Số phận bi thảm của những người bị xem là phù thủy ở Ấn Độ

Trở thành mục tiêu đuổi giết, phải rời bỏ gia đình, quê hương là cuộc sống bi kịch của những người bị coi là phù thủy ở các vùng hẻo lánh, lạc hậu tại Ấn Độ thời hiện đại.

Giống như những phụ nữ trong làng Besorkona (bang Assam, Ấn Độ), Raneshwari Rabha bận rộn suốt ngày, từ chăm sóc đàn gà đến trồng lúa, rau, cao su. Người phụ nữ 48 tuổi đã sống như vậy với anh trai tên Harnath và gia đình trong 8 năm qua.

Trong khi đó, chồng và 2 con của Raneshwari sống ở làng Naguapara (bang Meghalaya) - cách nơi này 13 km. Cô không muốn xa chồng con, nhưng cô không thể sống cùng họ.

Gia đình 4 người từng có cuộc sống hạnh phúc. Cho đến năm 2005, Raneshwari buộc phải bỏ lại mọi thứ sau khi đám đông dân làng bao vây ngôi nhà, gọi cô là “daini” (phù thủy).

“Tôi vẫn nhớ mọi người đã chặt cây để làm gậy và đánh đập tôi thế nào”, bà mẹ 2 con nói.

 Raneshwari phải bỏ lại chồng con mà chạy trốn sau khi bị coi là phù thủy.

Raneshwari phải bỏ lại chồng con mà chạy trốn sau khi bị coi là phù thủy.

Raneshwari cho biết nguyên nhân là vào năm 2004, con gái riêng của chồng đã tung tin đồn về việc cô hành nghề phù thủy vì oán giận.

Khi đứng ra ngăn cản, em gái Raneshwari còn bị đám người hung hãn đánh trọng thương. Dù đứng về phía vợ, đêm đó, Limeshwar - chồng Raneshwari - đành bất lực trước sự đồng thuận của dân làng.

Raneshwari bỏ chạy và tìm đến Assam - nơi có luật ngăn chặn nạn săn phù thủy và bảo vệ các nạn nhân. Tại đây, cô cố gắng báo cảnh sát. Tuy nhiên, lần theo dấu vết, những cư dân làng Naguapara tìm đến.

“Tôi phải ký vào một tờ giấy ghi rằng tôi đồng ý ly hôn với chồng và được bồi thường 270 USD. Lo sợ cho tính mạng của mình, tôi không còn cách nào khác là thỏa hiệp”, người phụ nữ 48 tuổi kể.

Còn nhiều thách thức

Tại một số bộ lạc bản địa ở các vùng phía đông bắc Ấn Độ, hành động “săn phù thủy” vẫn phổ biến.

Sự thiếu giáo dục, ít hoặc không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nhiều năm lơ là về mặt hành chính của chính quyền đã nuôi dưỡng niềm tin của người dân địa phương vào ma thuật và phù thủy, dù đang ở thế kỷ 21.

Theo nhóm bảo vệ quyền phụ nữ địa phương North East Network (NEN), việc buộc tội ai đó hành nghề phù thủy thường được xem là cách trả đũa trong các cuộc tranh chấp tài sản hoặc xung đột về của cải vật chất trong gia đình. Ít nhất 193 người đã thiệt mạng trong các vụ săn phù thủy tính đến năm 2017.

Đầu tháng 10, một góa phụ 50 tuổi ở quận Karbi Anglong (bang Assam) đã bị giết sau khi có người cáo buộc cô hành nghề phù thủy, gây ra cái chết của hai phụ nữ trong làng.

Tại quận West Khasi Hills (bang Meghalaya), người đàn ông 80 tuổi bị các cháu trai và một số người khác chôn sống cũng với lý do nghi ngờ ông hành nghề phù thủy.

Vài năm nay, các nhà hoạt động và bên liên quan của chính phủ đang cố gắng triển khai kế hoạch nâng cao nhận thức người dân ở các khu vực bộ lạc xa xôi.

Birubala Rabha, người sáng lập tổ chức phi chính phủ Birubala Mission, đã làm công việc ngăn nạn săn lùng phù thủy gần hai thập kỷ. Dù luật pháp rất hữu ích trong việc nâng cao nhận thức người dân, theo bà, sự thay đổi chỉ thực sự xảy ra khi mọi người loại bỏ suy nghĩ và quan niệm mê tín về phù thủy.

 Birubala Rabha (ngoài cùng bên phải) cùng nhiều nhà hoạt động nỗ lực thay đổi nhận thức người dân các vùng lạc hậu về phù thủy.

Birubala Rabha (ngoài cùng bên phải) cùng nhiều nhà hoạt động nỗ lực thay đổi nhận thức người dân các vùng lạc hậu về phù thủy.

15 năm sau khi bị truy giết, Raneshwari không còn muốn quay lại Naguapara nữa. Chồng cô đã qua đời từ năm 2008. Có vài lần, vì quá nhớ con, cô lẻn vào làng để gặp chúng.

“Mỗi lần gặp nhau, chúng tôi đều rất xúc động”, Raneshwari nói.

Con trai cô đang hoàn thành chương trình trung học còn con gái theo học ngành luật. Lang thang trong nhiều năm trước khi về sống cùng anh trai, Raneshwari hiện hài lòng với cuộc sống dù đôi khi vẫn còn những lời đồn đại về quá khứ của cô.

“Con gái mới đến thăm tôi cách đây không lâu. Nó tặng tôi món quà này”, người mẹ nói, tự hào khoe chiếc khăn choàng màu xanh lam.

Thời gian đầu, 2 con của Raneshwari bị con gái riêng của chồng tiêm nhiễm suy nghĩ Raneshwari là phù thủy, cần tránh xa cô. Theo thời gian, chúng biết được sự thật và mở lòng với mẹ mình.

"Sau khi bạn đời của con gái riêng chồng tôi chết, người dân địa phương cũng đã đánh đập nó thậm tệ. Lần này, chính nó là người bị nghi ngờ hành nghề phù thủy", Raneshwari nói.

Mai An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/so-phan-bi-tham-cua-nhung-nguoi-bi-xem-la-phu-thuy-o-an-do-post1148436.html