Số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm

Để triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT), HĐĐT từ máy tính tiền (MTT), ngành Thuế đang thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt tới từng ngành nghề, lĩnh vực cụ thế.

Lũy kế đến ngày 14/6/2024 đã có 67.658 cơ sở kinh doanh đăng ký sử dụng HĐĐT khởi tạo từ MTT.

Lũy kế đến ngày 14/6/2024 đã có 67.658 cơ sở kinh doanh đăng ký sử dụng HĐĐT khởi tạo từ MTT.

Số cơ sở kinh doanh sử dụng tăng dần theo từng năm

Căn cứ dữ liệu trên hệ thống HĐĐT và báo cáo của các cục thuế trong cả nước, lũy kế đến ngày 14/6/2024 đã có 67.658 cơ sở kinh doanh đăng ký sử dụng HĐĐT khởi tạo từ MTT, số lượng HĐĐT khởi tạo từ MTT sử dụng là 516,05 triệu hóa đơn - bình quân đạt 7.627. hóa đơn/cơ sở kinh doanh.

Tổng số cơ sở kinh doanh đã triển khai trong năm 2023 và cơ sở kinh doanh đưa vào kế hoạch để tiếp tục triển khai trong năm 2024 là 82.167 cơ sở. Như vậy, nếu triển khai đạt 100% kế hoạch của năm 2024 do Cục Thuế xây dựng thì tổng số cơ sở kinh doanh áp dụng HĐĐT khởi tạo từ MTT mới chỉ đạt 47,2% so với số lượng cơ sở kinh doanh thuộc diện triển khai HĐĐT khởi tạo từ MTT theo dữ liệu đăng ký thuế trên hệ thống TMS.

Đáng chú ý, Tổng cục Thuế cho biết, số lượng HĐĐT khởi tạo từ MTT đã sử dụng (đến hết năm 2023) là 104,8 triệu hóa đơn thì đến ngày 14/6/2024 là 516,05 triệu hóa đơn gấp 4,9 lần. Trong tổng số 67.658 cơ sở kinh doanh đã đăng ký sử dụng HĐĐT khởi tạo từ MTT có 40.731 cơ sở kinh doanh đã sử dụng HĐĐT khởi tạo từ MTT chiếm 60,2%, tỉ lệ sử dụng HĐĐT khởi tạo MTT lũy kế đến ngày 14/6/2024 tăng 14,1% so với tỉ lệ cơ sở kinh doanh sử dụng đến hết năm 2023. Như vậy, có thể thấy, tình hình sử dụng HĐĐT khởi tạo từ MTT đang dần cải thiện trong thời gian qua.

Để tiếp tục triển khai HĐĐT khởi tạo từ MTT trong năm 2024, Tổng cục Thuế đề nghị các cục thuế tiếp tục thực hiện việc rà soát các cơ sở kinh doanh trên địa bàn thuộc đối tượng triển khai HĐĐT khởi tạo MTT để tăng thêm số lượng cơ sở kinh doanh đưa vào diện triển khai năm 2024 đảm bảo sát thực tế, đảm bảo phấn đấu đạt chỉ tiêu 70% vào cuối năm 2024.

Đồng thời, tổ chức cuộc vận động và thực hiện ký cam kết giữa các sở, ban, ngành, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, hội bảo vệ người tiêu dùng, các cơ quan thông tấn báo chí địa phương... phát động phong trào “người tiêu dùng lấy hóa đơn khi tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ” nhằm lan tỏa chủ trương chính sách của Chính phủ, qua đó tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Quản lý chặt chẽ từng lĩnh vực

Đối với các đối tượng, lĩnh vực kinh doanh cần tập trung triển khai, Tổng cục Thuế cũng đề ra yêu cầu cụ thế với các cục thuế.

Theo đó, đối với hoạt động kinh doanh ăn uống, dịch vụ vui chơi giải trí, bán lẻ thuốc tân dược, Cục Thuế phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để thực hiện rà soát các cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng, dịch vụ vui chơi giải trí, điểm mua sắm, bán lẻ thuốc tân dược; thực hiện rà soát và bổ sung vào kế hoạch triển khai HĐĐT khởi tạo từ MTT của các cơ sở kinh doanh tại khu vực hoạt động kinh tế ban đêm.

Đối với hoạt động kinh doanh vàng, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế phối hợp với các cơ quan ban ngành và chính quyền địa phương thực hiện công tác rà soát các cơ sở kinh doanh hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng còn chưa áp dụng HĐĐT; yêu cầu các cơ sở kinh doanh thực hiện nghiêm túc việc áp dụng HĐĐT trong các giao dịch mua bán; thực hiện thống kê, rà soát về thực tế hoạt động kinh doanh của các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đang hoạt động trong lĩnh vực gia công vàng trang sức, mỹ nghệ.

Đối với các trường hợp doanh nghiệp đã đăng ký sử dụng HĐĐT, HĐĐT khởi tạo từ MTT nhưng qua rà soát, nhận diện cơ sở kinh doanh còn chưa áp dụng HĐĐT kết nối với cơ quan thuế trong hoạt động mua bán vàng; số lượng HĐĐT sử dụng còn chưa sát thực tế; ngành nghề kinh doanh thực tế không đúng với ngành nghề trên đăng ký kinh doanh: Cục Thuế thực hiện phối hợp, cung cấp thông tin với các cơ quan ban ngành và chính quyền địa phương để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các doanh nghiệp và các cửa hàng, địa điểm kinh doanh trực thuộc trong giao dịch mua, bán vàng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các cơ sở kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực sân golf, cáp treo, phí đường bộ; bán vé tham quan du lịch; vận tải hành khách đường bộ; dịch vụ thẩm mỹ, để thúc đẩy việc triển khai đối với lĩnh vực này, Bộ Tài chính đã đề nghị UBND chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành địa phương phối hợp với cơ quan thuế để mở rộng triển khai đối với các lĩnh vực đặc thù (sân golf, cáp treo, phí đường bộ, bán vé tham quan du lịch, vận tải hành khách đường bộ, dịch vụ thẩm mỹ). Để có cơ sở tham mưu với Ủy ban nhân dân, Cục Thuế thực hiện việc rà soát thực tế, tuyên truyền, hỗ trợ để vào diện triển khai năm 2024.

Đối với các doanh nghiệp có chi nhánh phụ thuộc, trong quá trình rà soát các cơ sở kinh doanh thuộc diện triển khai HĐĐT khởi tạo từ MTT có đơn vị hạch toán phụ thuộc, có hoạt động kinh doanh bán lẻ quy mô lớn vẫn chưa thực hiện áp dụng HĐĐT khởi tạo từ MTT. Do đó, Tổng cục Thuế đề nghị cục thuế bổ sung các cơ sở kinh doanh vào danh sách triển khai trong năm 2024 và thực hiện yêu cầu cơ sở kinh doanh áp dụng giải pháp HĐĐT khởi tạo từ MTT, đảm bảo thực hiện trong quý III/2024.

Đối với các cơ sở kinh doanh không đáp ứng về điều kiện công nghệ thông tin, trong quá trình rà soát các cơ sở kinh doanh thuộc diện áp dụng HĐĐT khởi tạo từ MTT, nếu phát sinh các trường hợp chưa đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin, giải pháp xuất HĐĐT khởi tạo từ MTT thì cơ quan thuế phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ HĐĐT để có giải pháp hỗ trợ về thiết bị, phần mềm, phí dịch vụ… cho cơ sở kinh doanh. Ngoài ra, Cục Thuế cần đề xuất, tham mưu với UBND hỗ trợ về tài chính cho các cơ sở kinh doanh còn khó khăn trong việc chuyển đổi.

Thùy Linh

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/so-luong-hoa-don-dien-tu-khoi-tao-tu-may-tinh-tien-tang-manh-trong-6-thang-dau-nam.html