Số phận của 'tù nhân 760' với 14 năm oan trái tại trại giam Guantanamo khét tiếng
Mohamedou Ould Slahi năm nay 49 tuổi, bị cầm tù oan tại Guantanamo trong hơn 14 năm. Nhà tù đã cướp đi của ông 5.445 ngày trong cuộc đời. Ông bị Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) bắt cóc ở Mauritania vài tuần sau vụ tấn công ngày 11-9-2001 do bị nghi ngờ giúp sức trong việc lên kế hoạch khủng bố. Điều đó là hoàn toàn sai lầm, nhưng người Mỹ không bao giờ thừa nhận hoặc xin lỗi.
Hiện Hollywood đang làm một bộ phim về cuộc đời của Mohamedou Slahi với sự tham gia của 2 diễn viên chính Benedict Cumberbatch và Jodie Foster. Bộ phim “Tù nhân 760” dự kiến sẽ được phát hành vào đầu năm 2021. Trong đó, Cumberbatch đóng vai Stuart Couch - Tổng chưởng lý Hoa Kỳ , người được cho là sẽ truy tố Slahi nhưng cuối cùng phải bỏ vụ án vì thiếu bằng chứng.
Cửa nhà luôn mở trong sự tha thứ
Chưa đến 6 giờ sáng, nhưng Mohamedou Ould Slahi đã có mặt ở trường quay. Một trong những cảnh quay là cồn cát cách Nouakchott (Thủ đô của Mauritania) 30km về phía Nam, nơi Slahi sống thời thơ ấu. Ngày ấy, cha Slahi đã dạy cho con trai mình về quy luật sống trong sa mạc trên những chuyến di chuyển bằng lạc đà vào ban đêm. Là một người Bedouin, Slahi đã học được cách giữ bình tĩnh ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất và chấp nhận số phận của mình dù xảy ra bất cứ điều gì. Có lẽ đó là điều giúp ông sống sót sau ngần ấy năm ở trại giam Guantanamo khét tiếng.
Mohamedou Ould Slahi kể, ông bị thẩm vấn đầu tiên ở Jordan, sau đó ở Afghanistan. Cuối cùng, ông được đưa đến căn cứ quân sự của Mỹ tại vịnh Guantanamo ở Cuba và trở thành tù nhân số 760. Tù nhân này bị lính Mỹ đưa ra biển Caribbean bằng tàu cao tốc. Ông bị trói, bịt mắt, cơ thể được ướp đá, có lẽ là để che giấu dấu vết bạo lực. Họ nói với Slahi rằng, không ai quan tâm nếu ông đơn giản biến mất trong đại dương. Sau đó, họ đánh Slahi cho đến khi tù nhân gãy cả xương sườn. Lúc đầu, Slahi phản ứng đầy giận dữ. “Tôi có thể đã ném một quả bom vào Nhà Trắng” - ông phẫn nộ.
Sau khi trở về, Slahi đã viết một bài đăng trên Facebook cho tất cả những người đã bảo vệ cũng như ngược đãi ông: “Chúng ta đã học được nhiều điều từ nhau. Tôi hy vọng chúng ta sẽ gặp lại và cùng uống một tách trà. Cánh cửa nhà tôi luôn mở. Tôi đã tha thứ cho những kẻ hành hạ tôi. Sống sót được qua quãng đời đó không ai là không phát điên cả”.
Nhưng không giống như nhiều người khác, Slahi đã không phát điên ở Guantanamo. Chỉ riêng năm 2003, 120 tù nhân ở đó đã cố tự tử. Chẳng hạn, tù nhân số 535, một người Ai Cập, tin rằng anh ta thực sự đã xuống địa ngục. Rất ít trong số những người được thả ra trở lại cuộc sống bình thường. Slahi nói rằng, những kỷ niệm thời thơ ấu đã giúp ông vượt qua những ngày tháng tối tăm nhất.
Mãi đến ngày 17-10-2016, CIA mới đưa Slahi trở lại nơi mà họ đã bắt cóc ông một thập kỷ rưỡi trước đó, tại sân bay ở Nouakchott. Đến lúc đó, cuộc đời của ông gần như là con số 0. Mẹ ông đã qua đời, Slahi gặp các cháu, con của anh trai mình mà khi ông bị bắt đi chúng chưa được sinh ra. Sau khi trở về, Slahi đã viết một bài đăng trên Facebook cho tất cả những người đã bảo vệ cũng như ngược đãi ông: “Chúng ta đã học được nhiều điều từ nhau. Tôi hy vọng chúng ta sẽ gặp lại và cùng uống một tách trà. Cánh cửa nhà tôi luôn mở. Tôi đã tha thứ cho những kẻ hành hạ tôi. Sống sót được qua quãng đời đó không ai là không phát điên cả”.
Một thẩm vấn viên của Hải quân Mỹ đã trả lời bài đăng của Slahi bằng một bức ảnh về kỳ nghỉ của người này trước bức tường Berlin. “Chào Gối! Hy vọng tất cả đều ổn. Vui mừng vì bạn đang ở nhà”. Gối là biệt danh mà những binh sĩ Mỹ đặt cho Slahi. Họ gọi ông như vậy vì một chiếc gối là vật phẩm đầu tiên mà Slahi được phép có trong phòng giam sau vòng tra tấn khắc nghiệt kéo dài 70 ngày.
Một người lính khác, tự xưng là Jedi đã viết: “Tôi chỉ muốn nói rằng, tôi xin lỗi nếu tôi từng gây ra cho bạn bất kỳ tổn hại nào. Tôi chúc bạn những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống”. Jedi đã đóng quân tại trại tạm giam vịnh Guantanamo từ năm 2003 đến 2004, thời kỳ đen tối nhất trong tù của Slahi. Những binh sĩ Mỹ bắt ông thức liên tục, không cho ăn và ngủ, đến thời gian ăn chay của đạo Hồi, bọn họ cũng bắt tù nhân phải ăn. Slahi đáp lại: “Chào người anh em! Anh luôn đối tốt với tôi, hãy nhớ Mountain Dew và bánh nướng xốp việt quất. Cảm ơn vì điều đó”. Slahi cũng đã kết bạn với những lính canh cũ. Hai năm trước, cựu quân nhân Steve Wood còn đến thăm Slahi ở Mauritania.
Vết thương không thể lành
Tuy nhiên, cho đến nay, Slahi vẫn phải chịu hậu quả của việc bị tra tấn. Phòng ngủ của ông không lớn hơn phòng giam trước đây là mấy. Slahi chỉ có thể ngủ một mình vì vào ban đêm ông thường gặp ác mộng. Ồng thấy mình bị đánh tại nhà tù Guantanamo, nằm trần truồng trên sàn nhà dưới ánh đèn neon với quốc ca Mỹ bật ầm ĩ.
Slahi đã tái hôn 2 năm trước, ông gặp người vợ mới qua mạng, cô ấy là người Mỹ và làm việc tại Berlin. Hai vợ chồng hiện có một con trai 1 tuổi. Mối quan hệ là một khởi đầu mới, nhưng cũng là một thách thức. Sự sỉ nhục về mặt tình dục mà ông trải qua ở Guantanamo đã khiến mỗi lần đụng chạm thân thể là một lần gợi lại nỗi đau và ký ức cũ. Chỉ có viết lách và ở một mình mới giúp Slahi bình tâm lại.
Ở Guantanamo, Slahi đã viết một cuốn sách. “Nhật ký Guantanamo” trở thành cuốn sách bán chạy nhất và được dịch sang 27 ngôn ngữ. Đó là bằng chứng xác thực về cuộc sống được viết bên trong nhà tù khét tiếng này. Luật sư của Slahi, bà Nancy Hollander, đã tham gia cuộc chiến pháp lý kéo dài nhiều năm chống lại chính quyền Mỹ để cuốn sách được xuất bản.
Hiện giờ, khi Slahi đi bộ xuống đường trong khu phố Tevragh-Zeina, qua Safari Café và khách sạn Semiramis, các lái xe bấm còi inh ỏi còn các cô gái gọi tên ông như thể ông là một ngôi sao nhạc rock. Một số người hỏi liệu họ có thể chụp ảnh chung với ông được không. Ở Mauritania, Slahi là một anh hùng. Không ai kỳ thị một tù nhân Guantanamo. Người ta nói rằng ông đã chống lại sự bất công của nước Mỹ và đánh bại siêu cường lớn nhất thông qua sức mạnh nội tâm.
Vẫn là đối tượng đáng ngờ của chính quyền Mỹ
Cuốn sách mà Slahi viết tại trại giam Guantanamo cũng là nền tảng của bộ phim “Tù nhân 760”. Đó là câu chuyện về một cậu bé Bedouin đến từ bộ lạc Idab Lahsan ở Tây Nam Mauritania, từng được trao học bổng từ Hiệp hội Carl Duisberg (Đức) vì thành tích học tập xuất sắc. Chàng trai tiếp tục học ngành kỹ thuật điện và sống ở Đức trong 12 năm. Nhưng một ngày, Slahi nhận được một cuộc gọi từ người anh em họ. Người này đã theo trùm khủng bố Osama bin Laden đến Sudan và dùng điện thoại của “ông trùm” để gọi cho Slahi bảo ông gửi tiền cho người cha ốm yếu của mình. Cuộc gọi đó đã bị các điệp viên Mỹ nghe lén. Dựa vào đó, CIA đã kết luận rằng Slahi là nhà tuyển dụng chính của Osama bin Laden ở Đức - một sai lầm mà cơ quan này không bao giờ thừa nhận.
Trong bộ phim “Tù nhân 760”, Jodie Foster vào vai Nancy Hollander, luật sư của Slahi. “Ngay từ đầu tôi đã bị cuốn hút bởi câu chuyện xúc động, hành trình khủng khiếp của Mohamedou. Thật khó để tưởng tượng làm sao một con người có thể chịu đựng được điều đó”, nữ minh tinh nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Spiegel (Đức).
Khi Hollander và Slahi gặp nhau lần đầu tiên, vị luật sư ban đầu không biết ông là ai, liệu ông có tội hay không. “Mohamedou là một người vô tội, phải chống chọi với sức mạnh lấn át của nhà cầm quyền và mất các quyền cơ bản của mình” - luật sư cho biết. Nhưng hiện giờ, chính phủ Mỹ vẫn cho Slahi là một kẻ thao túng nguy hiểm. Trong mắt những người tiếp tục theo dõi Slahi cho đến ngày nay, việc các luật sư ngôi sao như Hollander đứng về phía Slahi lại càng làm tăng thêm sự nghi ngờ này. Đối với họ, Slahi là một người tính toán, máu lạnh, một kẻ xấu.
Ít nhất đó là những gì các nhà ngoại giao Mỹ viết cho các đồng minh của họ khi Slahi nộp đơn xin thị thực ở các nước phương Tây, bao gồm cả Đức. Trong khi đó, Slahi đã hoàn thành khóa học đào tạo từ xa tại một học viện quốc tế để trở thành nhà tư vấn tâm lý. Ông tin rằng những trải nghiệm của mình đủ để giúp những người đang bị căng thẳng. Khách hàng của ông ở Mỹ, Thụy Sĩ và Anh được tư vấn thông qua phần mềm Skype và ông nhận ra rằng hầu hết bọn họ gặp rắc rối trong các mối quan hệ và bị thiếu tình yêu bản thân.
Slahi cũng vừa hoàn thành cuốn sách thứ hai, ông muốn trở thành nhà văn và đấu tranh cho quyền con người. Ông cũng rất thích được đến Berlin thăm vợ con. Nhưng từ khi Slahi được thả ra từ Guantanamo đến nay, Đức đã từ chối cấp thị thực cho ông.