Số lượng cán bộ công chức và thời điểm tỉnh, xã chính thức hoạt động sau sắp xếp
Chính quyền cấp tỉnh sau sắp xếp chính thức hoạt động chậm nhất là 15/9, còn cấp xã từ 15/8/2025. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức không vượt quá số lượng trước sắp xếp.
Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025 được thông qua tại Phiên họp 44 và vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thay mặt ký ban hành, có hiệu lực từ hôm nay 15/4.
Theo đó, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp hoàn thành xong việc kiện toàn tổ chức bộ máy và chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là ngày 15/8/2025.
Chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp hoàn thành xong việc kiện toàn tổ chức bộ máy và chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là ngày 15/9/2025.
Kể từ ngày nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã có hiệu lực thi hành, HĐND, UBND ở các đơn vị hành chính trước sắp xếp tiếp tục hoạt động cho đến khi HĐND, UBND ở đơn vị hành chính sau sắp xếp chính thức hoạt động.

Việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bảo đảm yêu cầu tinh giản gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ, phù hợp với thực tiễn của địa phương. (Ảnh minh họa)
Số lượng cấp phó có thể nhiều hơn so với quy định
Nghị quyết cũng giao UBND cấp tỉnh thực hiện sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức sau sắp xếp đơn vị hành chính, bảo đảm yêu cầu tinh giản gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan nhà nước ở Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn và của tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan và hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, bảo đảm yêu cầu tinh giản gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Tổng số cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp không vượt quá tổng số cán bộ, công chức, viên chức có mặt tại các đơn vị hành chính cấp tỉnh trước sắp xếp.
Số lượng cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp không vượt quá tổng số cán bộ, công chức có mặt tại các đơn vị hành chính cấp xã trước sắp xếp, không kể số lượng cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện được bố trí làm việc tại đơn vị hành chính cấp xã.
Tại thời điểm sắp xếp, số lượng Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND, cấp phó của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc có thể nhiều hơn số lượng so với quy định.
Chậm nhất là 5 năm kể từ ngày nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã có hiệu lực thi hành, số lượng và việc bố trí lãnh đạo, quản lý, số lượng cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính sau sắp xếp thực hiện theo quy định.
Nghị quyết cũng nêu rõ việc giữ nguyên chế độ, chính sách tiền lương và phụ cấp chức vụ (nếu có) hiện hưởng của cán bộ, công chức, viên chức chịu ảnh hưởng của việc sắp xếp đơn vị hành chính mà vẫn là cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị trong thời gian 6 tháng kể từ khi có văn bản bố trí công tác. Sau thời hạn này, thực hiện chế độ, chính sách và phụ cấp chức vụ theo quy định của pháp luật.
Căn cứ quy định của Chính phủ, quy định, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, UBND cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức có liên quan kịp thời thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy bảo đảm đúng đối tượng và quyền, lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chịu tác động do sắp xếp đơn vị hành chính.