Số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới sụt giảm quá nửa
Mặc dù thị trường vẫn có nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới giảm mạnh, thế nhưng, nhà đầu tư nước ngoài vẫn 'chuộng' bất động sản Việt Nam.
Số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới sụt giảm quá nửa
Theo báo cáo của Bộ kế hoạch và Đầu tư, tính riêng quý III/2023, cả nước có gần 59.600 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, đây là mức cao nhất kể từ trước tới nay, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, có 6/17 ngành ghi nhận số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2022. Đơn cử như ngành kinh doanh bất động sản giảm tới 52,4%, ngành công nghiệp và xây dựng giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, có thể thấy rằng, trong khi nền kinh tế đang có đà phục hồi, điều này minh chứng bằng số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất từ trước nay, thì khó khăn tiếp tục bủa vây thị trường bất động sản.
Nhận định về vấn đề này, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng, hiện tại, vẫn còn nhiều doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như việc gặp khó khăn về giao dịch, tiếp đến là khó khăn về pháp lý đất đai, và vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng áp lực thanh toán nợ trái phiếu đến hạn....
Ông Hải cho biết, 70% khó khăn vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách, pháp lý, đặc biệt là liên quan đến khó khăn về quỹ đất, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, đấu giá đất.
Dù vậy, ông Hải cho rằng vẫn còn đó một số tín hiệu đáng mừng, trong đó, nhiều doanh nghiệp đã thành công trong việc tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, và bắt đầu triển khai các dự án mới đã được tháo gỡ về pháp lý và nguồn vốn.
Đặc biệt, khác với trước đây, thị trường, doanh nghiệp không còn chờ đợi Chính phủ mà chung tay cùng tháo gỡ. Nhiều cuộc gặp gỡ, làm việc giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước đã diễn ra. Từ đó tìm ra những giải pháp để tháo gỡ nút thắt cho thị trường bất động sản.
“Những vướng mắc trên khó có thể ổn định trong một sớm một chiều, nhưng cần kiên trì, quyết liệt tháo gỡ”, ông Hoàng Hải khẳng định.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn “chuộng” bất động sản Việt Nam
Mặc dù thị trường vẫn có nhiều khó khăn, thế nhưng, nhà đầu tư nước ngoài vẫn “chuộng” bất động sản Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến quý III/2023, vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.
Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 1,94 tỷ USD, chiếm hơn 9,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, bằng 55% so với cùng kỳ.
Nhấn mạnh về vấn đề này, ông Hoàng Hải cho biết, khi các nhà đầu tư quốc tế bàn luận về những thị trường mới nổi năng động nhất trên toàn cầu, họ thường nhắc tới Việt Nam. Có 2 yếu tố mà nhà đầu tư quan tâm đó là động lực từ tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và tầng lớp trung lưu đang gia tăng với thu nhập tăng nhanh.
Ngân hàng Thế giới nhận định, lợi thế về dân số trẻ có học thức cao của Việt Nam đã giúp quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Điều đó thúc đẩy triển vọng của các nhà đầu tư quốc tế trong việc tạo dấu ấn tại thị trường bất động sản có nhiều tiềm năng tại Việt Nam.
Việt Nam đã thu hút được các nhà đầu tư từ 48 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào bất động sản, đứng đầu là các nhà đầu tư đến từ Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc, họ đặc biệt chú trọng vào các khu vực trung tâm thành phố, gần vị trí các tuyến metro. Đây là minh chứng thực tế về việc những nhà đầu tư có dự định đầu tư lâu dài tại Việt Nam.
“Các chủ đầu tư Việt Nam thường hợp tác dưới hình thức liên doanh với các chủ đầu tư nước ngoài để tối ưu hóa quá trình tìm kiếm vị trí dự án đầu tư và quản lý dự án”, ông Hải nói.