Số phận của những hiện tượng cover ở nhạc Việt

Trong thời kỳ bùng nổ cover ở nhạc Việt, nhiều giọng ca trẻ đã nổi lên như những 'hiện tượng mạng'. Tuy nhiên, không phải ai cũng giữ được sức nóng.

Jang Mi: Giọng ca sinh năm 1996 nổi danh nhờ những bản cover trên mạng. Cô thậm chí được dân mạng gọi là "thánh nữ Bolero" sau khi hát lại các ca khúc thuộc dòng Bolero như Duyên phận, Vùng lá me bay, Trả lại thời gian, Phượng buồn…Ưu điểm của Jang Mi là lối hát nhẹ nhàng không quá bi lụy như đặc trưng vốn có của dòng nhạc. Tuy nhận được nhiều thiện cảm nhưng ngoài cover, Jang Mi chưa có dấu ấn nổi bật trong đời sống âm nhạc.

Hương Ly: Sinh năm 1993, khoảng 2 năm trở lại đây, Hương Ly nổi lên như hiện tượng cover. Những clip đệm đàn piano, đội mũ lưỡi trai và hát lại các bản hit đang "làm mưa làm gió" trên thị trường của cô nhận được lượt xem lớn. Nhiều bản cover của Hương Ly thậm chí còn có lượt xem cao hơn bản gốc. Tuy nhiên, giọng ca này cũng nhiều lần gây tranh cãi về chuyện cover. Năm 2019, Khắc Việt thậm chí tuyên bố "cấm" Hương Ly cover ca khúc của anh. Trong khi ê-kíp của nữ ca sĩ cũng từng nhận chỉ trích khi vô tình tiết lộ việc nhận cát-xê 20 triệu đồng để cover cho ca khúc của Erik.

Dương Edward: Giọng ca trẻ vốn được biết đến như “hiện tượng cover” nhờ ca khúc Phai dấu cuộc tình. Sản phẩm nhận được lượt nghe lớn trên Zing MP3 và lượt xem lớn trên mạng, cả hai đều cán mốc 80 triệu lượt xem/nghe. Sau khi được biết đến, Dương Edward tỏ rõ nỗ lực chuyển hướng sang “mainstream” thông qua việc thực hiện vài sản phẩm âm nhạc. Anh đã ra mắt MV Ai là em, sáng tác của Nguyễn Hồng Vịnh, do SimV sản xuất. Tuy nhiên, sản phẩm không thành công về mặt hiệu ứng, có lượt xem thấp hơn nhiều clip cover.

Hoa Vinh: Giọng ca sinh năm 1990 nổi lên từ những video cover, đặc biệt là Ngắm họa lệ rơi. Ca khúc gốc của Châu Khải Phong thậm chí đã lội ngược dòng bảng xếp hạng Vpop sau khi được Hoa Vinh cover. Hoa Vinh sau đó cũng lấn sân showbiz khi ra mắt sản phẩm âm nhạc nhưng không thành công. Thời gian gần đây, Hoa Vinh khá "im hơi lặng tiếng". Đây cũng là trường hợp minh chứng cho thực tế "sớm nở tối tàn" của nhiều hiện tượng cover.

Tăng Phúc: Giọng ca sinh năm 1993 đặc biệt được chú ý thời gian gần đây nhờ chất giọng nam tính, mộc mạc và ấm áp. Anh cũng có nhiều bản cover nhận được lượt xem/nghe lớn trên mạng như Tiểu thuyết tình yêu, Tất cả sẽ thay anh, Giá như ngày đầu đừng nói thương nhau. Anh cũng có ca khúc độc lập được yêu thích là Đừng chờ anh nữa.

Minh Châu: Minh Châu cũng là gương mặt chuyên cover được nhiều người yêu thích. Nhiều clip cover của anh như Em gái mưa, Đừng ai nhắc về anh ấy... có lượt xem lớn. Tuy nhiên, năm 2019, nam ca sĩ quyết tâm xóa mác cover khi ra mắt sản phẩm âm nhạc đầu tay với ca khúc Một là anh, hai là ai - sáng tác của Vương Anh Tú. Song, sản phẩm không đạt được hiệu ứng tốt. Minh Châu hiện vẫn được biết đến như một hotboy cover thay vì ca sĩ chuyên nghiệp.

Quân A.P: Sinh năm 1997, Quân A.P được biết đến trước hết qua các bản cover đăng tải trên mạng. Những bản cover tiêu biểu có thể kể đến như Chiều hôm ấy, Đừng ai nhắc về anh ấy, Màu nước mắt, Duyên mình lỡ, Yêu... Quân A.P sau đó chuyển hướng sang âm nhạc chuyên nghiệp khi ra mắt ca khúc Ai là người thương em. Ca khúc có lượt xem/nghe lớn và được coi là bản hit trên thị trường. Quân A.P là trường hợp hiếm hoi đã xóa được mác "giọng ca chuyên cover" để trở thành gương mặt trẻ được kỳ vọng của thị trường âm nhạc.

Bảo Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/so-phan-cua-nhung-hien-tuong-cover-o-nhac-viet-post1084342.html