Ngay trong ngày đầu tiên xảy ra chiến tranh với Nga, một tiêm kích Su-27 Ukraine chạy sang Romania sau khi viên phi công điều khiển nó thực hiện cuộc đào tẩu, máy bay khi đó mang đầy đủ cấu hình vũ khí cho nhiệm vụ phòng không.
Số phận chiếc chiến đấu cơ nói trên đang thu hút sự quan tâm từ báo chí quốc tế, các nhà phân tích trên tạp chí quân sự Military Watch của Mỹ đã đưa ra một số đề xuất để giải quyết phương tiện tác chiến nói trên.
Tờ báo Mỹ nhắc lại, sự việc xảy ra vào ngày 24/2. Một máy bay chiến đấu Su-27 của Không quân Ukraine đã hạ cánh xuống một trong những căn cứ quân sự của Romania nằm ở phía Đông Bắc đất nước.
Các nhà quan sát của tờ Military Watch giải thích: "Phi công dường như đã chủ động bỏ trốn khỏi khu vực xung đột", đến thời điểm này vẫn chưa có bất cứ thông tin gì về danh tính cũng như hình ảnh về quân nhân đào tẩu nói trên.
Phi đội máy bay chiến đấu Ukraine được Kiev kế thừa sau khi Liên Xô tan rã, đã có một số cải tiến kể từ những năm 1980. Tuy nhiên, so với các tiêm kích hiện đại của Nga, Không quân Ukraine lạc hậu một cách đáng kể.
Khoảng cách hiệu suất quá lớn giữa Su-27 và các máy bay chiến đấu tiên tiến của Nga như Su-35 là rõ ràng, nếu xảy ra tình huống không chiến thì ưu thế rõ ràng thuộc về Nga, cả trong tác chiến tầm xa lẫn tầm gần.
Điều này đã khiến các chuyên gia suy đoán rằng một số phi công của Không quân Ukraine sẽ không đưa những chiếc máy bay này lên không trung và sẽ hạn chế tham gia chiến đấu trước với Nga, các nhà phân tích của tờ báo Mỹ nhận xét.
Như các tác giả của bài báo lưu ý, Su-27 sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc được coi là một trong những máy bay chiến đấu có đặc tính kỹ chiến thuật cao nhất trên thế giới, nó là đối thủ trực tiếp của chiếc F-15 do Mỹ chế tạo.
Ukraine từng thừa hưởng số lượng máy bay lớn nhất (sau Nga). Ngày nay, Không quân Ukraine là lực lượng duy nhất ở châu Âu tiếp tục sử dụng Su-27, nó được coi là vũ khí lợi hại nhất của họ.
Tuy nhiên sau đó Không quân Ukraine đã rơi vào tình trạng suy tàn, họ chỉ còn vài chục chiếc Su-27 trong biên chế, đồng thời tình trạng kỹ thuật cũng không phải ở mức tốt nhất, nhưng dù sao chúng vẫn đang là "bảo vật" của Không quân Ukraine.
Trước tình hình trên, các nhà quan sát của Military Watch đang tự hỏi: "Điều gì sẽ xảy ra với máy bay chiến đấu Ukraine bay tới Romania? Tờ báo Mỹ cho rằng sau hoạt động của Quân đội Nga ở Ukraine, Su-27 khó có thể được đưa trở lại Không quân Ukraine.
Lý do là bởi Ukraine rất khó đưa phi công khác sang Romania để lái chiếc tiêm kích về, trong khi nước sở tại dù muốn trả cũng không biết phải làm cánh nào. Trong trường hợp này, có hai lựa chọn đối với số phận chiếc Su-27 nói trên.
Các nhà phân tích của cổng thông tin Mỹ gợi ý: “Chiếc Su-27 này có thể được Mỹ mua lại để sử dụng trong nhiệm vụ bay huấn luyện. Một trong những lựa chọn khác đó là máy bay có thể được đặt trong viện bảo tàng".
Tuy nhiên đó là chuyện của tương lai, còn trước mắt phía Romania sẽ vẫn bảo quản chiếc Su-27 nói trên để chờ đợi phương hướng xử lý tiếp theo.
Bạch Dương