Số người thất nghiệp tại Hà Lan tăng vọt
Số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Hà Lan đã tăng vọt 42% trong tháng 3 sau khi nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Cơ quan giám sát việc làm Hà Lan ngày 16/4 cho biết nước này đã chi trả tiền trợ cấp cho 37.800 người thất nghiệp mới hồi tháng 3 vừa qua, tăng 11.200 người so với tháng trước đó. Sự gia tăng mạnh nhất là những người làm việc trong lĩnh vực nhà hàng, quán bar, và ở độ tuổi dưới 25.
Chính phủ Hà Lan ngày 15/3 đã yêu cầu tất cả các nhà hàng, quán bar, bảo tàng, trung tâm thể thao và các cơ sở công cộng khác phải đóng cửa nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Lệnh cấm này có hiệu lực ít nhất đến 28/4 tới. Thủ tướng Mark Rutte đã nhiều lần tuyên bố rằng tình hình hiện nay sẽ chỉ dần dần được thay đổi sau ngày 28/4 nếu có.
Để giúp các doanh nghiệp đối phó với tình trạng kinh tế bị đình trệ và ngăn ngừa việc cắt giảm nhân viên hàng loạt, Chính phủ Hà Lan cho biết sẽ hỗ trợ đến 90% quỹ lương của các doanh nghiệp đang phải đối mặt với doanh thu sụt giảm. Hiện có hơn 85.000 doanh nghiệp đã nộp đơn xin nhận được sự hỗ trợ này. Tuy nhiên, số liệu thống kê của Hà Lan cho thấy dù có sự hỗ trợ của chính phủ, số người bị mất việc làm trong tháng 3 vẫn tăng 10% so với tháng trước đó, lên khoảng 283.000 người.
* Cùng ngày, Bộ Tài chính Phần Lan dự báo dịch bệnh sẽ khiến kinh tế nước này giảm 5,5% trong năm nay và thâm hụt ngân sách chính phủ sẽ tăng gấp 10 lần.
Theo Bộ Tài chính Phần Lan, các biện pháp phong tỏa hiện nay ở nước này, vốn đã khiến 100.000 người tạm thời phải nghỉ việc, đã gây tác động tiêu cực đến tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên đến 2% mỗi tháng. Theo đó, sự sụt giảm có thể lên đến 12% nếu các biện pháp hạn chế này được kéo dài đến tháng 6 tới. Việc khó dự đoán sự lây lan của dịch bệnh khiến triển vọng kinh tế hiện nay trở nên mong manh. Điều nguy hiểm ở chỗ nền kinh tế càng chịu đựng lâu, thì càng khó hồi phục.
Bộ Tài chính Phần Lan cũng dự báo tỷ lệ thất nghiệp trong năm nay sẽ tăng lên 8% từ mức 6,9% hiện nay, sau khi số liệu của Bộ Việc làm cho thấy khoảng 400.000 lao động có nguy cơ mất việc làm ở đất nước có 5,5 triệu dân này.
* Tại Nga, Bộ trưởng Kinh tế Maxim Reshetnikov cho biết nước này sẽ chi hơn 2.000 tỷ ruble (26,96 tỷ USD) cho chương trình chống khủng hoảng nhằm giảm nhẹ tác động của dịch bệnh. Nhằm kiềm chế dịch bệnh lây lan, thủ đô Moskva và một số khu vực khác đã áp đặt lệnh phong tỏa, và điều này đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh tế của Nga.