Số người tử vong vì Covid-19 ở Nga cao kỷ lục, ca nhiễm mới ở Australia tăng mạnh
Một báo cáo mới của Cơ quan thống kê quốc gia Nga (Rosstat) cho biết, nước này ghi nhận số ca tử vong vì Covid-19 cao kỷ lục trong tháng 7, trong bối cảnh số trường hợp bệnh nhân không qua khỏi đang có xu hướng tăng lên mỗi ngày.
AP trích dẫn báo cáo công bố ngày 29/8 của Rosstat thống kê, 50.421 ca mắc Covid-19 ở Nga đã thiệt mạng trong tháng 7, cao hơn nhiều so với kỷ lục trước đó là 44.435 trường hợp vào tháng 12/2020.
Theo báo cáo, tính tới cuối tháng 7, tổng số ca tử vong liên quan đến virus SARS-CoV-2 ở xứ sở bạch dương là 215.265 người, cao hơn con số 180.840 người do lực lượng phòng chống dịch quốc gia công bố. Nhà chức trách giải thích, sự chênh lệch là do các phương pháp thống kê khác nhau.
Cụ thể, lực lượng chống dịch chỉ kiểm đếm số trường hợp tử vong vì nguyên nhân chính là Covid-19. Ngoài ra, họ cũng sử dụng dữ liệu do các cơ sở y tế cung cấp, trong khi Rosstat lấy số liệu từ các văn phòng đăng ký hộ tịch, nơi hoàn tất thủ tục chứng tử.
Đáng chú ý, trong khi số ca mắc mới ở Nga đang trên đà giảm, xuống trung bình hơn 19.000 ca/ngày thì số trường hợp tử vong lại có xu hướng tăng lên. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 797 bệnh nhân không qua khỏi, đứng đầu thế giới trong ngày.
Nga hiện là ổ dịch lớn thứ 4 thế giới với gần 6,9 triệu ca mắc. Chiến dịch tiêm chủng quốc gia của nước này đang tụt lại sau nhiều nước phát triển khác. Tính đến giữa tháng 8, mới chỉ 1/4 trong tổng số 146 triệu dân được tiêm một liều vắc xin ngừa SARS-CoV-2 và 20% dân số được tiêm đủ liều.
Nhằm ứng phó với diễn biến dịch phức tạp, chính quyền ở nhiều vùng đã ra lệnh chủng ngừa bắt buộc đối với các nhóm lao động nhất định, bao gồm cả công chức, những người hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục, bán lẻ và vận tải công cộng.
Australia ghi nhận kỷ lục ca mắc mới
Australia hôm 29/8 ghi nhận 1.324 ca Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng, mức kỷ lục trong một ngày kể từ khi dịch bùng phát hồi năm ngoái. Bang New South Wales (NSW) đông dân nhất nước cũng lập kỷ lục với 1.218 ca mắc trong cùng khoảng thời gian với 6 trường hợp thiệt mạng.
NSW đang là tâm chấn của đợt bùng phát dịch mới vì biến thể Delta tại xứ sở chuột túi, giữa lúc nhà chức trách địa phương đang dự kiến nới lỏng dần một số biện pháp giới hạn sau 9 tuần áp phong tỏa. Lệnh phong tỏa chống dịch dự kiến sẽ kéo dài đến cuối tháng 9.
Thủ hiến NSW Gladys Berejiklian cam kết sẽ tái mở cửa bang khi 70% số cư dân từ 16 tuổi trở lên được chủng ngừa đầy đủ. Bà Berejiklian nói, toàn bang đã đi được nửa chặng đường hướng tới mục tiêu trên.
Tại Victoria, bang đông dân thứ 2 cả nước và đang bị áp đợt phong tỏa lần thứ 6 kể từ đầu dịch, thêm 92 ca mắc mới được phát hiện trong ngày 29/8, mức cao nhất trong gần một năm qua ở đây. Thủ hiến Daniel Andrews tuyên bố sẽ kéo dài lệnh phong tỏa toàn bang, vốn dự kiến hết hạn vào ngày 2/9, nhưng không nói trong thời gian bao lâu.
Trong dư luận Australia đang xảy ra tranh cãi về việc liệu nước này có nên chuyển hướng chiến lược "không Covid-19" sang sống chung với virus trong cộng đồng hay không, sau những thành công ban đầu trong cuộc chiến chống dịch.
Theo Reuters, Australia ít chịu ảnh hưởng về dịch hơn so với các nước phát triển khác. Cho đến nay, nước này ghi nhận tổng cộng hơn 50.100 ca mắc, 999 trường hợp tử vong. Thủ tướng Scott Morrison đang kêu gọi các bang tái mở cửa biên giới khi đạt mục tiêu tiêm chủng cho 70% người từ 16 tuổi trở lên. Song, các bang Queensland và Tây Australia ám chỉ họ sẽ không làm điều này.
Tính trên toàn quốc, mới 33,7% dân số Australia được chủng ngừa đầy đủ. Với tốc độ hiện tại, 80% dân số nước này có thể hoàn thành tiêm chủng vào giữa tháng 11 năm nay.
Nhật nguy cơ phải trì hoãn dỡ bỏ sắc lệnh khẩn cấp
Phát biểu trong một chương trình của đài NHK hôm 29/8, Bộ trưởng Y tế Nhật Norihisa Tamura thừa nhận, căn cứ vào diễn biến dịch hiện tại, “rất khó” để nước này dỡ bỏ sắc lệnh tình trạng khẩn cấp đang triển khai tại 21/47 tỉnh thành khắp toàn quốc vào ngày 12/9 như kế hoạch.
Theo quy định về các điều kiện dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, số ca mắc Covid-19 trong vòng 24 giờ ở thủ đô Tokyo phải dưới 500 ca. Song, hôm 29/8, thành phố có thêm tới 3.081 ca bệnh mới.
Đất nước mặt trời mọc đang vật lộn đối phó với tình trạng tăng mạnh ca mắc mới do biến thể Delta khắp toàn quốc. Các bệnh viện đều đang trong tình trạng quá tải. Ông Tamura cho biết, việc cấp thiết hiện nay là tăng số giường điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Báo New York Times thống kê, Nhật đã tiêm được hơn 124,5 triệu liều vắc xin ngừa SARS-CoV-2, trong đó 55% dân số được tiêm ít nhất một liều và 44% dân số đã tiêm đủ 2 liều. Nhật chủ yếu sử dụng vắc xin của hai hãng dược Mỹ Pfizer và Moderna cho chiến dịch chủng ngừa quốc gia. Bộ Y tế nước này đang cân nhắc khả năng tiêm kết hợp các loại vắc xin khác nhau nhằm giảm bớt lo ngại về nguồn cung và đẩy nhanh tộc độ tiêm chủng đại trà.
Các tin tức đang chú ý khác về đại dịch:
- Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm 30/8 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 221 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho gần 217,2 triệu người, hơn 4,5 triệu ca tử vong. Song, trên 194 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục.
- Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch với gần 39,7 triệu ca mắc, 654.689 bệnh nhân không qua khỏi.
- Nhằm khống chế làn sóng lây nhiễm thứ 4, Bộ Y tế Israel ngày 29/8 thông báo mở rộng chương trình tiêm bổ sung liều vắc xin Covid-19 thứ 3 cho mọi công dân từ 12 tuổi trở lên nếu có nhu cầu, với điều kiện cách mũi tiêm thứ 2 ít nhất 5 tháng. Những người đã tiêm cả 3 liều sẽ chỉ phải cách ly trong 24 giờ nếu trở về từ nước ngoài, thay vì 1 tuần như quy định hiện hành.
- Bang Nam Baden-Wuerttemberg ở Đức đang có kế hoạch áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt hơn đối với những người chưa tiêm vắc xin. Theo quy định hiện tại của chính phủ liên bang, chỉ những người có chứng nhận hoàn thành tiêm vắc xin hay có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh mới được vào dùng bữa trong các nhà hàng, đến bệnh viện, nhà dưỡng lão, tham dự các sự kiện, tiệc tùng hay các hoạt động thể thao trong nhà.
- Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung hôm 29/6 thông báo, nước này đã hoàn thành tiêm đủ 2 liều vắc xin Covid-19 cho 80% trong tổng số 5,7 triệu dân. Theo Reuters, đảo quốc sư tử nằm trong số các nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ chủng ngừa cho dân. Nhà chức trách cho biết sẽ tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch, trong khi các quan chức y tế cân nhắc xúc tiến chương trình tiêm mũi vắc xin tăng cường và chủng ngừa cho trẻ dưới 12 tuổi vào đầu năm 2022.