Số lượng vụ kiện hành chính ở Cần Thơ có xu hướng tăng dần từng năm

Từ năm 2017 đến năm 2022, tại Cần Thơ, số lượng các quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ tịch UBND, UBND bị tòa hủy chiếm 15,2%, số lượng vụ kiện có xu hướng tăng.

lUBND TP Cần Thơ vừa ban hành báo cáo tổng kết Luật Tố tụng hành chính năm 2015 liên quan đến trách nhiệm của chủ tịch UBND và UBND, tổng kết Chỉ thị số 26/2019 của Thủ tướng về tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính.

TAND TP Cần Thơ tuyên án vụ kiện UBND cấp huyện năm 2022 mà người đại diện (hoặc ủy quyền) của người bị kiện không tham gia phiên tòa. Ảnh: NHẪN NAM

TAND TP Cần Thơ tuyên án vụ kiện UBND cấp huyện năm 2022 mà người đại diện (hoặc ủy quyền) của người bị kiện không tham gia phiên tòa. Ảnh: NHẪN NAM

Theo báo cáo, tổng kết số liệu từ năm 2017 đến năm 2022, số lượng các quyết định hành chính (QĐHC), hành vi hành chính (HVHC) của chủ tịch UBND, UBND bị tòa án tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ chiếm 15,2% tổng số khiếu kiện QĐHC, HVHC do TAND TP Cần Thơ thụ lý. Số lượng khiếu kiện QĐHC, HVHC của chủ tịch UBND, UBND có xu hướng tăng dần theo từng năm.

Nguyên nhân của việc ban hành các QĐHC, HVHC trái pháp luật thời gian qua là do các căn cứ để ban hành các QĐHC, HVHC chưa đảm bảo được các yếu tố như thẩm quyền, thời gian ban hành, tính hợp pháp, hợp lý và chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn đời sống. Cạnh đó do công tác tham mưu chưa thực hiện tốt, có sự thay đổi chính sách pháp luật.

Cũng theo báo cáo, khi Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực, đối với các khiếu kiện QĐHC, HVHC của chủ tịch UBND, UBND cấp huyện thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh. Việc thay đổi thẩm quyền này đã góp phần xóa bỏ tâm lý e ngại của thẩm phán TAND cấp huyện khi xét xử các khiếu kiện QĐHC, HVHC của chủ tịch UBND, UBND cùng cấp.

Ngoài ra, có 303/641 trường hợp chủ tịch UBND (hoặc người đại diện) không tham gia phiên đối thoại; 306/641 trường hợp người đại diện hoặc ủy quyền không tham gia phiên tòa.

Từ năm 2017 đến 2022 có 55 bản án phải thi hành, trong đó đã thi hành được 51 bản án (40 bản án tự nguyện thi hành, 11 trường hợp phải có quyết định buộc thi hành của tòa án).

Theo báo cáo, việc thi hành các bản án này chủ yếu phụ thuộc tính tự giác của các cơ quan hành chính nhà nước; việc áp dụng quy định chế tài việc chậm thi hành án còn chưa triệt để. Vẫn còn một số bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được các cơ quan, tổ chức, cá nhân thi hành kịp thời, nghiêm túc. Một vài trường hợp chưa đồng tình với phán quyết của tòa án hoặc đợi kết quả giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm nên chưa tự nguyện thi hành dẫn đến kéo dài…

NHẪN NAM

Nguồn PLO: https://plo.vn/so-luong-vu-kien-hanh-chinh-o-can-tho-co-xu-huong-tang-dan-tung-nam-post748642.html