Số liệu thống kê không nói lên toàn bộ bức tranh dịch bệnh Covid-19
Theo GS Sheila Bird - nhà thống kê sinh học nổi tiếng người Anh tại Đại học Cambridge, việc so sánh số liệu giữa các nước để đánh giá tình hình dịch bệnh Covid-19 có thể dẫn đến những kết luận sai lầm.
Các chuyên gia quốc tế cho rằng việc so sánh dữ liệu và phân tích diễn biến dịch bệnh Covid-19 chỉ thông qua các số liệu thống kê chưa phản ánh đúng bản chất của dịch bệnh tại các nước khi mỗi quốc gia áp dụng tiêu chuẩn thống kê, tiêu chí khác nhau đối với việc xét nghiệm và theo dõi các ca bệnh.
Số liệu không phản ánh hết bản chất của dịch bệnh
Theo GS Sheila Bird - nhà thống kê sinh học nổi tiếng người Anh tại Đại học Cambridge, việc so sánh số liệu giữa các nước để đánh giá tình hình dịch bệnh Covid-19 có thể dẫn đến những kết luận sai lầm.
GS Bird cho rằng, việc xét nghiệm và ghi nhận các ca mắc virus SARS-CoV-2 là không đồng nhất ngay cả trong nội bộ từng quốc gia, chưa nói đến giữa các nước với nhau. Tại Anh, chính quyền London cho biết hệ thống y tế hiện chưa đủ khả năng xét nghiệm tất cả những người có triệu chứng Covid-19, vì vậy chỉ các bệnh nhân “nặng” tới mức cần phải điều trị ở bệnh viện mới được xét nghiệm.
Trong khi đó, Hàn Quốc lại tiến hành xét nghiệm bất kỳ trường hợp nào mà bác sĩ cảm thấy cần thiết và giới chức theo dõi tất cả những người từng tiếp xúc với các ca bệnh.
Các tiêu chí xét nghiệm giúp lý giải vì sao trong bản đồ của trường Đại học John Hopkins, số ca mắc bệnh của Anh có vẻ thấp hơn nhiều so với các nước châu Âu khác. Điều đó không đồng nghĩa với việc nước Anh có ít người mắc bệnh hơn, mà thực ra chỉ là có số người được xét nghiệm thấp hơn. “Nếu dựa vào các con số để nói chính xác tổng số người đã mắc bệnh thì đó là điều nguy hiểm” - Mike Tildesley, PGS tại trường Đại học Warwick cho biết.
Các chuyên gia y tế Pháp cũng thừa nhận rằng các số liệu báo cáo không phản ánh đúng diễn biến của dịch bệnh Covid-19. Ông Jerome Salomon - Giám đốc Cơ quan Y tế Pháp cho biết, các con số thống kê chỉ có thể là phần nổi của “tảng băng chìm” dịch Covid-19.
Theo quan chức này, nếu một bệnh nhân được báo cáo dương tính với virus SARS-CoV-2 và nằm viện điều trị, sẽ có ít nhất từ 6 - 7 người người khác sẽ bị lây nhiễm. Một ca tử vong vì nhiễm Covid-19 được ghi nhận sẽ báo hiệu rằng ít nhất 100 người khác bị nhiễm bệnh.
Đâu là tiêu chí đánh giá?
Thay vì chỉ tập trung đánh giá các con số thực tế, các nhà khoa học dành nhiều thời gian để nghiên cứu đường cong dịch bệnh - biểu đồ mô phỏng số ca mới mỗi ngày ở mỗi nước. Tuy nhiên, việc theo dõi biểu đồ này chỉ phản ánh đúng diễn biến của dịch bệnh nếu một quốc gia duy trì các tiêu chí xét nghiệm trong một thời gian dài.
Các chuyên gia cho rằng, nếu nước Anh bất ngờ xét nghiệm nhiều người nghi nhiễm SARS-CoV-2 hơn và ghi nhận mức tăng đột biến các ca mắc mới mỗi ngày, chưa chắc đồng nghĩa với việc dịch Covid-19 đang lây lan nhanh hơn. Tương tự, nếu một nước nào đó hết bộ xét nghiệm, chắc chắn sẽ có sự sụt giảm số ca mới một cách bất ngờ, nhưng đây chỉ là con số giảm “giả” chứ không phải dịch bệnh đã được ngăn chặn hiệu quả.
Đặc biệt, chỉ số lây nhiễm virus SARS -CoV-2 được xem là thước đo quan trọng khi đánh giá mức độ thành công của các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 tại mỗi quốc gia. Các dữ liệu này có thể cho thấy các biện pháp giãn cách xã hội có hiệu quả trong việc ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh hay không.
Nick Chater - giáo sư khoa học tại Trường kinh doanh Warwick cho rằng trong trường hợp các số liệu thống kê là chính xác, đôi khi nó cũng gây sự khó hiểu. "Theo tôi, dữ liệu là hữu ích, song điều quan trọng nhất là nhìn vào bài học kinh nghiệm của các quốc gia khác" - giáo sư Chater nhận xét.
Các nhà khoa học cũng hy vọng rằng, việc một số nước đẩy mạnh xét nghiệm kháng thể rộng rãi trong những ngày tới cũng sẽ giúp vẽ ra một bức tranh chính xác hơn diễn biến của dịch bệnh Covid-19.