Số người nhiễm virus nCoV ở Trung Quốc chính thức vượt SARS

Theo Báo Le Monde của Pháp, tính đến hết ngày 28-1, Trung Quốc đã có 5.974 người nghi nhiễm viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (nCoV) gây ra, làm 132 người tử vong. Chỉ riêng trong ngày 28-1, Trung Quốc đã có thêm 1.459 người nhiễm bệnh, 263 ca chuyển nặng và 26 ca tử vong.

Như vậy, chỉ sau 30 ngày thông báo dịch, số người bị nhiễm viêm phổi cấp ở Trung Quốc đã chính thức vượt số bệnh nhân nhiễm hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS). Theo Le Monde, đã có 5.327 người nhiễm bệnh, 349 người tử vong trong đại dịch SARS kéo dài từ cuối năm 2002 đến giữa tháng 8-2003 riêng trong lãnh thổ Trung Quốc.

Chợ hải sản Vũ Hán có thể không phải là nguồn gây bệnh duy nhất

Ngày 29-1, ông Huang Chaolin, Phó giám đốc Bệnh viện Jinyintan Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc, cho biết bệnh nhân đầu tiên nhập viện ngày 1-12-2019 không có mối liên hệ trực tiếp với khu chợ hải sản Huanan của Vũ Hán, vốn được coi là nguồn lây bệnh chính thức. Các thành viên khác trong gia đình nam bệnh nhân này đều không bị sốt hay xuất hiện các vấn đề về đường hô hấp. Trong số 3 bệnh nhân tiếp theo nhập viện ngày 10-12-2019, có 2 người cũng không có yếu tố liên quan tới khu chợ hải sản. Trong tổng số 41 bệnh nhân nhiễm virus nCoV nhập viện Jinyintan Vũ Hán, có 27 người có mối liên hệ trực tiếp với khu chợ nói trên. Ông Huang Chaolin cho rằng, khu chợ hải sản tại Vũ Hán không phải là nguồn lây bệnh gốc duy nhất mà có thể còn có nhiều nguồn khác.

Trước thực trạng dịch bệnh viêm phổi cấp do virus nCoV lan rộng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố hướng dẫn chăm sóc y tế cho những bệnh nhân nhập viện và những người dưỡng bệnh ở nhà bị nghi nhiễm virus corona mới (nCoV) gây bệnh viêm phổi. Theo đó, chăm sóc các bệnh nhân nghi nhiễm virus cần tập trung vào việc phát hiện sớm, nhanh chóng cách ly, thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát (IPC) phù hợp, cũng như cung cấp dịch vụ chăm sóc điều trị tích cực. Đối với các bệnh nhân nhập viện, hướng dẫn nêu rõ đầu tiên cần xác định và phân loại bệnh nhân bị nhiễm trùng hô hấp cấp tính nặng (SARI). Sau khi đã thực hiện các biện pháp IPC và điều trị phù hợp, cần thu thập các mẫu bệnh phẩm để tiến hành chẩn đoán, kiểm soát hội chứng hô hấp cấp và ngăn ngừa biến chứng. Đối với những bệnh nhân có biểu hiện nhẹ và được chăm sóc tại nhà, WHO khuyến cáo hạn chế số người chăm sóc bệnh nhân, giảm bớt không gian sinh hoạt chung, đeo mặt nạ y tế và vệ sinh tay sau khi tiếp xúc.

 Số người nhiễm virus corona ở Trung Quốc chính thức vượt SARS. Ảnh: Reuters.

Số người nhiễm virus corona ở Trung Quốc chính thức vượt SARS. Ảnh: Reuters.

Bắc Kinh phạt nặng hiệu thuốc nâng giá bán khẩu trang

Cục Giám sát và Quản lý thị trường thành phố Bắc Kinh quyết định xử phạt 3 triệu nhân dân tệ (gần 432.000USD) đối với một hiệu thuốc vì đã nâng giá bán khẩu trang trong thời kỳ virus nCoV lây lan.

Theo Sputnik, một chi nhánh của hiệu thuốc Jimin Kangtai ở quận Phong Đài bị phát hiện vi phạm chỉ thị nói trên khi tăng giá bán khẩu trang lên gấp 6 lần. Cục Giám sát và Quản lý thị trường thành phố Bắc Kinh đã ra quyết định phạt vi phạm hành chính đối với hiệu thuốc trên với mức phạt gần 432.000USD.

Từ đầu tuần trước, tại các cửa hàng và hiệu thuốc ở thủ đô Bắc Kinh đã thiếu khẩu trang bảo vệ cũng như thuốc chống virus. Các mặt hàng này bắt đầu được mua với số lượng lớn sau thông báo phát hiện những trường hợp lây nhiễm chủng virus nCoV ở Bắc Kinh. Trong bối cảnh hoang mang chung, một số cửa hàng quyết định kiếm thêm bằng cách nâng giá bán các loại mặt hàng thiết yếu, nhưng chính quyền đã nhanh chóng áp chế các hành vi này.

Nhật Bản đưa bệnh virus nCoV vào danh sách bệnh truyền nhiễm đối phó khẩn cấp

Trong một diễn biến mới, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định đưa bệnh viêm phổi cấp do virus nCoV gây ra vào danh sách các bệnh truyền nhiễm theo Luật Các bệnh truyền nhiễm với mục đích cho phép giới chức y tế nước này đối phó hiệu quả hơn với dịch bệnh nguy hiểm này. Đây là lần thứ 5 Chính phủ Nhật Bản đưa một bệnh nguy hiểm vào danh sách trên kể từ khi văn bản luật này có hiệu lực. Bốn lần trước đó, Chính phủ Nhật Bản phải viện dẫn tới Luật Các bệnh truyền nhiễm để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch khẩn cấp gồm: SARS năm 2003, dịch cúm gia cầm do virus H5N1 năm 2006, dịch cúm gia cầm do virus H7N9 năm 2013, và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) năm 2014.

PHƯƠNG LINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/so-nguoi-nhiem-virus-ncov-o-trung-quoc-chinh-thuc-vuot-sars-608768