Số người nhiễm và tử vong do Covid-19 ở châu Âu vẫn tăng mạnh

Hàng loạt biện pháp cứng rắn đã được triển khai ở các nước châu Âu để hạn chế sự lây lan của bệnh dịch Covid-19. Tuy nhiên thống kê trong ngày 19-3 từ các nước trong khu vực, nhất là Italy, Tây Ban Nha, Đức và Pháp, cho thấy khủng hoảng bệnh dịch ngày càng nghiêm trọng.

Trên toàn nước Pháp, chỉ còn cửa hàng thực phẩm, cây xăng, hiệu thuốc được mở cửa để cung cấp đồ tiêu dùng thiết yếu.

Trên toàn nước Pháp, chỉ còn cửa hàng thực phẩm, cây xăng, hiệu thuốc được mở cửa để cung cấp đồ tiêu dùng thiết yếu.

Tối 19-3, Bộ Y tế Pháp cho biết số người nhiễm ở nước này đã lên tới 10.995, trong đó có 1.861 ca mới phát hiện và số ca tử vong tăng từ 264 lên 372. Còn 1.122 người trong tình trạng sức khỏe xấu và 1.300 người đã khỏi bệnh. Tốc độ lây nhiễm ở Pháp hiện rất đáng lo ngại, cứ gấp đôi sau bốn ngày. Cơ quan Y tế công cộng (Bộ Y tế Pháp) nhận định rằng bệnh dịch sẽ còn diễn biến phức tạp, do vậy lệnh hạn chế di chuyển có thể phải kéo dài từ 2-4 tuần.

Ở Pháp cũng như các nước bị dịch bệnh hoành hành nặng nề, hàng loạt vấn đề cấp bách cần phải giải quyết cùng lúc như sự quá tải của bệnh viện, thiếu trang bị chống lây nhiễm cho các nhân viên y tế. Bộ Y tế Pháp cho biết nhu cầu về khẩu trang cho khoảng ba triệu nhân viên y tế đã lên tới 15 triệu chiếc/ngày.

Hiện nguồn cung cấp khẩu trang y tế chưa đủ đáp ứng nhu cầu cho các lực lượng chống dịch bệnh ở Pháp trong khi đó các chuyên gia y tế lo ngại xảy ra "cơn sóng thần" đẩy thêm hàng nghìn bệnh nhân nữa tới bệnh viện. Ngày 19-3, các lực lượng cảnh sát Pháp cũng đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ lây nhiễm đối với những người làm nhiệm vụ trên đường phố do không được trang bị đủ khẩu trang và găng tay.

Sân bay Charles De Gaulle vắng hẳn trong những ngày dịch lan rộng.

Sân bay Charles De Gaulle vắng hẳn trong những ngày dịch lan rộng.

Tình hình bệnh dịch diễn biến ngày càng phức tạp. Quốc hội Pháp vẫn họp để xem xét và thông qua dự luật "Tình trạng khẩn cấp về y tế" nhằm tạo điều kiện cho Chính phủ hành động khẩn cấp để ngăn chặn dịch bệnh. Khi được thông qua, Chính phủ có thể sẽ ban hành thêm các biện pháp nhằm hạn chặt chẽ hơn nữa sự di chuyển và tiếp xúc của người dân, kể cả việc trưng dụng cơ sở vật chất, nguồn lực cần thiết cho việc khống chế bệnh dịch.

Phát biểu trong phiên họp của Quốc hội ngày 19-3, Thủ tướng Edouard Philippe nhấn mạnh rằng dịch bệnh Covid-19 đang gây ra những tác động và hậu quả nặng nề đối với nền kinh tế của Pháp, đồng thời làm thay đổi lối sống. Dịch bệnh cũng có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng hơn rất nhiều đến tất cả các lĩnh vực không chỉ ở cấp quốc gia mà cả của châu Âu và thế giới.

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe phát biểu trong một phiên họp rất vắng của Quốc hội Pháp ngày 19-3. Khoảng 20 nghị sĩ Pháp đã nhiễm virus corona. Ảnh: Le Monde/AFP.

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe phát biểu trong một phiên họp rất vắng của Quốc hội Pháp ngày 19-3. Khoảng 20 nghị sĩ Pháp đã nhiễm virus corona. Ảnh: Le Monde/AFP.

Bệnh dịch Covid-19 đã lây lan quá nhanh và khủng khiếp, khiến hệ thống y tế rất phát triển ở các nước châu Âu không thể ứng phó kịp. Vì vậy sau chuyến thăm Viện Pasteur ở Paris ngày 19-3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron biết Nhà nước sẽ tăng ngân sách cho lĩnh vực nghiên cứu thêm 5 tỷ euro trong vòng 10 năm tới. Theo Tổng thống Pháp, cuộc khủng hoảng bệnh dịch Covid-19 cho thấy tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học, do đó cần phải có sự đầu tư rất lớn trong dài hạn.

Thống kê từ các nước Trung-Tây Âu cho thấy số ca nhiễm mới chưa có chiều hướng giảm, nhất là ở Italy. Sau một ngày, tỷ lệ tử vong ở nước này đã vượt con số ở Trung Quốc, có thêm 427 ca, nâng tổng số lên 3.405 kể từ khi dịch bệnh xuất hiện. Số người nhiễm mới được xác nhận cũng tăng kỷ lục, 5.322 ca và hiện đã có 41.035 người bị nhiễm virus corona.

Tây Ban Nha xác nhận thêm 2.626 ca nhiễm 165 ca tử vong, rồi tới Đức với 1.652 ca mới và 14 tử vong. Mức độ lây lan ở Thụy Sĩ có dấu hiệu rất đáng lo ngại trong mấy ngày gần đây, với 824 ca mới và 3 tử vong so với một ngày trước. Thống kê từ các nước Hà Lan, Áo, Bỉ, Na Uy, Thụy Điển cũng cho thấy nguy nguy cơ lây lan rộng trong những ngày tới.

Biểu đồ thống kê các ca nhiễm virus corona ở Italy, Tây Ban Nha, Đức và Pháp tính tới ngày 19-3.

Biểu đồ thống kê các ca nhiễm virus corona ở Italy, Tây Ban Nha, Đức và Pháp tính tới ngày 19-3.

Sau khi các nước EU ra lệnh đóng cửa biên giới, tình trạng ùn tắc nghiêm trọng đã xảy ra tại cửa khẩu của các nước mặc dù các "tuyến đường xanh" được duy trì để bảo đảm sự lưu thông cho hàng hóa thiết yếu. Hàng chục nghìn công dân các nước EU vẫn bị mắc kẹt ở biên giới và ở các nước ngoài khu vực EU do các hãng hàng không hủy gần hết chuyến bay.

Hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá chính xác về mức độ lây lan bệnh dịch sẽ khủng khiếp đến mức độ nào hay chững lại trong những ngày tới ở các nước châu Âu.

KHẢI HOÀN

Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/43693802-so-nguoi-nhiem-va-tu-vong-do-covid-19-o-chau-au-van-tang-manh.html