Số lượng giảng viên tăng/giảm đột biến, Đại học Công thương TP.HCM lý giải
Tổng thu của Trường ĐH Công thương TP.HCM có xu hướng tăng, tuy nhiên nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lại khá khiêm tốn.
Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh là cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, đặc biệt có thế mạnh trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại.
Được thành lập từ năm 1982 với tên gọi đầu tiên là Trường Cán bộ Kinh tế kỹ thuật thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, đến nay Trường Đại học Công thương thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 40 năm xây dựng và phát triển với 33 chương trình đào tạo đại học, kỹ sư, cử nhân; 10 chương trình đào tạo thạc sĩ, 3 chương trình đào tạo tiến sĩ.
Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh xác định tầm nhìn trở thành trường đại học định hướng ứng dụng hàng đầu Việt Nam vào năm 2035, với 4 giá trị cốt lõi “Nhân văn - Đoàn kết - Đổi mới - Tiên phong” làm cơ sở định hướng phát triển.
Từ ngày 01/7/2023, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh (HUFI) đổi tên thành Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh (HUIT). Ảnh: HUIT
Nhiều ngành tuyển vượt chỉ tiêu
Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tại đề án tuyển sinh đại học chính quy năm 2022 của nhà trường, từ chỉ tiêu và số nhập học tại bảng thống kê điểm tuyển sinh 2 năm gần nhất cho thấy trường có một số ngành tuyển sinh vượt chỉ tiêu.
Cụ thể, năm 2020, một số ngành tuyển vượt chỉ tiêu nhiều như Quản trị khách sạn (vượt 66%), ngôn ngữ Trung Quốc (vượt 38%), ngôn ngữ Anh (vượt 38,89%),...
Năm 2021, một số ngành tuyển vượt nhiều như ngôn ngữ Anh (vượt 41,11%), ngành Kinh doanh thời trang và dệt (28%), ngành Kinh doanh quốc tế (vượt 25,56%),...
Ảnh chụp từ đề án tuyển sinh năm 2022. MC
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, năm 2020, 2021, công tác tuyển sinh tại trường gặp nhiều khó khăn, thử thách do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, khó lường. Điều này cũng ảnh hưởng rất nhiều đến xu hướng lựa chọn ngành nghề của người học và nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp/đơn vị sử dụng lao động. Đồng thời, trong giai đoạn giãn cách vì dịch bệnh Covid-19 mọi công tác tuyển sinh: tư vấn hướng nghiệp, xử lý nghiệp vụ, nhập học của nhà trường đều diễn ra online, hỗ trợ từ xa do đó công tác dự báo thí sinh nhập học của trường khó dự báo trước.
“Do vậy, nhà trường đã có sự điều chỉnh số lượng thí sinh nhập học giữa các ngành/khối ngành để phù hợp với tình hình thực tế. Sự điều chỉnh số lượng thí sinh nhập học linh hoạt của nhà trường vẫn đảm bảo năng lực đào tạo về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất…của các ngành/ khối ngành; trên cơ sở tổng chỉ tiêu năm 2021 không đổi và tuân thủ đúng các quy chế hiện hành”, đại diện nhà trường khẳng định.
Theo lãnh đạo Trường Đại học Công thương thành phố Hồ Chí Minh, năm 2020, 2021, nhà trường tuyển sinh 2 khối ngành vượt số lượng so với chỉ tiêu trường xác định nhưng vẫn trong năng lực chỉ tiêu đào tạo của trường.
Bên cạnh đó, vị đại diện cho biết, cũng trong 2 năm này, Trường Đại học Công thương thành phố Hồ Chí Minh chịu tác động nhiều từ tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19, xu hướng chọn ngành nghề và nhu cầu của xã hội thay đổi dẫn đến lượng sinh viên bỏ học các ngành thuộc khối ngành III và VII rất nhiều. Do vậy, về tổng thể với đội ngũ cán bộ giảng viên, cơ sở vật chất… Trường Đại học Công thương thành phố Hồ Chí Minh cam kết luôn đáp ứng và đảm bảo năng lực đào tạo với quy mô sinh viên hiện tại.
Số liệu tuyển sinh thực tế của Trường Đại học Công thương năm 2020, 2021. Số liệu do nhà trường cung cấp
Nhà trường dẫn chứng, đơn cử như năm 2021, Trường Đại học Công thương thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh vượt chỉ tiêu ở 2 khối ngành nhưng vẫn trong năng lực chỉ tiêu đào tạo của trường, đó là khối ngành III (tỷ lệ 102.52 %) và khối ngành VII (tỷ lệ 102.46%). Năm 2020, nhà trường tuyển sinh có 2 khối ngành vượt số lượng so với chỉ tiêu trường xác định là khối ngành III (tỷ lệ 100.58%) và khối ngành VII (tỷ lệ 102.67% ).
“Tuy nhiên đối với tổng chỉ tiêu, nhà trường vẫn gặp nhiều khó khăn để tuyển đủ do có một số ngành khó tuyển theo xu hướng nghề nghiệp... vì thế tổng chỉ tiêu của nhà trường chỉ tuyển trong khoảng 95% - 96% qua 2 năm 2020, 2021”, đại diện nhà trường chia sẻ tình hình thực tế.
Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Trường Đại học Công thương thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện đầy đủ, công khai minh bạch các thông tin Đề án tuyển sinh và báo cáo 3 công khai theo đúng quy định của Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT về quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Tuy nhiên, còn một số điểm chưa rõ tại dữ liệu báo cáo 3 công khai ở một số năm học. Cụ thể, tại báo cáo 3 công khai năm học 2023-2024, biểu mẫu 18 về công khai thông tin chất lượng đào tạo thực tế của cơ sở giáo dục đại học, vì sao lại thống kê Công khai thông tin chất lượng đào tạo thực tế của cơ sở giáo dục đại học năm học 2022-2023. Tương tự, tại báo cáo 3 công khai năm học 2020-2021, số liệu cũng ghi năm học 2019-2020.
Báo cáo 3 công khai năm học 2023-2024 nhưng biểu mẫu thống kê lại ghi năm học 2022-2023. Ảnh chụp màn hình
Về vấn đề trên, lãnh đạo nhà trường cho biết, do số liệu thống kê Công khai thông tin chất lượng đào tạo thực tế của cơ sở giáo dục đại học của Trường Đại học Công Thương thành phố Hồ Chí Minh được chốt vào 31/12 hàng năm và thời gian công khai là tháng 6 của năm liền kề sau đó. Do vậy đối với năm học 2020 – 2021 sẽ lấy số liệu tính đến 31/12/2020 và đặt tiêu đề biểu mẫu là công khai cho năm học 2019 – 2020.
“Năm 2020, có ý kiến của Đoàn kiểm tra của Thanh tra Chính phủ yêu cầu phải lấy tiêu đề biểu mẫu là năm công khai nên năm học 2021 – 2022, 2022 – 2023 Trường thực hiện đúng theo yêu cầu này. Đến năm 2022, Đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo lại có ý kiến phải công khai chất lượng đào tạo thực tế của năm trước đó nên năm 2023 – 2024 , trường đặt tiêu đề như từ năm học 2020 – 2021 trở về trước.
Trong dự thảo Thông tư mới thay thế Thông tư 36, Biểu mẫu 18 này đã ghi rõ yêu cầu chốt số liệu đến 31/12 hàng năm như Trường đã thực hiện”, vị đại diện thông tin.
Theo thông tin công khai của nhà trường, hiện nay quy mô đào tạo của Trường Đại học Công thương thành phố Hồ Chí Minh khoảng trên 15.000 người học, gồm các trình độ từ đại học chính quy, đại học vừa học vừa làm, thạc sĩ và tiến sĩ. Những năm gần đây, quy mô đào tạo luôn được phát triển, đặc biệt quy mô đào tạo hệ đại học chính quy.
Chia sẻ về việc mở rộng quy mô đào tạo các ngành học, đại diện Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong quá trình phát triển, một trong những công tác được nhà trường chú trọng là việc mở thêm các ngành học mới, nhất là những ngành xã hội đang có nhu cầu lớn theo đúng quy định tại Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT và các quy định của pháp luật hiện hành.
Vị đại diện cho biết, tổng số ngành đào tạo đại học chính quy hiện nay của trường là 33 ngành; từ khi được tự chủ vào năm 2015, đơn vị này đã mở thêm 21 ngành đào tạo trình độ đại học hệ chính quy.
“Song song quá trình này, công tác kiểm định chất lượng chương trình đào tạo cũng được trường đẩy mạnh như là một giải pháp quan trọng để cải tiến nâng cao chất lượng đào tạo một cách hệ thống và thực hiện liên tục hàng năm. Đến hết năm 2023, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm định và được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng theo các bộ tiêu chuẩn trong nước và quốc tế tổng cộng 29 ngành có ít nhất một khóa người học tốt nghiệp”, lãnh đạo Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.
Thực hư số liệu giảng viên tăng đột biến?
Về đội ngũ giảng viên, từ dữ liệu báo cáo 3 công khai 4 năm học gần đây cho thấy, đội ngũ giảng viên của trường những năm gần đây có nhiều biến động.
Cụ thể, từ năm học 2020-2021 đến năm học 2021-2022, số lượng giảng viên có xu hướng tăng (năm học 2021-2022 toàn trường có 655 giảng viên).
Tuy nhiên đến năm học kế tiếp, số giảng viên giảm xuống chỉ còn 483 giảng viên (giảm 172 người so với năm trước đó, tương đương 26,3%).
Năm học 2023-2024, toàn trường có 590 giảng viên (tăng 107 người so với năm trước đó, tương đương 22,2%).
Chi tiết đội ngũ giảng viên Trường Đại học Công thương trong những năm gần đây, số liệu từ báo cáo 3 công khai. Bảng: MC
Chia sẻ về công tác phát triển đội ngũ giảng viên, Trường Đại học Công thương thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đã thực hiện việc cải tiến quy trình và quy hoạch về nguồn nhân lực làm căn cứ để rà soát quy hoạch nhân sự giai đoạn 2016 – 2020, xây dựng mới quy hoạch và chiến lược phát triển nhân sự giai đoạn 2020 – 2025.
“Nhà trường đã ban hành nhiều chính sách thu hút giảng viên trình độ cao và có chế độ khuyến khích/hỗ trợ giảng viên cơ hữu học tập nâng cao trình độ để dần khắc phục được vấn đề sụt giảm cũng như đảm bảo số lượng giảng viên cơ hữu toàn Trường như chiến lược đề ra, kết quả là bắt đầu năm học 2023 – 2024 đã có sự gia tăng về cả số lượng và chất lượng giảng viên cơ hữu, và giảng viên các trình độ phó giáo sư, tiến sĩ có chiều hướng tăng.
Mặt khác, trường cũng khuyến khích và thực hiện việc viên chức hành chính đã học nâng cao trình độ phù hợp với ngành đào tạo của Trường có nguyện vọng chuyển ngạch làm giảng viên. Quy trình thực hiện chuyển ngạch đảm bảo như quy trình tuyển dụng giảng viên mới”, vị đại diện chia sẻ.
Thông tin chi tiết về dữ liệu giảng viên, theo lãnh đạo Trường Đại học Công thương thành phố Hồ Chí Minh, năm học 2020-2021 đến năm học 2021-2022, số lượng giảng viên có xu hướng tăng (năm học 2021-2022 toàn trường có 655 giảng viên), một phần do đơn vị chuyển ngạch 1 số viên chức ngạch chuyên viên sang làm giảng viên (có trình độ đại học, phần lớn đang học thạc sĩ).
Tuy nhiên, đến năm học kế tiếp 2022-2023, số giảng viên giảm xuống chỉ còn 483 giảng viên (giảm 172 người so với năm trước đó, tương đương 26,3%). Nguyên nhân, do theo yêu cầu của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý – Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến nghị nhà trường không được bố trí các giảng viên kiêm nhiệm công tác hành chính, nên nhà trường phải chuyển dịch 172 người về chức danh chuyên viên, do đó số lượng giảng viên bị tụt giảm.
Năm học 2023-2024, toàn trường có 590 giảng viên (tăng 107 người so với năm trước đó, tương đương 22,2%). Nguyên nhân của sự tăng này, theo vị lãnh đạo là từ việc thu hút bên ngoài, cũng như các giảng viên từ trình độ thạc sĩ chuyển dịch lên trình độ tiến sĩ là 61 người; số giảng viên có trình độ thạc sĩ tăng lên 43 người là do tuyển dụng và chuyển ngạch các chuyên viên có trình độ thạc sĩ sang giữ ngạch giảng viên; bổ sung sắp xếp lại 1 số giảng viên có trình độ đại học làm công tác giảng dạy thực hành (21 người).
Vì sao nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thấp?
Về tài chính, thống kê dữ liệu báo cáo 3 công khai về thu chi tài chính cho thấy, tổng thu của trường có xu hướng tăng, trong đó chủ yếu nguồn thu tăng lên đến từ học phí. Trong khi đó, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lại khá khiêm tốn (chiếm 0,59% trong tổng thu).
Thống kê tài chính Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh trong 4 năm qua, đơn vị: tỉ đồng. Bảng MC
Lý giải về việc này, đại diện Trường Đại học Công thương thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ, thực tế hiện nay, nguồn thu từ các các sở giáo dục đại học nói chung đều chủ yếu đến từ học phí (đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ, tư thục), nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ rất khiêm tốn.
Nguyên nhân chính bắt nguồn từ yếu tố về hiện trạng hoạt động nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục chịu ảnh hưởng rất lớn từ cơ chế tài chính, cũng như nhu cầu chuyển giao sản phẩm nghiên cứu khoa học (thương mại hóa).
Về mặt dữ liệu nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ do phóng viên thống kê, nhà trường cho biết số liệu này chưa hoàn toàn chính xác, vì tại thời điểm báo cáo, các số liệu này lấy khi đã hoàn tất các thủ tục tài chính. Tuy nhiên, nhiều hạng mục nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ vẫn chưa tính vào (vì chưa quyết toán).
“Ước tính trong 05 trở lại đây, nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của nhà trường khoảng 50 tỉ đồng, bình quân mỗi năm khoảng 10 tỉ đồng (chiếm khoảng 2% tổng thu). Như vậy, để tiến tới đạt chuẩn cơ sở giáo dục đại học được nêu tại Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (nguồn thu từ hoạt động khoa học công nghệ tối thiểu 5%) thì đây là 1 thách thức lớn đối với nhà trường”, vị lãnh đạo cho biết.
Giảng viên Trường Đại học Công thương thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: HUIT
Nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học, lãnh đạo Trường Đại học Công thương thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, về phía Chính phủ cần tiếp tục cải cách các chính sách về hoạt động khoa học công nghệ đảm bảo minh bạch, cơ chế tài chính phù hợp, phát huy được tính cạnh tranh cũng như ưu tiên trong 1 số lĩnh vực cốt lõi để thực hiện đúng phương châm lấy khoa học công nghệ là nền tảng phát triển đất nước. Mặt khác, Chính phủ cũng tạo ra môi trường tăng tính tương tác giữa thị trường khoa học giữa các bên liên quan (tạo hệ sinh thái khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo mở, kết nối).
Bên cạnh đó, về phía cơ sở giáo dục, cần có các chính sách thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ trên tinh thần sáng tạo, thực tiễn; trong đó xây dựng đội ngũ nghiên cứu khoa học thực chiến đáp ứng được yêu cầu của thị trường khoa học công nghệ. Chủ động kết nối các bên liên quan như các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp, địa phương, để chung tay giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Chia sẻ thêm về một số hoạt động đa dạng hóa nguồn thu của đơn vị, Trường Đại học Công thương thành phố Hồ Chí Minh cho hay, trường đang mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Đài Loan và nhiều quốc gia trên thế giới. Trường cũng đang có kế hoạch ký kết MOU với các đối tác trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, trao đổi sinh viên, hợp tác với các doanh nghiệp.
“Các hoạt động này không chỉ tạo cơ hội cho sinh viên được nghiên cứu, học tập trong môi trường quốc tế, mà còn được kỳ vọng sẽ gia tăng nguồn thu cho trường. Ngoài ra, nhà trường chủ động thành lập các doanh nghiệp khoa học công nghệ để sẵn sàng cho các hoạt động kết nối, chuyển giao sản phẩm ra thị trường.
Song song với đó, tiếp tục thu hút, đào tạo bồi dưỡng các nhà khoa học trong nhà trường cũng như kết nối các nhà khoa học trong và ngoài nước để tạo thành các nhóm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu mạnh giải quyết các vấn đề liên ngành, vấn đề quan trọng trong khoa học công nghệ”, lãnh đạo nhà trường thông tin với phóng viên.
Sau khoảng 1 năm Trường Đại học Công thương thành phố Hồ Chí Minh khuyết hiệu trưởng, vào đầu tháng 1 năm 2024, vị trí này đã được kiện toàn. Theo đó, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn được bổ nhiệm giữ vị trí hiệu trưởng, nhiệm kỳ 2023-2028.
Ban Giám hiệu Trường Đại học Công Thương thành phố Hồ Chí Minh hiện có 3 thành viên, gồm: Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng; 2 Phó hiệu trưởng là Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hồng Ánh và Tiến sĩ Thái Doãn Thanh.
Tiến sĩ Bùi Hồng Đăng, Phó hiệu trưởng, chuyển sang làm Phó Chủ tịch phụ trách Hội đồng trường.