Số nạn nhân của vụ khủng bố ở sân bay Kabul đã tăng lên ít nhất 170 người
Số người chết do các vụ tấn công khủng bố bên ngoài sân bay quốc tế Kabul, Afghanistan đã tăng lên ít nhất 170 người, một quan chức địa phương đã nói với truyền thông Mỹ hôm thứ Sáu (27/8).
Xe cứu thương cấp cứu những người bị thương trong vụ đánh bom liều chết ở sân bay Kabul khiến 170 người chết và 200 người khác bị thương - Ảnh: Reuters
Bài liên quan
Cựu bộ trưởng Afghanistan trở thành shipper ở Đức
Taliban công bố chính phủ mới sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan
Hơn 200 nghìn người Afghanistan có thể bị mắc kẹt sau thời hạn rút quân cuối cùng của Mỹ
Các phương tiện truyền thông cũng cho biết, ít nhất 200 người khác bị thương trong hai vụ nổ xảy ra hôm thứ Năm (26/8), trong bối cảnh sân bay Kabul rơi vào cảnh hỗn loạn bởi dòng người muốn rời khỏi Afghanistan sau khi Taliban tiếp quản thủ đô.
Ngoài con số thương vong của dân thường Afghanistan, 13 quân nhân Mỹ cũng đã thiệt mạng và ít nhất 15 người khác bị thương trong các vụ đánh bom. Lầu Năm Góc xác nhận, một trong hai quả bom đã phát nổ tại cổng Abbey Gate dẫn đến sân bay Kabul và một quả bom khác tại khách sạn Baron gần đó. Trước đây, khách sạn này từng là điểm tập trung của công dân Mỹ cho việc cứu hộ và sơ tán.
Một chi nhánh của nhóm Nhà nước Hồi giáo có tên ISIS-K đã lên tiếng nhận trách nhiệm về các vụ đánh bom, vốn diễn ra liên tiếp trước thời hạn rút quân của Mỹ khỏi Afghanistan vào ngày 31/08 và trong bối cảnh tình trạng hỗn loạn xuất hiện tại khu vực xung quanh sân bay Kabul. ISIS-K được gọi là Nhà nước Hồi giáo Khorasan, có mối quan hệ thù địch với Taliban.
Trong một tuyên bố sau đó, Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ sẽ truy lùng và buộc những kẻ thực hiện hai vụ đánh bom phải trả giá. Ông Biden cũng ra lệnh cho các chỉ huy quân sự Mỹ lên kế hoạch tấn công những cơ sở và lãnh đạo ISIS-K, song chưa công bố chi tiết về thời gian và cách thức thực hiện.
Ở một diễn khác, Lầu Năm Góc đã cảnh báo về các cuộc tấn công tiếp theo có thể xảy ra tại sân bay Kabul. Tướng Frank McKenzie, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM), cho biết trọng tâm của quân đội Mỹ là "đảm bảo rằng một cuộc tấn công khác có tính chất này không xảy ra", bởi vì "thông thường, mô hình là nhiều cuộc tấn công".
Ngày 31/8 là thời hạn cuối cùng của thỏa thuận rút quân đội Mỹ và đồng minh khỏi Afghanistan. Trong bối cảnh hỗn loạn và những cảnh báo của chính quyền Taliban, nhiều quốc gia đã quyết định dừng nhiệm vụ sơ tán.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp thông báo kết thúc chiến dịch sơ tán ở sân bay Kabul, sau khi đưa khoảng 3.000 người rời khỏi Afghanistan. "Chiến dịch Apagan, bắt đầu vào ngày 15/8 theo yêu cầu của Tổng thống, đã kết thúc vào tối nay. Trong vòng chưa đầy hai tuần, quân đội Pháp đã đưa khoảng 3.000 người đến nơi an toàn, trong đó có hơn 2.600 người Afghanistan", Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly viết trên Twitter ngày 27/8.
Tây Ban Nha và Australia tuyên bố kết thúc chiến dịch di tản tại Afghanistan, trong khi Anh thông báo sẽ ngừng hoạt động này "trong vài giờ tới".
"Chúng tôi sẽ xử lý thủ tục cho khoảng 1.000 người mà chúng tôi đã đưa vào trong sân bay. Chúng tôi cũng sẽ tìm cách tìm kiếm vài người trong đám đông, ở những nơi chúng tôi có thể. Nhưng nhìn chung quá trình xử lý thủ tục đã kết thúc và chúng tôi sẽ rời đi trong vài giờ nữa", Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace trả lời phỏng vấn hôm qua (27/8), đề cập đến quá trình sơ tán ở Afghanistan. Động thái của Anh đưa ra sau hai vụ đánh bom liều chết bên ngoài sân bay Kabul hôm 26/8.