Số lượng F0 mới lần đầu vượt mốc 23.000 ca
Số ca nhiễm tại Việt Nam tiếp tục lập kỷ lục mới với gần 24.000 F0. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Hà Tĩnh, Hải Phòng, Bắc Ninh.
Theo thông tin tối 9/2 của Bộ Y tế, Việt Nam ghi nhận 23.956 ca nhiễm mới, trong đó có 3 người nhập cảnh và 23.953 ca ghi nhận trong nước tại 62 tỉnh, thành phố. Trong đó, 16.608 ca F0 được phát hiện tại cộng đồng.
Như vậy, số lượng người mắc Covid-19 tại Việt Nam ngày 9/2 tiếp tục tăng cao (nhiều hơn 2.052 ca so với ngày 8/2). Đây cũng là số ca nhiễm cao nhất được phát hiện trong ngày tại Việt Nam kể từ khi dịch bùng phát đến nay (chưa tính ngày cộng dồn ca bệnh bổ sung).
Hà Nội ghi nhận hơn 160.000 F0 trong đợt dịch thứ 4
Hà Nội tiếp tục là nơi ghi nhận số F0 nhiều nhất trong 24 giờ qua (2.949 ca). Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (118); Đông Anh (106); Long Biên (98); Chương Mỹ (96), Nam Từ Liêm (93). Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch lần thứ 4 (từ ngày 29/4/2021) là 160.022 ca.
Tại hội nghị giao ban đầu năm của ngành y tế Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đề nghị các giám đốc trung tâm y tế làm tốt công tác quản lý, theo dõi người mắc Covid-19 mức độ nhẹ tại nhà; phát thuốc đầy đủ, kịp thời đúng đối tượng để người dân an tâm, tin tưởng tránh bức xúc trong dư luận, hạn chế mức thấp nhất tỷ lệ chuyển tầng, chuyển viện giảm áp lực cho tuyến trên.
Đối với những trường hợp chuyển nặng cần có sự nắm bắt sát sao, kịp thời nhằm giảm tối đa tỷ lệ tử vong. Đối với các bệnh viện điều trị tầng 2, tầng 3 đề nghị chuẩn bị đủ cơ số giường được giao, vật tư y tế, thuốc đáp ứng công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 theo từng cấp độ của kịch bản phòng chống dịch.
Nhiều địa phương có trên 1.000 F0 mới
Sau Hà Nội là Nghệ An với 1.900 ca nhiễm. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp địa phương này ghi nhận trên 1.000 F0. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An, trong 12 giờ qua (từ 6h đến 18h ngày 9/2), Nghệ An ghi nhận 989 ca dương tính mới với nCoV.
Trong đó, 155 ca cộng đồng; 834 ca đã được cách ly từ trước (820 ca là F1, 14 ca từ ngoại tỉnh có dịch về).
Số địa phương có bệnh nhân cao nhất trong 12h qua: Đô Lương (129 ca), Nam Đàn (124 ca), TP Vinh (84 ca), Diễn Châu (81 ca), Nghi Lộc (77 ca).
Lũy kế từ đầu mùa dịch đến nay, địa bàn tỉnh đã ghi nhận 22.973 ca mắc Covid-19. Số bệnh nhân điều trị đã khỏi bệnh, ra viện là 13.790 người. Số bệnh nhân tử vong là 49. Số bệnh nhân đang điều trị là 9.134.
Đáng chú ý, Hà Tĩnh có đến 1.019 người mắc mới, tăng hơn 720 ca so với ngày 8/2. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, trong ngày 8/2, ngành y tế Hà Tĩnh đã thực hiện test nhanh cho 23.113 người để sàng lọc nguy cơ dịch trong cộng đồng. Cùng ngày, Hà Tĩnh cũng rà soát được 1.056 công dân trở về từ các vùng dịch. Tất cả đều được chính quyền địa phương và lực lượng chức năng hướng dẫn khai báo y tế, thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch phù hợp.
Theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, Hà Tĩnh đã triển khai được 2.015.639 mũi tiêm vaccine phòng Covid-19. Tỷ lệ người dân tiêm đủ liều tại tỉnh này là 100%.
Sáng 9/2, Hà Tĩnh có 37 trường tiểu học, mầm non, THCS đã cho học sinh nghỉ học. Các trường nghỉ học chủ yếu thuộc vùng dịch cấp độ 3, 4 và một số vùng có nguy cơ cao ở các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Nghi Xuân.
Ngoài ra, toàn tỉnh cũng có 9 trường chuyển trạng thái dạy học trực tuyến, trong đó có một trường tiểu học, 6 trường THCS và 2 trường THPT. Việc học tập của các trường nói trên sẽ tiếp tục khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Hải Phòng tăng hơn 465 ca bệnh với 1.295 F0. Địa phương này đang điều trị cho 15.605 bệnh nhân, số người bệnh nặng, nguy kịch là 120.
Tính từ tháng 3/2021 đến nay, các cơ sở y tế của Hải Phòng đã tiêm tổng cộng 4.011.309 mũi vaccine phòng Covid-19.
Theo CDC tỉnh Bắc Ninh, trong ngày 9/2, địa phương này ghi nhận 1.246 F0 mới, tăng 349 ca so với ngày 8/2. Đây cũng là số ca mắc cao nhất tỉnh này ghi nhận từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Tính đến hết ngày 8/2, toàn tỉnh đã triển khai tiêm 3.094.795 liều vaccine cho người dân trên 18 tuổi, trẻ 12-17 tuổi, công nhân trong và ngoài khu công nghiệp (bao gồm cả những người đang cư trú trên địa bàn và không cư trú trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh). Trong đó, tỷ lệ người được tiêm mũi 3 là 57%.
Tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm đủ mũi vaccine là 97%. Tỷ lệ người trên 50 tuổi tiêm đủ mũi vaccine là 96,4%. Tỷ lệ người 12-17 tuổi tiêm đủ mũi là 95,2%.
Ngày 9/2, Hải Dương có thêm 1.120 ca mắc Covid-19. Đây là ngày thứ 2 có số ca mắc vượt 1.000 ca/ngày, giảm 125 ca so với ngày 8/2. Tuy nhiên, các ổ dịch cũ lại ghi nhận thêm nhiều ca mắc mới, trong đó có ổ dịch tại phường Hiến Thành (Kinh Môn) thêm 40 ca; thị trấn Gia Lộc, xã Kim Xuyên (Kim Thành) mỗi nơi thêm 23 ca. Toàn tỉnh còn 5.665 bệnh nhân đang điều trị.
Theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, Hải Dương là một trong 10 địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất cả nước.
Chọn nhà thầu mua vaccine Pfizer cho trẻ 5-11 tuổi
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký quyết định về việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt với gói thầu mua vaccine Covid-19 cho trẻ dưới 12 tuổi.
Theo đó, Chính phủ chấp thuận áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, được quy định tại Điều 26 Luật đấu thầu, đối với gói thầu mua vaccine phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Chính phủ giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm mua và triển khai tiêm vaccine Pfizer cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tiến độ trong phòng chống dịch.
Trước đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 14 về việc mua 21,9 triệu liều vaccine phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ 5-11 tuổi.
Theo thống kê của Bộ Y tế, có khoảng 11,5 triệu trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi. Kết quả khảo sát của bộ này cho thấy có hơn 415.000 phụ huynh tham gia, trong đó 60,6% đồng ý tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ; 7,6% đồng ý nếu yêu cầu bắt buộc; 29,1% cân nhắc; chỉ có 1,9% phụ huynh không đồng ý.
Trong ngày 8/2, 528.200 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 183.729.446 liều, trong đó tiêm mũi một là 79.154.392 liều, tiêm mũi 2 là 74.430.220 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 30.144.834 liều.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết số ca mắc Covid-19 mới tại Việt Nam tăng sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán là việc đã được dự đoán trước.
Nguyên nhân là việc giao lưu, đi lại của người dân đã tăng cao trong dịp này. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang thực hiện nới lỏng, thích ứng linh hoạt hơn với SARS-CoV-2.
“Điều cơ bản là chúng ta cần kiểm soát được lượng bệnh nhân diễn biến nặng, nguy kịch cũng như ca tử vong do Covid-19 không tăng cao. Đồng thời, phải chú ý bảo vệ người cao tuổi, nhiều bệnh nền”, ông Phu nói thêm.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng số ca mắc mới trong thời gian này chắc chắn sẽ tăng lên. Tuy nhiên, đây là điều chúng ta phải chấp nhận khi sống chung an toàn với SARS-CoV-2. Ngoài ra, nguy cơ cũng không quá lớn.
Theo vị chuyên gia này, với các thành phố lớn như TP.HCM, khi tỷ lệ tiêm chủng đã khá cao, lại vừa trải qua một đợt dịch lớn, khả năng lây lan virus cũng như bùng phát dịch ngay sau đó không nhiều. Tuy nhiên, người dân cùng chính quyền vẫn cần tuyệt đối cảnh giác.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/so-luong-f0-moi-lan-dau-vuot-moc-23000-ca-post1295101.html