Số lượng đại biểu Quốc hội ở cơ quan Trung ương là 207 người
Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị số lượng ĐBQH khóa XV là 500 người, số lượng đại biểu ở cơ quan Trung ương là 207.
Sáng 22/1, tại Hà Nội, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Chủ trì Hội nghị có ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Chủ tịch Hội đồng bầu cử UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; các Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Trương Thị Ngọc Ánh, Ngô Sách Thực; Nguyễn Hữu Dũng.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đã quán triệt hệ thống các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam triển khai công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Quán triệt Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và ĐBHĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng đinh, đây là văn bản có tính chất lãnh đạo, chỉ đạo hết sức quan trọng, toàn diện đối với hệ thống chính trị, được Bộ Chính trị ban hành từ sớm, theo đó trách nhiệm của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam là rất rõ. Vai trò của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên gắn chặt với 9 nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị Mặt trận các địa phương đặc biệt chú ý lãnh đạo thực hiện tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ... Gắn kết quả nhân sự của đại hội đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có điều kiện thực hiện nhiệm vụ tham gia làm ĐBQH và ĐBHĐND.
Kiên quyết không giới thiệu ứng cử ĐBQH, ĐBHĐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước.
Bên cạnh đó, phấn đấu giới thiệu, lựa chọn bầu được những ĐBQH và ĐBHĐND thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Phấn đấu bầu đủ 500 ĐBQH và đạt tỉ lệ ĐBQH chuyên trách.
Đặc biệt, việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử ĐBQH, ĐBHĐND phải bảo đảm theo đúng quy trình luật định và hướng dẫn của các cơ quan Trung ương có thẩm quyền. Các cấp ủy đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong việc tổ chức hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử ĐBQH, ĐBHĐND các cấp; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác bầu cử, bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật.
Quán triệt về Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14 ngày 11/1/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026, theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị số lượng ĐBQH khóa XV là 500 người.
Theo đó số lượng đại biểu ở cơ quan Trung ương là 207 đại biểu (41,4%); trong đó MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên là 29 đại biểu (5,8%). Số lượng đại biểu ở địa phương là 293 đại biểu (58,6%); trong đó Ủy ban MTTQ Việt Nam là 9 đại biểu (1,8%); Công đoàn 6 đại biểu (1,2%); Đoàn TNCSHCM 5 đại biểu (1,0%); Hội LHPNVN 7 đại biểu (1,4%); Hội Nông dân VN 5 đại biểu (1,0%); Hội CCBVN 3 đại biểu (0,6%).
* Nghị quyết số 133/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội về ngày bầu cử ĐBQH khóa XV và ĐBHĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Theo đó, Quốc hội đã quyết nghị ngày bầu cử là ngày Chủ nhật, ngày 23/5/2021.