Số người Việt Nam đăng ký hiến tạng thấp nhất thế giới

Việt Nam đã làm chủ được kỹ thuật ghép các loại tạng, cho thấy ngành ghép mô, tạng ở nước ta đang phát triển theo hướng đi lên, nhiều bệnh nhân được kéo dài sự sống.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, đến ngày 31/12/2023, tổng số ca ghép tạng tại Việt Nam là 8.302 ca, nhiều nhất là vào năm 2022 với 1.004 ca và năm 2023 với 1.002 ca.

Có rất nhiều câu chuyện cảm động đằng sau những ca hiến mô, tạng, đem đến cái nhìn tích cực hơn cho cộng đồng về vấn đề này.

Sau một tháng làm công tác tư tưởng với gia đình, bà Ngọc Như, sống tại phố Nguyễn An Ninh, quận Hoàng Mai, Hà Nội, đã đăng ký thành công hiến mô, tạng.

"Được nhận cái tấm thẻ tôi vô cùng phấn khởi, mãn nguyện. Mãn nguyện vì tôi giúp được một người nào đó". bà Như nói.

Mới đây, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam đã họp bàn chương trình truyền thông, vận động hiến mô tạng năm 2024. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, cho biết hiện nay, số người đăng ký hiến mô tạng tại Việt Nam đang thấp nhất thế giới và không có trong danh sách các quốc gia có tỉ lệ người đóng góp hiến mô tạng.

Tính đến cuối tháng 3/2023, cả nước hiện có trên 70.000 trường hợp đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não, trong khi số bệnh nhân có chỉ định chờ ghép tạng ước tính khoảng 123.000 người. Số bệnh nhân chờ ghép gân, da, xương, giác mạc... cũng rất lớn.

Việt Nam đã làm chủ được kỹ thuật ghép các loại tạng (Ảnh: Internet)

Việt Nam đã làm chủ được kỹ thuật ghép các loại tạng (Ảnh: Internet)

Xét về mặt y học, kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người là đỉnh cao của ngành y, có thể cứu sống nhiều người bệnh tưởng chừng vô phương cứu chữa. Kết quả trong suốt những năm qua đã chứng minh rằng y học Việt Nam có thể thực hiện được tất cả kỹ thuật khó của y học thế giới về ghép mô, bộ phận cơ thể người.

Theo PSG.TS Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Giám đốc trung tâm điều phối tạng quốc gia, nhu cầu ghép tạng ở Việt Nam hiện nay rất lớn.

"Ước tính mỗi năm chúng ta phải ghép cho được 10.000 người hoặc là 12.000 người thì chúng ta mới có thể đáp ứng được nhu cầu ghép tạng của những người Việt Nam cần thiết. Chúng ta chỉ mới giúp được cho khoảng 10% những người bệnh cần ghép", PSG.TS Đồng Văn Hệ cho biết.

Các bác sĩ ở Huế cúi đầu tiễn biệt và cảm ơn hành động hiến tạng cứu người cao đẹp (Ảnh: Thượng Hiển)

Các bác sĩ ở Huế cúi đầu tiễn biệt và cảm ơn hành động hiến tạng cứu người cao đẹp (Ảnh: Thượng Hiển)

Hiện nay, Bộ Y tế, Trung ương Hội chữ Thập đỏ Việt Nam và Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam đã có rất nhiều chương trình phát động cũng như các buổi tập huấn tăng cường hoạt động tư vấn, vận động hiến tạng nhằm thay đổi nhận thức cho người dân.

Theo ông Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Y tế, tất cả các bộ, ban, ngành cùng với người dân đang cố gắng, nỗ lực hằng ngày để tăng thêm số lượng người hiến mô, tạng cho xã hội.

So với những năm trước đây, hiện nay, người dân Việt Nam đã có quan niệm tiến bộ, cởi mở hơn về hiến mô, tạng cứu người. Một phần do truyền thông và hình ảnh những ca ghép tạng thành công, cùng với những câu chuyện phía sau đó phần nào tác động tới nhận thức của cộng đồng.

Thế nhưng việc kêu gọi hiến tạng và thay đổi tư duy của người dân vẫn là một hành trình dài, cần sự kiên trì, liên tục cho đến khi nguồn hiến mới dồi dào, đem lại cơ hội sống cho nhiều người hơn nữa.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/so-nguoi-viet-nam-dang-ky-hien-tang-thap-nhat-the-gioi-251748.htm