Số phận các căn cứ quân sự của Nga tại Syria ra sao?

Hai căn cứ quân sự của Nga tại Syria có hiệu lực hợp đồng đến năm 2066, tuy nhiên với diễn biến thay đổi chính quyền ở quốc gia Tây Á đang đặt ra vấn đề số phận của hai căn cứ này.

Ngày 16/12, trả lời câu hỏi của báo chí về quyết định của Moscow đối với tương lai của hai căn cứ của Nga tại Syria, cũng như những đồn đoán trên mạng xã hội nói, Nga đang cân nhắc việc thiết lập các căn cứ thay thế ở Libya, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, số phận các căn cứ của Nga tại Syria vẫn chưa được định đoạt và Moscow vẫn đang đàm phán với lực lượng đang nắm quyền kiểm soát ở quốc gia Tây Á.

“Cho đến nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng về vấn đề này. Chúng tôi vẫn đang đàm phán với đại diện của các lực lượng đang kiểm soát ở Syria. Mọi vấn đề sẽ được quyết định thông qua đối thoại.”, ông Peskov cho biết.

Trước đó ngày 13/12, TASS dẫn nguồn tin chính thức cho biết, quá trình đàm phán bước đầu, Moscow đã có được sự đảm bảo an ninh tạm thời để các căn cứ này tiếp tục hoạt động bình thường.

 Căn cứ không quân Hmeimim của Nga ở tỉnh Latakia, Syria. Ảnh: BQP Nga.

Căn cứ không quân Hmeimim của Nga ở tỉnh Latakia, Syria. Ảnh: BQP Nga.

Theo tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov, các nhà ngoại giao nước này đã thảo luận một số vấn đề với giới chính trị quân nổi dậy Hayat Tahrir al-Sham (HTS), bao gồm đảm bảo an ninh cho phái bộ ngoại giao cũng như công dân Nga đang ở trên lãnh thổ Syria.

Nga hiện đang vận hành hai cơ sở quân sự tại Syria, một căn cứ hậu cần hải quân tại thành phố cảng Tartus và căn cứ không quân Hmeimim, ở tỉnh Latakia.

Căn cứ tại Tartus được Liên Xô thiết lập năm 1971 theo một thỏa thuận song phương với Syria và được Nga kế thừa; trong khi Nga cũng triển khai một nhóm không quân thuộc Lực lượng Hàng không Vũ trụ tại Syria vào ngày 30/9/2015, nhằm hỗ trợ quân đội nước này trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

 Căn cứ hậu cần hải quân Tartus của Nga ở Syria. Nguồn: NASA.

Căn cứ hậu cần hải quân Tartus của Nga ở Syria. Nguồn: NASA.

Tháng 1/2017, Moscow và Damascus đã kí thỏa thuận cho phép quân đội Nga đồn trú tại căn cứ Tartus và Khmeimim trong 49 năm nữa, đến năm 2066.

Liên quan đến vấn đề, ngày 14/9, trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Syria TV có trụ sở tại Istanbul, thủ lĩnh quân nổi dậy HTS Abu Mohammed al-Golani cho biết, Syria có thể duy trì mối quan hệ với Nga nếu Moscow nỗ lực để hướng tới điều đó.

Ông Al-Golani nói rằng, giới lãnh đạo mới ở Syria muốn tránh “khiêu khích” Nga.

Al-Golani cũng tuyên bố chính quyền mới ở Damascus sẵn sàng trao cho Nga cơ hội đánh giá lại mối quan hệ với Syria theo hướng phục vụ lợi ích chung.

 Lực lượng Nga tại Căn cứ không quân Hmeimim, Syria. Ảnh: Getty.

Lực lượng Nga tại Căn cứ không quân Hmeimim, Syria. Ảnh: Getty.

Tình hình chính trị ở Syria biến động kể từ cuối tháng 11, khi các nhóm vũ trang đối lập ở tây bắc đất nước do phiến quân Hồi giáo dòng Sunni HTS lãnh đạo phát động một cuộc tấn công chống lại quân đội chính phủ, chiếm các thành phố lớn và tiến về thủ đô Damascus.

Sau một chiến dịch chóng vánh kéo dài chưa đầy 2 tuần, ngày 8/12, quân nổi dậy đã tiến về thủ đô Damascus, tuyên bố đã lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad và nắm quyền kiểm soát đất nước.

Quân đội Chính phủ nhanh chóng tan rã, trong khi ông Assad đã từ bỏ chức vụ Tổng thống Syria và rời khỏi đất nước đến Nga tị nạn.

Ngày 10/12, Mohammed al-Bashir, người đứng đầu Chính phủ Cứu nguy Syria của HTS đặt trụ sở ở tỉnh Idlib đã được nhóm này bổ nhiệm làm “Thủ tướng” Chính phủ lâm thời Syria, đóng vai trò quản trị đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp cho đến tháng 3/2025.

Văn Phong/TASS, RT

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/tin-tuc/so-phan-cac-can-cu-quan-su-cua-nga-tai-syria-ra-sao-169855.html