Số phận hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc vụ thất thoát hơn 830 tỷ đồng
Hôm nay (13/4), phiên tòa xét xử vụ án thất thoát hơn 830 tỷ đồng xảy ra tại Ban quản lý Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên tiếp tục với phần xét hỏi.
Kết quả điều tra xác định, quá trình thực hiện Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên còn một số dấu hiệu vi phạm quy định về đầu tư xây dựng công trình và các sai phạm khác.
Nhưng cơ quan giám định chưa kết luận về vi phạm và hậu quả thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra; chủ đầu tư và Nhà thầu là Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) chưa giải quyết dứt điểm về các tranh chấp của hợp đồng EPC số 01#.
Đến nay, các cơ quan có thẩm quyền chưa đưa ra quyết định cuối cùng về dự án.
Do thời hạn điều tra vụ án đã hết, CQĐT đã tách nội dung này theo quy trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, tiếp tục xác minh thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý theo pháp luật.
Cáo buộc cho rằng, tính đến ngày 31/12/2018, TISCO đã chi cho Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên 4.423 tỷ đồng.
Trong đó, nguồn vốn của chủ đầu tư là 1.335 tỷ đồng; vốn vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh Bắc Kạn - Thái Nguyên là 1.404 tỷ đồng và Vietinbank Hà Nội là 1.684 tỷ đồng.
TISCO trả lãi cho các ngân hàng từ khi hợp đồng EPC số 01# chậm tiến độ (từ ngày 31/5/2011) đến khi khởi tố vụ án là hơn 830 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, hậu quả thiệt hại của vụ án được xác định là số tiền lãi suất thực tế mà TISCO đã phải trả cho các ngân hàng kể từ khi dự án chậm tiến độ đến thời điểm khởi tố vụ án là hơn 830 tỷ đồng.
Trong vụ án này, Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) được xác định là nguyên đơn dân sự.
Tại tòa, đại diện TISCO cho biết, doanh nghiệp này đang yêu cầu MCC tiếp tục triển khai xây dựng dự án theo đúng hợp đồng EPC đã ký.
“Căn cứ theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, TISCO tiếp tục yêu cầu MCC triển khai thực hiện hợp đồng EPC vì MCC còn nhiều vướng mắc, vi phạm theo kết luận.
Từ ngày 29/3, chúng tôi đã khởi động lại đàm phán để MCC tiếp tục thực hiện dự án chứ chưa chấm dứt hợp đồng”, đại diện TISCO trình bày.
Trả lời câu hỏi của HĐXX về khoản thiệt hại 830 tỷ đồng, đại diện TISCO thừa nhận, đây là số tiền lãi đã trả cho các ngân hàng, nhưng hiện tại, dự án vẫn đang triển khai nên chưa biết thiệt hại cuối cùng.
Đại diện theo ủy quyền của TISCO đề nghị tòa xem xét lại tư cách tham gia phiên tòa của doanh nghiệp này vì cho rằng, TISCO đang là nguyên đơn dân sự, nhưng căn cứ Bộ luật Tố tụng Hình sự, nguyên đơn dân sự phải có đơn yêu cầu bồi thường, mà đến nay, TISCO chưa có đơn.
Phía TISCO mong muốn HĐXX đưa ra phán quyết và cam kết sẽ chấp hành, nhưng cho rằng, con số thiệt hại 830 tỷ đồng cần xem xét lại, bởi số tiền lãi thực tế phải căn cứ hợp đồng tín dụng và thời gian đáo hạn vẫn còn. Điều này đồng nghĩa với việc TISCO vẫn đang vay và phải trả lãi ngân hàng.
Trước câu hỏi của HĐXX: TISCO có chấp nhận con số thiệt hại như cáo trạng nêu?, đại diện TISCO cho hay sẽ trình bày thêm trong phần tranh luận.
Năm 2007, TISCO ký với MCC hợp đồng EPC (thiết kế, cung cấp, xây dựng) trị giá 160 triệu USD để xây dựng Nhà máy luyện phôi thép thuộc dự án mở rộng sản xuất.
EPC là hợp đồng trọn gói, không đổi giá trị, nhưng sau đó, MCC yêu cầu tăng giá và được các bị cáo tại TISCO và Tổng Cty Thép Việt Nam (VNS) chấp thuận.
Các lãnh đạo, cán bộ tại TISCO và VNS còn chọn Tổng Công ty xây dựng Công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) làm nhà thầu phụ thực hiện phần C (xây lắp) trong hợp đồng EPC.
VINAINCON không đủ năng lực thi công nên năm 2011 phải tạm dừng, hoàn trả TISCO các hạng mục chưa hoàn thành.