp theo sau khi Novaland thu được các nghĩa vụ tài chính từ các đối tác trễ hạn thanh toán cho công ty.
Đại diện doanh nghiệp bất động sản hàng đầu tại phía Nam cho biết, những vướng mắc về pháp lý và thủ tục đầu tư tại các dự án của Novaland như: NovaWorld Phan Thiet, Aqua City, The Grand Manhattan… đã và đang được tháo gỡ và nhận được những tín hiệu tích cực.
Trước đó, nhiều dự án của Novalnad cũng được tái khởi động dưới sự hỗ trợ của các đối tác tài chính như TPBank, MBBank, VPBank… và các nhà thầu, đơn vị xây dựng.
Doanh nghiệp cũng đã có Nghị quyết HĐQT phê duyệt kế hoạch kinh doanh 6 tháng cuối năm với những con số tươi sáng hơn. Theo đó, Novaland sẽ bắt đầu có lãi trở lại từ quý III/2023.