Số phận dự án 72 triệu USD ở Nha Trang vừa bị World Bank cắt vốn
Ngân hàng Thế giới đã quyết định không tiếp tục tài trợ vốn các hạng mục còn lại thuộc hợp phần 2 của dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Nha Trang (dự án CCSEP Nha Trang). Các nhà thầu thi công dự án cũng lo lắng sẽ bị chấm dứt hợp đồng.
Ngày 26/12, Ban Quản lý dự án Phát triển tỉnh Khánh Hòa cho biết đang xin ý kiến cơ quan cấp trên để giải quyết kiến nghị của một số nhà thầu xung quanh việc Ngân hàng Thế giới (World Bank) quyết định không tiếp tục tài trợ các hạng mục còn lại thuộc hợp phần 2 dự án CCSEP Nha Trang.
Hợp phần 2 dự án CCSEP Nha Trang bao gồm: 2 hạng mục kè bắc sông Cái và đường Chử Đồng Tử (thuộc hợp đồng NT-2.3) và kè và đường Nam sông Cái (thuộc hợp đồng NT-2.1).
Theo kế hoạch, cả hai hợp đồng trên sẽ hoàn thành trong tháng 3 và tháng 4 năm nay. Tuy nhiên, do công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư chưa hoàn thành nên việc triển khai hợp đồng diễn ra chậm chạp, phải tạm dừng từ tháng 7/2022 (đối với hợp đồng NT-2.1) và từ tháng 12/2022 (đối với hợp đồng NT-2.3).
Một nhà thầu thi công tại hợp phần 2 dự án CCSEP Nha Trang cho biết đã gửi đơn yêu cầu bồi thường số tiền hơn 11 tỷ đồng nếu chấm dứt hợp đồng từ thành viên liên danh của gói thầu tại hợp phần 2 dự án này. Theo nhà thầu này, đến nay một số công việc đã được nhà thầu thi công nhưng chưa được chủ đầu tư nghiệm thu. Hơn một năm qua, nhà thầu này đã có nhiều thiệt hại khi đưa vật liệu về công trình xây dựng nhưng chưa được thi công; chi phí nhân công, lán trại…
Ngày 4/10, bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam, Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của World Bank - đã có thư gửi Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa xung quanh về việc thực hiện hợp phần 2 dự án CCSEP Nha Trang và điều chỉnh các phương án bồi thường đã chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi hợp phần này.
Trong bức thư này, World Bank cho biết đã phát hiện ở hợp phần 2 của dự án này có 76 hộ dân bị ảnh hưởng đã nhận bồi thường, trong đó 60 hộ đã bàn giao đất cho tiểu dự án. Trong số 76 hộ bị ảnh hưởng, qua rà soát thẩm định cho thấy 50 hộ không tuân thủ khung chính sách tái định cư của dự án và kế hoạch hành động tái định cư của dự án CCSEP Nha Trang.
Đại diện World Bank cho rằng, cả 50 hộ bị ảnh hưởng nêu trên đã nhận bồi thường theo phương án bồi thường được tỉnh Khánh Hòa thẩm định là không tuân thủ quy định. Vì thế, tổ chức này yêu cầu địa phương thông báo về việc điều chỉnh các phương án bồi thường cho người dân đảm bảo khung chính sách của World Bank, đồng thời phải trả thêm khoản bồi thường/hỗ trợ tái định cư bổ sung cho họ.
Phản hồi lại thư của World Bank, ngày 24/11, UBND tỉnh Khánh Hòa đã xin ý kiến thống nhất của World Bank cho phép tiếp tục sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương thay cho nguồn vốn vay để thực hiện hoàn thiện hợp phần 2 dự án CCSEP Nha Trang.
Trong trường hợp được World Bank chấp thuận, tỉnh Khánh Hòa cam kết thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư đảm bảo tuân thủ khung chính sách tái định cư của dự án và kế hoạch hành động tái định cư của tiểu dự án như được quy định trong Hiệp định vay và Hiệp định tài trợ của dự án.
Dự án CCSEP Nha Trang có vốn 72 triệu USD do Ban Quản lý dự án Phát triển tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư. Trong đó, có 60,6 triệu USD vốn vay từ World Bank và 11,4 triệu USD nguồn vốn đối ứng địa phương.
Hiện Ban Quản lý dự án Phát triển tỉnh Khánh Hòa đã tiếp nhận đơn kiến nghị đề nghị bồi thường gần 11 tỷ đồng nếu chấm dứt hợp đồng từ thành viên liên danh của gói thầu NT-2.1. Liên quan đến trách nhiệm quản lý dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân đã yêu cầu Ban Quản lý dự án Phát triển tỉnh nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc để dự án này chậm tiến độ.