Số người mắc COVID-19 tại Ấn Độ đã vượt qua ngưỡng 25 triệu ca
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại một cơ sở y tế tạm thời ở New Delhi, Ấn Độ. - Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 18/5, Ấn Độ ghi nhận 263.533 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, theo đó tổng số ca mắc ở quốc gia Nam Á này đã vượt ngưỡng 25 triệu ca, lên 25,23 triệu ca.
Ấn Độ cũng ghi nhận thêm 4.329 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 278.719 ca.
Liên quan việc điều trị COVID-19, tài liệu hướng dẫn do Hội đồng nghiên cứu y tế Ấn Độ (ICMR) công bố tối 17/5 cho biết cơ quan này không còn khuyến nghị sử dụng huyết tương của bệnh nhân đã bình phục để điều trị cho người mắc COVID-19.
Tài liệu tiếp tục khuyến nghị sử dụng Ivermerctin và Hydroxychloroquine cho những bệnh nhân COVID-19 triệu chứng nhẹ, nhưng cũng lưu ý rằng cả hai loại thuốc này đều có mức độ chứng minh hiệu quả thấp.
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, một thử nghiệm do ICMR tiến hành đối với 400 bệnh nhân hồi năm ngoái không ghi nhận hiệu quả đáng kể nào khi sử dụng huyết tương để điều trị bệnh nhân COVID-19, song liệu pháp này vẫn được đưa vào tài liệu hướng dẫn nêu trên.
Một số thử nghiệm quốc tế khác cũng không tìm thấy lợi ích từ liệu pháp huyết tương. Trên thực tế, một số chuyên gia cho rằng việc sử dụng huyết tương như vậy thậm chí có thể đóng một vai trò trong việc thúc đẩy các đột biến đáng lo ngại của virus gây bệnh.
Một nghiên cứu gần đây nhất được công bố trên tạp chí y khoa Lancet của Anh hôm 14/5 cho thấy một thử nghiệm liên quan đến khoảng 5.000 bệnh nhân được điều trị bằng huyết tương ở Anh cũng không ghi nhận tác dụng của liệu pháp này trong việc giảm tỉ lệ tử vong hoặc cải thiện tình hình sức khỏe của bệnh nhân.
Trong diễn biến khác, theo các nguồn tin chính phủ, Ấn Độ dường như khó có thể xuất khẩu lại vắcxin ngừa COVID-19 cho đến ít nhất tháng 10 tới trong bối cảnh nước này đang tập trung cung cấp vắcxin trong nước.
Điều này có thể khiến Chương trình phân phối vắcxin toàn cầu COVAX nhằm hỗ trợ các nước nghèo tiếp cận với vắcxin thiếu hụt nguồn cung trầm trọng hơn.
Cách đây 1 tháng, sau khi tặng hoặc bán hơn 66 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19, Ấn Độ đã ngừng xuất khẩu vắcxin trong bối cảnh quốc gia Nam Á này đối mặt với số ca nhiễm mới theo ngày tăng ở mức cao nhất thế giới.
Người phát ngôn của Viện Huyết thanh của Ấn Độ (SII) - cơ quan sản xuất vắcxin lớn nhất thế giới, cũng cho biết hiện đang tập trung vào cung cấp vắcxin cho thị trường Ấn Độ. Trước đó, SII dự kiến sẽ xuất khẩu trở lại vào tháng 6 tới.
Động thái trên đẩy nhiều quốc gia trong đó có Bangladesh, Nepal, Sri Lanka và nhiều nước ở châu Phi phải đi tìm nguồn cung cấp vắcxin khác thay thế. Ngay cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đồng bảo trợ sáng kiến COVAX, ngày 17/5 đã kêu gọi các nhà sản xuất vắcxin ngoài Ấn Độ tăng cường cung vắcxin cho chương trình phân phối vắcxin này.
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cũng đề nghị các nước trong Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) cung cấp vắcxin cho COVAX như một biện pháp khẩn cấp để giải quyết tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung do việc gián đoạn xuất khẩu vắcxin ngừa COVID-19 của Ấn Độ.
Theo các nguồn tin trên, Ấn Độ sẽ ưu tiên tiến hành chương trình tiêm vắcxin ngừa COVID-19 trong bối cảnh số ca nhiễm tại nước này vượt 25 triệu người và số ca tử vong theo ngày ở mức cao nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết thời điểm Ấn Độ nối lại xuất khẩu vắcxin ngừa COVID-19 có thể thay đổi, tùy thuộc vào việc nước này khống chế được làn sóng lây nhiễm thứ 2 của dịch COVID-19. Hiện Bộ Nội vụ Ấn Độ chưa đưa ra bình luận nào về thông tin trên.