Số phận của những người bị kết tội phù thủy
Thế kỷ 21, khi mà khoa học kỹ thuật đã có những bước tiến đáng kinh ngạc thì tại một số quốc gia, chính quyền vẫn tin rằng có phù thủy! Vì vậy họ đã thành lập những đội săn phù thủy mà mục đích là tiêu diệt 'thế lực ma quái' này!
1. Có lẽ trong suốt cuộc đời mình, Asana, 36 tuổi sống ở tỉnh Oubasi, Ghana, châu Phi không bao giờ quên được buổi tối tháng 5-2018. Khi ấy, cô mới chỉ thiu thiu ngủ sau một ngày làm việc vất vả tại một mỏ vàng thì bất ngờ có ai đó kéo áo cô lên. Mở mắt ra, Asana thấy chồng mình là Bosutwi đứng ngay bên cạnh, trên tay cầm cái chén nhỏ. Và trong khi cô chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì Bosutwi đã nghiêng cái chén xuống người cô.
Chớp mắt, một chất dịch trắng đục chảy xuống bụng cô kèm theo đó là sức nóng khủng khiếp. Asana hét lên và theo phản xạ tự nhiên, cô đưa tay vuốt cái chất dịch ra khỏi bụng. Nó dính vào tay cô cùng một mảng da bụng lầy nhầy. Thứ mà chồng cô đổ xuống bụng cô là nhựa nung chảy, đốt từ cái can đựng nước bị vỡ.
Asana chỉ là một trong những nạn nhân bị nghi ngờ là “phù thủy” ở Ghana cũng như ở nhiều quốc gia châu Phi khác như Kenya, Nigeria, Siera Leon, Malawi, Gambia, Benin….
Sau này, khi đã bị đưa vào khu tập trung, nơi giam giữ những “phù thủy”, cô kể với phóng viên Rick Nicole của trang tin Nhân chứng Toàn cầu: “Nửa tháng trước ngày tôi bị Bosutwi đổ nhựa nóng vào người, mẹ chồng tôi ốm. Thay vì đưa bà đến bác sĩ, Bosutwi lại gặp một thầy mo. Theo lời thầy mo thì mẹ chồng tôi đang bị phù thủy hãm hại và phù thủy ấy chính là tôi. Đến sáng hôm sau, đội săn phù thủy tỉnh Oubasi bắt tôi vào đây mà không hề chữa trị dù bụng tôi lở loét…”.
Trước đó, hồi tháng 3-2009, Tổ chức Ân xá Quốc tế công bố một báo cáo cho thấy khoảng 1.000 người ở Gambia đã bị bắt bởi các “đội săn phù thủy” vì bị cáo buộc là… phù thủy! Hầu hết những cáo buộc đều rất mơ hồ, chẳng hạn như Jambe, một thợ máy trở thành phù thủy vì đi giữa cơn mưa mà đầu và mặt không ướt.
Trả lời trang tin Nhân chứng Toàn cầu, Jamer nói: “Hôm ấy khi sửa một chiếc máy kéo, tôi đặt xô nhớt lên nắp ca-pô rồi vô tình làm đổ nó xuống đầu. Sau khi lau sạch, tôi tiếp tục làm cho xong việc. Trên đường về, tôi gặp một cơn mưa và bởi vì da, tóc tôi thấm nhớt nên nước mưa cứ thế trôi tuột xuống. Vài người trong làng nhìn thấy nên tôi trở thành phù thủy”.
Tất cả những người bị quy kết là phù thủy ở Gambia đều phải vào khu tập trung. Tại đây, họ phải thú nhận mình là phù thủy rồi phải uống một loại thuốc gọi là “kubejaro” mà thành phần của nó được giữ bí mật. Hầu hết những “phù thủy” sau một thời gian uống “kubejaro” thì suy thận, mất trí nhớ rồi tử vong. Và mặc dù Chính phủ Gambia đã tiến hành nhiều nhiều cuộc điều tra về những tội ác này đồng thời thành lập những trung tâm hỗ trợ nạn nhân nhưng các đội săn phù thủy vẫn tồn tại, đặc biệt là ở các vùng xa xôi, hẻo lánh.
Tại Ghana, cho đến nay vẫn tồn tại những khu tập trung phù thủy, gồm Kukuo với 450 người, Tindang 350 người, Gushiegu 120 người, Gambaga 80 người, Nabule 55 người, Kpatinga 40 người còn khu tập trung Banyasi có từ 3 đến 8 người.
Ở Kenya, khu vực phía tây nước này đặc biệt nổi tiếng với các cuộc săn phù thủy, và huyện Kisii được gọi là "vành đai phù thủy”.Tất cả những phù thủy khi bị bắt đều bị giết bằng cách thiêu sống vì người ta tin rằng nếu không đốt cháy thân thể phù thủy thì khi đem chôn, một lúc nào đó nó sẽ đội mồ sống dậy!
Ngày 21- 5- 2008, ở “vành đai phù thủy” huyện Kisii, 11 đã người bị đám đông thiêu sống vì họ là phù thủy! Chỉ duy nhất một người không bị thiêu là bà góa phụ Dimba, 70 tuổi nhưng bà bị bắt phải uống một loại thuốc làm từ nhiều loại rễ, vỏ cây.
4 tiếng sau khi uống, bà Dimba chết. Kẻ cầm đầu cuộc hành hình này là Tsetse tuyên bố: “Giết bọn phù thủy là hình thức phục vụ cộng đồng. Nó báo thù cho những nạn nhân đã bị phù thủy hãm hại. Khi phù thủy bị thiêu chết, chúng tôi đã vô hiệu hóa nguồn nguy hiểm cho mọi người”.
2. Và không chỉ ở châu Phi, khu vực Trung Đông cũng vẫn tồn tại những đội săn phù thủy. Nửa đêm một ngày tháng 6-2016, một nhóm cảnh sát của Đơn vị chống phù thủy trực thuộc Lực lượng Cảnh sát tôn giáo Arab Saudi thận trọng tiến đến trước cửa căn hộ của một thiếu nữ nằm ở phía tây khu phố Al-Seeh, tỉnh Madinah. Thiếu nữ này được xác định là “phù thủy”.
Bằng thiết bị phá khóa chuyên dụng, cảnh sát xông vào. Trước mắt họ, cô “phù thủy” nằm trên giường chỉ với bộ đồ lót, toàn thân như hóa đá vì quá bất ngờ. Các sĩ quan cảnh sát cũng thế, họ lúng túng cho đến khi một người lên tiếng, yêu cầu cô “phù thủy” mặc lại quần áo.
Thế nhưng lúc vừa đứng dậy, cô “phù thủy” lao ra cửa sổ. Theo mô tả của tờ nhật báo Okaz xuất bản tại Arab Saudi: “Phù thủy bay như một con chim” còn cảnh sát cuống cuồng tìm cách truy đuổi nhưng không ai dám “bay” như cô.
Mất thêm nhiều phút nữa, cảnh sát phát hiện cô “phù thủy” rơi xuyên qua một mái nhà lợp bằng lá cọ nằm liền kề căn hộ của cô rồi rớt xuống nền nhà, cạnh chiếc giường của một đứa bé đang ngủ. May mắn là cô chỉ bị thương chứ không chết. Kết quả việc khám xét căn hộ của cô “phù thủy” được cảnh sát tuyên bố rằng họ đã thu nhiều bó nhang, bùa ngải và các đĩa video CD dạy ma thuật.
Trong một bản báo cáo, Al Arabiya, giáo sĩ Hồi giáo cao cấp nói vụ săn phù thủy xảy ra tại khu vực lịch sử, nơi nhà tiên tri Muhammad được chôn cất và nó được coi là địa điểm linh thiêng thứ hai trong đạo Hồi, chỉ sau thánh địa Mecca. Theo giáo sĩ Al Arabiya, ông không nghi ngờ chi tiết “cô phù thủy bay” vì rằng: “Một số phù thủy có thể cưỡi chổi bay trong không trung với sự giúp đỡ của Jinn” (sức mạnh thần bí).
Số phận cô “phù thủy” này sau đó không được nhắc đến nhưng qua các hình phạt dành cho những người bị kết tội “hành nghề phù thủy” ở Arab Saudi, ai cũng hiểu là rất nghiêm khắc.
Năm 2007, Mustafa Ibrahim, dược sĩ người Ai Cập đã bị chặt đầu tại thủ đô Riyadh, Arab Saudi, sau khi bị kết tội “thực hành ma thuật để ngoại tình đồng thời xúc phạm kinh Qran”.
Sự việc bị phát hiện khi các thành viên của một nhà thờ Hồi giáo ở thị trấn phía bắc Arab lên tiếng về việc Mustafa Ibrahim đặt cuốn kinh Koran trong phòng vệ sinh.Từ đó, họ khám phá ra rằng Mustafa Ibrahim đã phá vỡ cuộc hôn nhân của một người đàn ông khác thông qua phép thuật, gồm “một ngọn nến với câu thần chú để triệu tập quỷ dữ cùng các thảo dược có mùi hôi”, nhằm mục đích ngoại tình với vợ của ông này.
Và mặc dù các nhà khoa học trên toàn thế giới sau nhiều thế kỷ nghiên cứu, tìm hiểu, đã khẳng định “phù thủy” chỉ là những chuyện hư cấu dựa trên “những việc có thật, xảy ra ngẫu nhiên, trùng hợp tình cờ” nhưng chiến dịch đàn áp phù thủy ở Arab Saudi vẫn không có dấu hiệu ngừng lại.
Hồi tháng 5-2017, hai người châu Á giúp việc cho một gia đình Arab Saudi đã bị kết án tù 10 năm vì ông chủ của họ cho rằng gia đình ông đã phải chịu đựng ma thuật. Cũng trong năm này, các tờ báo ở Arab Saudi đăng tải hình ảnh một người giúp việc Indonesia bị truy đuổi với cáo buộc cô ta tạo ra một câu thần chú khiến ông chủ của cô bị ngất xỉu vì động kinh.
Trên trang tin Emirates ngày 24-7, ông chủ này nói: “Tôi thề rằng chúng tôi không muốn làm tổn thương cô ấy, mà chỉ muốn ngăn chặn hành vi xấu xa của cô ấy chống lại chúng tôi và những người khác”.
Theo Adam Coogle, nhà nghiên cứu nhân quyền Trung Đông có trụ sở tại Jordan thì các cuộc săn phù thủy ở Arab Saudi đã chứng minh rằng tại một đất nước mà việc biểu lộ công khai các nghi lễ của bất kỳ tôn giáo nào ngoài đạo Hồi đều bị nghiêm cấm.
Adam Coogle nói: “Những lao động nước ngoài như Sri Lanka, Indonesia và một số nước châu Phi đến Arab Saudi, mang theo các phong tục dân gian truyền thống của quốc gia họ nên họ rất dễ bị ngộ nhận là một loại phù thủy nào đó".
Đó cũng là lý do vì sao năm 2009, Chính phủ Arab Saudi chính thức thành lập “Đơn vị chống phù thủy - viết tắt là CPVPV”, trực thuộc Cảnh sát Tôn giáo nhằm giáo dục công chúng về phù thủy, điều tra các phù thủy bị cáo buộc, vô hiệu hóa các phép thuật của họ. Công dân Arab Saudi cũng được khuyến khích sử dụng đường dây nóng trên trang web CPVPV để báo cáo bất kỳ hành vi ma thuật nào mà họ biết, cho các quan chức địa phương.
Ngay sau khi ra đời, chỉ riêng năm 2009, ít nhất 118 người đã bị Đơn vị chống phù thủy buộc tội “thực hành ma thuật” ở tỉnh Makkah, khu vực đông dân nhất Arab Saudi. Đến năm 2011, Đơn vị chống phù thủy đã có 9 văn phòng tại các thành phố trên khắp đất nước, và đã “đạt được thành công đáng kể” trong việc xử lý ít nhất 586 trường hợp phạm tội ma thuật, phần lớn là công nhân nước ngoài đến từ châu Phi, Indonesia.
Từ năm 2013 trở đi, cuộc chiến chống phù thủy lại được nâng cao hơn nữa khi Arab Saudi cho rằng phù thủy là nguồn gốc của sự bất ổn cả về tôn giáo lẫn xã hội. Điều này có nghĩa là các khóa đào tạo nhân lực mới cho Đơn vị chống phù thủy và cuộc chiến chống phù thủy vẫn sẽ tiếp tục.
3. Đã có rất nhiều ý kiến phản đối của các nhà khoa học, xã hội học, y học tâm thần, các tổ chức nhân quyền cùng các tôn giáo về vấn đề “phù thủy” nhưng trong lĩnh vực nhận thức, những ý kiến này hầu như bị gạt ra ngoài lề.
Tháng 6-2013, Ủy ban Phụ nữ quốc gia Ấn Độ cho biết theo thống kê của Cục Hồ sơ tội phạm, từ năm 2008 đến 2013 đã có 768 phụ nữ bị sát hại vì cáo buộc hành nghề phù thủy, hầu hết xảy ra ở các bang nghèo phía bắc như Jharkhand, Bihar và bang Chhattisgarh.Những cuộc săn lùng phù thủy cũng diễn ra trong giới công nhân ngành chè ở Jalpaiguri, Tây Bengal.
Bên cạnh đó, nhiều phụ nữ còn bị những người đàn ông dán nhãn “phù thủy” để có thể hãm hiếp họ mà không bị trừng phạt. Theo một nghiên cứu của Ủy ban Trợ giúp pháp lý miễn phí tại bang Jharkhand, chưa đến 2% kẻ săn phù thủy bị kết án.
Ở Nepal, việc săn lùng phù thủy cũng rất phổ biến, đặc biệt nhắm vào những phụ nữ đẳng cấp thấp. Nạn nhân thường bị đánh đập, tra tấn, làm nhục công khai và sát hại, thậm chí cả với người nhà của họ. Báo cáo của Tổ chức nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Ân xá quốc tế và Tổ chức Oxfam cho thấy phần lớn phụ nữ là nạn nhân của các cuộc săn phù thủy.
Chỉ riêng tại tỉnh Simbu của Papua New Guinea, mỗi năm có khoảng 150 người bị giết vì bị cho là “phù thủy” còn ở Congo, 40.000 trẻ em trở thành mồ côi chỉ vì cha mẹ chúng là “phù thủy”. Bà Sarwa Dev Prasad Ojha, Bộ trưởng Bộ Phụ nữ và Phúc lợi xã hội Nepal nói: “Sự mê tín đã ăn sâu vào tiềm thức của chúng ta, trong đó phù thủy là một trong những định kiến tồi tệ nhất…”.
Vẫn theo bà Ojha, hơn lúc nào hết thế giới cần chung tay hơn nữa để tăng cường nhận thức, xóa tan niềm tin mơ hồ về cái gọi là “phù thủy” nhằm chấm dứt sự tàn bạo này thay vì hành động riêng lẻ bởi nhà bác học thiên tài Albert Einstein đã nói: “Phá vỡ một thành kiến còn khó hơn phá vỡ một nguyên tử hạt nhân …”.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/so-phan-cua-nhung-nguoi-bi-ket-toi-phu-thuy-651846/