Số người tiêm phòng bệnh dại tăng cao
Trong 3 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có trên 3.700 người tiêm vắc xin và huyết thanh phòng bệnh dại, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.
>> Xem video:
Con trai của anh Nguyễn Đức Phương, ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) trong lúc chơi đùa với chó nuôi trong nhà thì bị cắn. Không chủ quan, anh Phương đã đưa cháu đến Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh (CDC) tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Đến nay, cháu đã được tiêm đúng thời gian và đủ 5 liều vắc xin phòng bệnh dại để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
“Dù chó nuôi đã được chích ngừa, nhưng vẫn không thể đảm bảo 100% là vi rút gây bệnh dại không lây truyền cho người qua vết cắn. Nên tôi chở cháu đi khám rồi chích ngừa để phòng bệnh. Sau 5 mũi tiêm phòng, sức khỏe con tôi bình thường nên cũng khá yên tâm”, anh Phương chia sẻ.
Với tinh thần chủ động phòng bệnh, ông Nguyễn Văn, ở phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi) đã đi tiêm phòng dại sau khi bị một con chó lạ cắn gây chảy máu ở chân. Ông Văn chia sẻ, thấy vết cắn bị chảy máu, tôi rất lo nên đi khám ngay để nhờ các bác sĩ tư vấn rồi tiêm phòng cho yên tâm, vì nghe nói bệnh dại chưa có thuốc đặc trị.
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm vô cùng nguy hiểm. Bệnh có 2 thể gồm: Thể cuồng và thể liệt. Ở thể cuồng, triệu chứng đầu tiên của người bệnh là sốt cao, đau đầu, sốt, mệt mỏi, cảm giác tê và đau ngay tại vết thương. Khi vi rút xâm nhập sâu vào não bộ, người bệnh có biểu hiện mất ngủ, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió, hành vi hung hăng, tăng tiết nước bọt, hạ huyết áp, lú lẫn, co thắt cơ bắp, ngừng tim. Bệnh tiến triển tăng đến mức người bệnh không thể nhai, nuốt, uống nước. Người bệnh thường chết chỉ sau một tuần kể từ ngày phát bệnh.
Thể bại liệt ít gặp hơn, khiến người bệnh tê liệt toàn bộ cơ thể, rối loạn tiêu tiểu, liệt tay chân. Người bệnh sẽ tử vong ngay nếu liệt lan đến cơ hô hấp. Khi phát dại, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn cho đến lúc chết. Các chuyên gia y tế khẳng định, hiện nay chưa có một bài thuốc đông y nào được nghiên cứu và công bố có thể chữa được bệnh dại, việc thực hiện các biện pháp này không có tác dụng. Cách phòng ngừa và điều trị bệnh dại duy nhất là tiêm vắc xin dại và huyết thanh kháng dại.
>> Xem video:
Theo Bác sĩ Bùi Xuân Liêm - Phó trưởng khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm (CDC Quảng Ngãi), ngay sau khi bị chó, mèo cắn, người dân cần rửa vết thương dưới vòi nước sạch chảy và đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử lý vết thương ban đầu và điều trị dự phòng. “Khi bị chó, mèo dại cắn mà không tiêm phòng thì không có cơ hội nào sống sót. Tốt nhất là người dân phải đi tiêm vắc xin càng sớm càng tốt, đúng và đủ theo phác đồ điều trị”, Bác sĩ Liêm khuyến cáo.
Hiện Quảng Ngãi đã bước vào mùa nắng nóng, nguy cơ có nhiều người dân tiếp xúc với các mầm gây bệnh tăng cao. Thống kê của CDC Quảng Ngãi, trong 3 tháng đầu năm 2024 đã có trên 3.700 người tiêm vắc xin và huyết thanh phòng bệnh dại, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Trước diễn tiến bệnh dại gia tăng, ngành y tế phối hợp với các địa phương đã chủ động thực hiện các hoạt động tuyên truyền nhằm gia tăng nhận thức về phòng, chống bệnh dại. Đồng thời, chuẩn bị cung ứng đủ lượng vắc xin phòng bệnh. Trên địa bàn tỉnh có 30 điểm tiêm dịch vụ vắc xin phòng dại tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chủ động đi tiêm.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Tân - Giám đốc CDC Quảng Ngãi chia sẻ, chúng tôi đã triển khai kế hoạch dự trù đủ số lượng vắc xin tiêm phòng dại cho người dân. Đồng thời, tham mưu cho Sở Y tế trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch cấp bách phòng, chống bệnh dại trên người trong năm 2024.
Người dân cần biết cách xử lý vết thương đúng cách sau khi bị chó, mèo cắn và kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại; tuyệt đối không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị. Đồng thời, tăng cường truyền thông, hướng dẫn trẻ em cách phòng tránh chó, mèo cắn và thông báo ngay cho người lớn sau khi bị chó, mèo cắn.
Thực hiện: T.PHƯƠNG – T.NHÀN