Sợ mất thu nhập, phố đèn đỏ Nhật vẫn mở cửa bất chấp đại dịch
Dù được đề nghị đóng cửa, những nơi như quán bar cung cấp dịch vụ quan hệ tình dục vẫn hoạt động để duy trì khách hàng và nguồn thu.
Kể từ khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ban bố tình trạng khẩn cấp chính thức vì đại dịch virus corona vào ngày 7/4, các thành phố lớn ở đất nước này đã ở trong "tâm bão".
Tại Tokyo, các trung tâm thương mại lớn đã đóng cửa, các tụ điểm giải trí về đêm đang phải vật lộn với giai đoạn khó khăn. Nhiều nhà hàng đang bán cơm hộp bento mang đi như cách để thay cho nguồn thu từ những lượt khách đến uống rượu và nhấm nháp tại các quán bar izakaya sau giờ làm việc.
Tại Tokyo, ngành dịch vụ mát mẻ này phần lớn vẫn diễn ra theo hình thức trực diện, tức thì.
Những người làm công ăn lương đang căng thẳng có thể lao vào một câu lạc bộ có tiếp viên phục vụ để trò chuyện với một phụ nữ trẻ - có tính phí - hoặc thuê một phòng tại những nhà chứa được gọi là pinsaro (tiệm hồng), hoặc những quán bar cung cấp dịch vụ quan hệ tình dục trong thời gian 40 phút với giá khoảng 6.000 yen (55 USD).
"Vùng xám" thời dịch
Không giống như các quốc gia khác nơi các biện pháp nghiêm ngặt hơn đã được thi hành, chính phủ Nhật Bản đã đề nghị, không phải yêu cầu, nhiều cơ sở kinh doanh đóng cửa. Điều này đẩy lao động tình dục và chủ doanh nghiệp trong ngành này vào một "vùng xám": Họ nên mở cửa và cố gắng duy trì khách hàng trong khi mạo hiểm sức khỏe của mình không? Hay họ nên đóng cửa hoàn toàn và đối mặt với thua lỗ?
"Chúng tôi đã và đang đảm bảo rằng khách hàng phải rửa tay và làm sạch quần áo trước khi vào trong", Britney Jane, một cô gái Mỹ trong độ tuổi 20, sống ở Nhật Bản đã 5 năm và làm việc tại một câu lạc bộ S&M ở Osaka, cho hay.
"Quy trình này được lặp lại mỗi khi họ bước ra ngoài. Tôi cảm thấy nếu tôi ốm, thì nhiều khả năng là lây nhiễm khi tôi tàu hoặc đi siêu thị".
"Một người làm việc trong siêu thị ở chỗ tôi được xác nhận nhiễm virus, nhưng ngay cả khi đó tôi cũng không thấy sợ hãi", Jane nói. "Nhật Bản dường như là một trong những quốc gia làm ít nhất, và tôi đoán điều đó khiến tôi cảm thấy (dịch bệnh) ít đáng sợ hơn. Tôi chỉ cảm thấy lo lắng cho người già vì Nhật Bản có rất nhiều người già".
Cùng với việc Thế vận hội Tokyo 2020 chính thức bị hoãn lại, và số ca nhiễm Covid-19 tăng đều, nhiều người - bao gồm cả Đô trưởng Tokyo, bà Yuriko Koike - đang kêu gọi chính phủ Thủ tướng Abe áp đặt các hạn chế cứng rắn hơn đối với các thành phố lớn đông dân.
Trong khi đó, phần lớn các khu vực giải trí về đêm và các quán bar izakaya vẫn mở, vì các chủ doanh nghiệp nhỏ - người tạo nên xương sống của ngành giải trí về đêm tại Nhật Bản - lo sợ tác động kinh tế vì đóng cửa có thể lớn hơn các rủi ro sức khỏe.
"Một số người đang mất việc, các doanh nghiệp sắp phá sản", chủ quán bar nơi Jane làm việc, từ chối nêu tên, cho hay. "Chúng tôi sẽ chết vì virus corona hoặc sẽ chết vì kinh tế".
Người làm việc trong các ngành dịch vụ người lớn trước đây không được hưởng chính sách bồi thường thu nhập vì dịch, nhưng chính phủ hôm 7/4 tuyên bố nay họ sẽ đủ điều kiện. Tuy nhiên, nhiều người vẫn đang làm việc.
Yu, 27 tuổi, đến từ Tokyo, có bạn làm việc tại một pinsaro ở thành phố. Hầu hết pinsaro chỉ có một phòng mở duy nhất cùng các buồng được ngăn đều, nơi khách hàng được phục vụ bởi một đội hình tiếp viên xoay vòng. Yu nói rằng khách hàng không được cung cấp vận dụng gì để khử trùng hay vệ sinh.
"Bạn tôi nói với tôi rằng cô ấy đang cố gắng giảm ngày làm việc", cô nói. "Cô ấy thuộc nhóm tiếp viên cấp cao hơn trong tiệm, vì vậy cô ấy có khách hàng thường xuyên và được tự do làm điều đó".
Một số cô gái mới đến, hoặc những cô gái chuyển đến Tokyo để kiếm tiền, không may mắn và có rất ít sự lựa chọn về người mà họ phục vụ.
"Nhiều người trong số những cô gái đó từ nơi khác chuyển đến Tokyo và sống trong một căn hộ được cung cấp bởi chủ tiệm, đồng nghĩa với việc họ không có nhiều quyền tự chủ", Yu nói, cho biết chủ của những cô gái yếu thế này muốn họ làm việc nhiều nhất có thể.
Hẹn hò online sôi động
Dịch bệnh cũng có ảnh hưởng đến chuyện hẹn hò.
"Trên Tinder và Bumble (ứng dụng hẹn hò), người dùng tích cực hơn nhiều - Tôi đã nhận được rất nhiều người quẹt phải", Yu nói. "Nhiều người địa phương hơn thường thấy - chủ yếu là người địa phương và người nước ngoài đã sống ở Nhật Bản một thời gian dài".
Nhật Bản từ lâu đã chứng kiến số lượng người độc thân ngày càng tăng, đặc biệt là ở các thành phố. Thời gian làm việc dài, chi phí sinh hoạt cao và các dịch vụ dành cho người lớn dễ tiếp cận, đáp ứng nhu cầu tình cảm và tình dục đã dẫn đến việc đối với nhiều người trẻ và trung niên sống ở Nhật Bản, độc thân là lựa chọn duy nhất và đôi khi thậm chí là điều họ mong muốn.
Truyền thông địa phương dự đoán rằng nếu tỷ lệ người độc thân vẫn tiếp tục tăng, một nửa dân số Nhật Bản vào năm 2035 sẽ là người độc thân. Hiện nay, khoảng một phần tư số hộ gia đình Nhật Bản là hộ độc thân, đông hơn tất cả các loại khác.
Ben, một người đồng tính nam 28 tuổi đến từ Australia và sống ở Tokyo gần 7 năm, thích sử dụng các ứng dụng hẹn hò như Grindr, Tinder và 9monsters (được gọi là 9mon) và từng gặp gỡ đối tượng một hoặc hai lần mỗi tuần. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh bùng phát, anh cho biết mức độ hoạt động trên các ứng dụng đã trở nên "thật kỳ quái".
"Như thể chúng tôi đã bước vào một thế giới khác", anh nói. "Trước dịch, Grindr từng bị hạn chế về số lượng hồ sơ bạn có thể thấy. Kể từ khoảng giữa tháng 3, họ đã mở rộng nó lên đến 300, điều này chỉ xảy ra trước đây nếu bạn trả thêm tiền - bây giờ nó miễn phí. Vì vậy, bạn có thể kết nối với nhiều người hơn".
Ben nhận thấy Tinder cũng trở nên sôi động hơn. "Người từ khắp nơi trên thế giới đang hiển thị để tôi chọn quẹt", anh nói. "Có vẻ như mọi người đều cảm thấy buồn chán và đã mua Tinder Gold (gói dịch vụ cao cấp của ứng dụng) để xem được tất cả những người đáng yêu tại Nhật Bản".
Chính phủ Nhật Bản đang yêu cầu công chúng giảm 70 đến 80% tiếp xúc với người khác, nhưng yêu cầu này không phải quá nghiêm túc.
Ben nói không khí vô lo vẫn bao phủ cộng đồng hẹn hò ở Nhật Bản.
"Mọi người vẫn muốn gặp nhau để làm chuyện đó, ăn trưa hoặc đi hát karaoke. Dù có thông báo tự cách ly, dường như mọi người vẫn muốn ra ngoài và kết nối", anh nói.
Tuy nhiên, một số người đã thay đổi quan điểm. Joe, một người London 32 tuổi sống ở Tokyo, thường hẹn hò một hoặc hai lần một tháng cho đến gần đây.
"Tôi không muốn đến quán bar hay nhà hàng liên tục, chứ đừng nói là hẹn hò", anh nói.
Vấn đề của trái tim hiện tại không còn quan trọng, anh nói.