Số phận bức tượng đài huyền thoại thời Liên Xô
Hẳn nhiều khán giả Việt Nam xem phim Liên Xô trước đây vẫn còn nhớ hình ảnh bức tượng người nam và nữ giơ búa liềm vàng - biểu tượng của Hãng phim Moskva (Mosfilm) trước khi bắt đầu hay kết thúc bộ phim được chiếu một thời gian dài trên truyền hình Việt Nam thập niên những năm 70,80 của thế kỷ trước.

Tác phẩm điêu khắc "Công nhân và người phụ nữ nông trang" ( Ảnh: THÙY VÂN)
Đó là một trong những biểu tượng chính của thời kỳ Xô Viết và ít ai biết được nó đã được trao giải Grand Prix tại Paris khi tham dự triển lãm Thế giới năm 1937 và số phận của tác phẩm điêu khắc này cũng “ba chìm bảy nổi”.
Tác phẩm điêu khắc “Người công nhân và người phụ nữ nông trang” xuất hiện lần đầu tiên tại Triển lãm Thế giới năm 1937. Sự kiện diễn ra ở Paris và đối với nhà nước Xô Viết non trẻ bấy giờ, đó là cơ hội thể hiện cho các nước tư bản thấy những thành tựu của chủ nghĩa xã hội.

Chiều cao của tác phẩm là 24 m.
Kiến trúc sư Boris Iofan được giao nhiệm vụ phát triển dự án gian hàng triển lãm. Ông đề xuất đặt hình một chàng trai và một cô gái trên đỉnh tòa nhà gian hàng, nhân cách hóa “những người chủ của Xô Viết - giai cấp công nhân và nông dân”.
Kiến trúc sư Iofan từng chia sẻ khi đó định hướng tư tưởng của thiết kế kiến trúc phải được thể hiện rõ ràng đến mức “bất kỳ ai khi nhìn vào gian hàng của chúng tôi lần đầu tiên đều có cảm giác rằng đây là gian hàng của Liên Xô”.
Ông cũng tin rằng cách đúng đắn nhất để thể hiện quyết tâm tư tưởng này là thông qua sự tổng hợp táo bạo giữa kiến trúc và điêu khắc.

Tác phẩm điêu khắc được cắt thành từng mảnh để vận chuyển và phục chế. (Ảnh: tư liệu TASS)
Sau này, kiến trúc sư Iofan cho biết nguồn cảm hứng của tác phẩm này là bức tượng cổ “Những chiến binh bạo chúa” của nhà điêu khắc Hy Lạp cổ đại Critias và Nesiot vào thế kỷ thứ 5. Bức tượng này điêu khắc hai người Athen tay cầm kiếm như một biểu tượng của cuộc chiến chống chế độ chuyên quyền. Và trong phác thảo của Iofan, ông đã thay thế chúng bằng biểu tượng nhà nước của Liên Xô là búa và liềm.
Kiến trúc sư tin rằng hình dáng của người nam công nhân và nữ nông dân sẽ được làm bằng kim loại nhẹ duralumin. Những người tham gia dự án dự định gắn chặt các bộ phận của tác phẩm điêu khắc bằng đinh tán, giống như Tượng Nữ thần Tự do của Mỹ.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Khoa học kỹ thuật Petr Lvov đã thuyết phục Iofan ưu tiên thép không gỉ. Ông cũng đề xuất kết nối các bộ phận của các hình bằng cách sử dụng hàn điện.

Tác phẩm điêu khắc "Công nhân và người phụ nữ nông trang" xuất hiện lần đầu tại Triển lãm thế giới năm 1937. (Ảnh: Tư liệu TASS)
Tất cả những gì còn lại là chọn một nhà điêu khắc có thể được giao phó công việc. Mùa hè năm 1936, một cuộc thi kín diễn ra. Bốn bậc thầy đã tham gia vào bao gồm Vyacheslav Andreev, Matvey Manizer, Vera Mukhina và Ivan Shadr. Kết quả, đề xuất của nhà điêu khắc Mukhina được coi là thành công nhất. Ủy ban chính phủ chọn mô hình do nhà điêu khắc này làm theo ý tưởng của Iofan với hai nhân vật công nhân và nữ nông trang viên.
Nhà điêu khắc Mukhina và hai trợ lý đã làm việc trong một tháng rưỡi trên mô hình đất sét dài một mét rưỡi, sau đó được phóng to 15 lần và biến thành một tác phẩm điêu khắc bằng kim loại.
Như nhà điêu khắc nhớ lại, suốt thời gian làm dự án bà đã không ra khỏi nhà, làm việc từ 9 giờ sáng hôm trước đến 1 giờ sáng hôm sau và dành không quá 10 phút cho bữa sáng và bữa trưa.

Ngày nay, tác phẩm đã được đặt trên đế cao 34m, bằng đúng lần đầu xuất hiện ở triển lãm Paris năm 1937.
Hai nhà máy ở Moskva đã đảm nhận việc tạo ra tác phẩm điêu khắc cỡ lớn. Khung tượng đài nặng 48 tấn được sản xuất tại nhà máy Stalmost, còn các bộ phận vỏ ngoài được sản xuất tại nhà máy thí điểm của Viện Nghiên cứu Cơ khí và Gia công Kim loại Trung ương.
Chiều cao của tác phẩm điêu khắc cuối cùng là khoảng 24m, và tổng trọng lượng gần 75 tấn. Điều đáng ngạc nhiên là từ quan điểm giải phẫu, mọi thứ đều sai trong hình dáng của người công nhân và người nông dân, nhưng mặc dù vậy, tác phẩm điêu khắc đã gây ấn tượng khó phai mờ trong lòng khán giả.
Bức tượng đã từng được các nhà điêu khắc phân tích phản biện như chân đặt sau dài hơn chân đẩy về phía trước 3,5 m và các cánh tay đều có chiều dài khác nhau. Nhưng nó lại không gây cảm giác khó chịu mà ngược lại, điều này đạt được cảm giác chuyển động của bức tượng.
Hay như tấm vải bay phía sau của tác phẩm, nhà điêu khắc Mukhina cũng phải giải trình và thay đổi cấu hình nhiều lần để được Hội đồng thẩm định tác phẩm thông qua.

Bảng đồng chứng nhận tác phẩm khi đặt về lại Moskva vào năm 1938.
Bức tượng hoàn thiện được cắt thành 65 mảnh, đóng gói vào hộp và gửi bằng tàu hỏa sang Pháp. Ở đó, nó được tập hợp lại và đặt trên một bệ đỡ cao 34 mét. Đối diện có một tòa tháp cao 60 mét là nơi trưng bày của Đức Quốc xã. Cuộc đối đầu giữa hai nước và thành tựu của họ đã trở thành một trong những sự kiện chính của triển lãm. Tuy nhiên, tác phẩm của Mukhina không có tác phẩm nào sánh bằng - “Người công nhân và người phụ nữ nông trang” đã được trao giải Grand Prix.
Khi Triển lãm Thế giới kết thúc, câu hỏi đặt ra là làm cách nào để trả lại bức tượng cho Liên Xô. Nhà điêu khắc Mukhina không được tham gia tháo dỡ nó, do đó tác phẩm điêu khắc bị hư hỏng nghiêm trọng trong quá trình chuyển giao về nước. Công việc phục hồi về cơ bản là thay thế hầu hết lớp ốp thép mất hai năm. Và chỉ đến năm 1939, bức tượng mới xuất hiện trở lại ở lối vào phía bắc của Trung tâm Triển lãm VDNKh.

Ngày nay, dưới chân tượng đài là một bảo tàng và nhà triển lãm.
Nhưng thay vì bệ cao mà tác phẩm được tạo ra, bức tượng lại chỉ được đặt trên bệ cao 10 mét. Nhà điêu khắc Mukhina liên tục yêu cầu nâng cao tác phẩm điêu khắc trên một bệ tương tự như ở Paris nhưng phải mãi tới vài thập kỷ sau vào năm 2009, bức tượng này mới được đặt trên bệ mới cao 34,5 mét và có chiều cao tổng cộng là 58m.
Năm 2023, chính quyền Moskva mới trùng tu bức tượng biểu tượng của thời kỳ Xô Viết này khi nó bị mục nát. Khung đỡ không thể phục hồi và phải tạo dựng lại, nhưng các tấm thép của lớp vỏ bên ngoài được bảo quản tốt hơn nhiều, chỉ 10% trong số đó phải thay thế.
Dưới chân tượng đài là một bảo tàng và trung tâm triển lãm. Ngày nay khi đến Công viên VNDNk, khách tham quan có thể nhìn thấy bức tượng từ xa, nó là một trong những tượng đài có chiều cao cao thứ tư trong thành phố Moskva, sau tượng đài chiến thắng, tượng đài vũ trụ và tượng đài Pier đại đế.

Ngày nay, các công trình thời Liên Xô ngày càng được nhắc đến nhiều hơn ở nước Nga. (Ảnh: TASS)
Ngày nay đi từ đại lộ Mira từ xa đã có thể nhìn thấy bức tượng này sừng sững biểu tượng của một thời Liên Xô hùng tráng. Vào các dịp kỷ niệm quan trọng tại đây cũng là một trong những trung tâm tổ chức triển lãm của thành phố và các hiện vật được trưng bày ở tòa nhà phía trong chân đế tượng đài này.
Trong dịp kỷ niệm 80 năm cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, nước Nga ngày càng nhắc đến các công trình lớn và các thành tựu thời Liên Xô trước đây nhiều hơn để giáo dục cho các thế hệ trẻ về truyền thống một thời vẻ vang của dân tộc.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/so-phan-buc-tuong-dai-huyen-thoai-thoi-lien-xo-post872928.html