Số người buộc phải rời bỏ nhà cửa vượt quá 100 triệu người trong 2022
Số người buộc phải rời bỏ nhà cửa trên thế giới đã vượt qua con số 100 triệu người và chỉ tính riêng viện trợ nhân đạo đã không thể đáp ứng được số người di dời này.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, báo cáo mới do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố ngày 30/11, cho biết trong năm 2022, số người buộc phải rời bỏ nhà cửa trên thế giới đã vượt qua con số 100 triệu người và chỉ tính riêng viện trợ nhân đạo đã không thể đáp ứng được số người di dời này.
Do vậy, cần hành động khẩn cấp để hỗ trợ những người phải rời bỏ nhà cửa do biến đổi khí hậu, xung đột và khủng hoảng.
Báo cáo nêu rõ phần lớn những người phải rời bỏ nhà cửa do xung đột, bạo lực hoặc thiên tai bị mắc kẹt trong chính đất nước của họ, thường là trong nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ, tuy nhiên những người di cư nội bộ này hiếm khi xuất hiện trên các tiêu đề thu hút sự chú ý.
Báo cáo lập luận rằng cần có hành động phát triển dài hạn hơn để đảo ngược tình trạng di cư trong nước, vốn đang ở mức kỷ lục với hàng triệu người được dự báo sẽ rời bỏ nhà cửa do biến đổi khí hậu.
Đến năm 2050, biến đổi khí hậu có thể buộc hơn khoảng 216 triệu người phải đi sơ tán, bỏ lại cuộc sống và sinh kế hiện tại để chuyển đến những khu vực an toàn hơn.
Cũng theo báo cáo trên, cuối năm ngoái trên thế giới có 59,1 triệu người buộc phải di cư trong nước của họ và những người này đang phải nỗ lực để đảm bảo nhu cầu sống cơ bản, tìm công việc tử tế, duy trì nguồn thu nhập ổn định, đủ sức khỏe hoặc cho con cái đi học.
Trong nhóm này, phụ nữ, trẻ em và các đối tượng yếu thế khác là những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
Đảm bảo các quyền và nhu cầu của những người di cư nội bộ là điều kiện tiên quyết để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững, được các nhà lãnh đạo thế giới thông qua hồi năm 2015.
Báo cáo nhấn mạnh việc khắc phục tình trạng dịch chuyển trong nước phụ thuộc vào việc các chính phủ thực hiện các giải pháp phát triển quan trọng, bao gồm đảm bảo tiếp cận bình đẳng các quyền và dịch vụ cơ bản, thúc đẩy hội nhập kinh tế xã hội, khôi phục an ninh và xây dựng sự gắn kết xã hội.