Số phận khắc nghiệt của Frantisek Moravec

Sau nhiều thập kỷ lưu vong cả sống và chết, hài cốt của thủ tĩnh tình báo thời chiến Cộng hòa Séc, chuẩn tướng Frantisek Moravec cuối cùng cũng đã hồi cố hương. Điệp viên lê dương Tiệp Khắc là một trong số ít những người Séc đã phục vụ tích cực trong cả 3 hình thức của phong trào kháng chiến của Tiệp Khắc trong thế kỷ 20. Di sản của ông trong cộng đồng an ninh Séc vẫn còn mạnh mẽ cho đến tận ngày nay.

Bộ trưởng Quốc phòng Séc, bà Jana Černochová, đã gây chú ý cho dư luận trong chuyến thăm Hoa Kỳ, nơi bà đã gặp người đồng cấp Lloyd Austin để thảo luận mối quan hệ quốc phòng song phương chặt chẽ hơn cùng khả năng nhận thêm trực thăng quân sự từ quân đội Mỹ. Bên cạnh đó bà cũng có những lý do mang tính biểu tượng khi công du tới Washington D.C., đó là đón nhận hài cốt của giám đốc tình báo thời Thế chiến II của Tiệp Khắc, Frantisek Moravec, để tái an táng tại quê nhà vào ngày 26/4/2022.

Ông Jakub Fajnor từ Cục Báo chí, Bộ Quốc phòng Séc, nhấn mạnh rằng di hài của cựu giám đốc tình báo Tiệp Khắc sẽ được đưa về quê nhà nhân kỷ niệm ngày ông đã thi hành kế hoạch ám sát nổi tiếng Quyền Đô hộ (chủ tịch Ủy ban cảnh sát hình sự của nền Đệ tam Đức Quốc xã, Reinhard Heydrich) chiếm đóng Bohemia và Moravia.

Ông Jakub Fajnor giải thích: “Ban đầu ý tưởng đưa hài cốt Frantisek Moravec hồi hương xuất hiện con cháu ông từ năm 2020. Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19 nên mất nhiều thời gian để thực hiện hơn so với dự kiến ban đầu. Mặt khác, âu cũng là một sự trùng hợp mà việc hồi hương di cốt của Tướng Moravec lại trùng với kỷ niệm 80 năm ngày diễn ra Chiến dịch Anthropoid, một chiến dịch mà ông là một trong các kiến trúc sư chính”.

Chân dung Frantisek Moravec (người đầu tiên bên phải).

Chân dung Frantisek Moravec (người đầu tiên bên phải).

Từ lính lê dương trở thành sĩ quan tình báo

Frantisek Moravec chào đời vào ngày 23/7/1895, ông là con cả trong gia đình có 10 người con, cha mẹ là quan chức địa phương ở nơi mà ngày đó thuộc lãnh thổ Áo - Hung. Thông minh từ nhỏ, Moravec bắt đầu tham gia các khóa học ngữ văn tại Đại học Charles vào năm 1913, chú trọng vào tiếng Pháp và tiếng Latinh trước khi đi lính cho quân đội Áo - Hung khi Thế chiến I bùng nổ. Sử gia Prokop Tomek từ Viện Sử học quân sự ở Prague, phát biểu: “Sau khi được gửi tới Mặt trận phía Đông vào tháng 1/1916, Frantisek Moravec vượt qua chiến tuyến để đổi phe.

Ông Moravec kinh qua sự nghiệp trong phong trào kháng chiến thời Thế chiến I (khi đó Séc là một phần của đế quốc Áo - Hung). Đầu tiên ông trở thành thành viên của Quân đoàn Serbia ở Odessa năm 1916. Ông chiến đấu anh dũng trên các chiến trường Romania và Macedonia. Năm 1918, Moravec được điều chuyển sang quân đoàn Tiệp Khắc ở Pháp và cùng năm đó ông cũng theo quân đoàn sang Ý. Moravec hoàn thành vai trò chiến đấu năng nổ ở Slovakia năm 1919, theo sau các chiến dịch chống lại Hungary”.

Tại thời điểm này, Moravec đã là một người lính lão làng với thâm niên 4 năm chiến đấu tích cực. Ông quyết định không học lên cao nữa mà thay vào đó phục vụ trong các lực lượng vũ trang non trẻ mới được thành lập của Cộng hòa Tiệp Khắc trong tư cách sĩ quan. Sử gia Prokop Tomek nhấn mạnh: “Cho đến cuối thập niên 1920, Moravec đã trở thành sĩ quan tình báo. Hành trình trở thành giám đốc tình báo quân sự của Frantisek Moravec khá dài. Năm 1929, ông gia nhập quân đội sau khi học Đại học chiến tranh ở Prague, nên đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trước khi đảm nhiệm chức vụ này”. Có một chi tiết thú vị là Moravec nhập ngũ 3 năm sau khi có một người cùng tên với ông nhưng không liên quan là Emanuel Moravec (người mà sau này trở thành cộng tác viên chính của quân chiếm đóng Đức Quốc xã (ĐQX) trong suốt Thế chiến II).

Trong cuốn hồi ký mang tên “Bậc thầy gián điệp” được chấp bút vào những năm tháng cuối đời, tác giả Frantisek Moravec viết: “Khi đọc sổ quỹ tiền mặt, tôi thấy có nhiều mục thanh toán cho những người chỉ điểm được đánh các ký tự X-14, Y-34, V-19…, nhưng tôi không tìm thấy báo cáo nào từ những người này. Những cuộc điều tra xa hơn hé lộ rằng các biên lai được làm giả bởi người đứng đầu bộ phận thay mặt cho Thiếu tá Havel. Anh ta là Thiếu tá Emanuel Moravec, họ giống hệt tôi. Phát hiện này là thứ đầu tiên trong một loạt những tiếp xúc khó chịu mà tôi đã trải qua trong tương lai tại vùng đất Tiệp Khắc này”.

Thỏa thuận Munich

Suốt thập niên 1930, Frantisek Moravec đã hoạt động trong cơ quan tình báo quân đội Tiệp Khắc và cùng với đội của mình dường như đã đạt được một số thành công trong việc thu thập thông tin về những kế hoạch tương lai của ĐQX. Trong thời gian đó, người cung cấp thông tin nổi tiếng của Tiệp Khắc là điệp viên A-54 - người mà ông Moravec dành trọn một chương trong cuốn tự truyện của mình. Năm 1937, lần đầu tiên Moravec đã giới thiệu về nguồn cung tình báo này khi ông nhận được một chiếc phong bì dày màu xanh lam tại văn phòng của mình, trong đó có lời đề nghị cung cấp một loạt các kế hoạch cơ động và phòng thủ của người Đức, cũng như cách ông nhớ lại trong hồi ký của mình: “Nhìn bề ngoài, lời đề nghị có vẻ cung cấp một số các bí mật quan trọng của nền Đệ Tam mà tổ chức của chúng tôi đang cố gắng hết sức, có kết quả ít ỏi trong nhiều trường hợp. Quy mô của lời đề nghị là chưa từng có tiền lệ”.

Trong hồi ký của mình, ông Moravec nhấn mạnh: “Nếu thông tin được cung cấp như đã liệt kê thì đó sẽ là một cuộc đảo chính tình báo tuyệt đối. Mặt khác, trông nó có vẻ tốt đẹp để tin là thực”. Sử gia Prokop Tomek phát biểu rằng ông vẫn chưa rõ liệu nguồn tình báo từ điệp viên A-54 cung cấp có hữu dụng hay không, như cách ông phân tích: “A-54 là một huyền thoại. Tên thật của ông ấy là Paul Thummel. Ông đã đề nghị được phụng sự cho tình báo quân đội Tiệp Khắc từ năm 1936. Trước đó ông gia nhập đảng Quốc xã. Kể từ năm 1933, Thummel cũng là thành viên của Cục Phản gián Đức (Abwehr) và hoạt động chống lại Tiệp Khắc. Không rõ động cơ của Thummel khi hợp tác với Cục Tình báo Tiệp Khắc là như thế nào. Có lẽ vì tiền hoặc ông mất niềm tin vào chế độ ĐQX. Lợi ích tổng thể của Thummel với Tiệp Khắc là trái ngược nhau, bởi vì thông tin mà ông cung cấp là sự kết hợp của các thông tin tình báo có giá trị cũng như những bịa đặt, dối trá”.

Sử gia Prokop Tomek chỉ rõ: “Một số lần Thummel không thông báo về những mối đe dọa quan trọng cho Tiệp Khắc. Trong chiến tranh, Thummel bị ĐQX phát giác, bị điều tra và giam giữ ở Terezin cho đến cuối chiến tranh. Cuối cùng ông ấy bị xử tử vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến. Tôi nghĩ căn bản ông ấy là điệp viên kép”. Mùa thu 1938, những nỗ lực của Frantisek Moravec và đội tình báo của ông đã bị giáng một đòn chí mạng trong cái gọi là Thỏa thuận Munich, nơi Đức, Ý, Pháp và Anh cùng nhất trí rằng Tiệp Khắc sẽ nhượng lại những khu vực biên giới phía Tây (thường được gọi là Sudetenland) cho Đức. Thỏa thuận này bị phía Tiệp Khắc cho là sự phản bội vì nước này có liên minh chính thức với Pháp và những kế hoạch phòng thủ của họ phụ thuộc vào các công sự được xây dựng chính xác tại những vùng núi non suốt thập niên 1930.

Quyết định nhượng bộ trước các cường quốc Châu Âu đã được Tổng thống Tiệp Khắc khi đó là Edvard Benes, người bị ép phải từ chức chỉ vài ngày sau đó. Sử gia Prokop Tomek cho rằng có rất ít thông tin cụ thể liên quan đến cảm xúc cá nhân của Moravec trong cuộc khủng hoảng Munich. Ông Tomek giải thích: “Thỏa thuận Munich đã phá hỏng hoàn toàn mọi kế hoạch phòng thủ của Tiệp Khắc cũng như những nỗ lực tình báo trước đó mà Moravec đã nhúng tay vào. Sau khủng hoảng Munich, dưới áp lực của Đức, cơ quan tình báo Tiệp Khắc đã có những thay đổi và Moravec trở thành người đứng đầu bộ phận tình báo quân đội ngay tháng 1/1939. Trong tháng 3/1939, Moravec nhận tin tình báo từ mối đe dọa của Đức, có lẽ là từ Paul Thummel (A-54), nhưng cũng còn từ các sĩ quan khác hoạt động ở nước ngoài. Moravac đã cảnh báo tổng hành dinh Tiệp Khắc về việc chiếm đóng và cố gắng chống lại nó”.

Nhận thức được cuộc xâm lăng sắp xảy ra từ Đức, Moravec đã đào tẩu khỏi Tiệp Khắc cùng với vài quan chức tình báo khác bằng máy bay trực chỉ nước Anh. Nhóm điệp viên này mang theo nhiều tài liệu quan trọng mà họ đã lấy được thông qua hoạt động tình báo của mình từ các năm trước đó, cũng như mang theo một mạng lưới liên lạc có giá trị.

Frantisek Moravec với vợ của mình.

Frantisek Moravec với vợ của mình.

Hoạt động tình báo lưu vong

Sử gia Prokop Tomek khẳng định việc Moravec di cư sang Anh là một bước đi quan trọng đối với cuộc chiến tương lai vì sự tồn tại của Tiệp Khắc: “Thực tế nhiệm vụ của ông ấy là hành động đầu tiên trong cuộc chiến sắp tới. Khi tới London, Moravec đã đề nghị phục vụ cho cựu Tổng thống Tiệp Khắc, Edvard Benes. Thời đó, Benes chỉ là một người sống khá kín đáo ở Mỹ. Có thể nói Moravec là người lính đầu tiên của Benes. Năm 1939, việc khôi phục Tiệp Khắc chỉ là một giấc mơ. Frantisek Moravec làm nhiều thứ để biến giấc mơ thành sự thật”.

Niềm tin vào Benes của Moravec và sự đóng góp của ông vào cái gọi là “Phong trào kháng chiến thứ 2” tại quê hương trong thời kỳ chiếm đóng của ĐQX mà sau này được đưa vào một tập trong loạt phim truyền hình “Thế kỷ Séc” công chiếu năm 2013 trên đài truyền hình Séc, trong đó tập trung công tác chuẩn bị cho chiến dịch Anthropoid: ám sát Reinhard Heydrich, quan chức ĐQX cao nhất ở Bohemia thời kỳ đó.

Sử gia Prokop Tomek phát biểu: “Chiến dịch Anthropoid chắc chắn là ý tưởng của Moravec” khi chỉ ra việc Frantisek Moravec là nhân tố chính trong các khâu huấn luyện và vận chuyển đội lính dù thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên, theo sử gia Tomek thì Moravec cũng là thủ lĩnh của nhiều nhiệm vụ lính dù được bí mật thực hiện trong lãnh thổ ĐQX chiếm đóng ở Bohemia và Moravia trong chiến tranh.

Sử gia Prokop Tomek giải thích: “Có hàng chục lượt lính dù được cử về Tiệp Khắc nhằm liên lạc với phong trào kháng chiến trong nước, tổ chức khởi nghĩa và du kích chống ngoại xâm. Một số lính dù trong nhiệm vụ này cũng tham gia chiến đấu trong cuộc khởi nghĩa Prague vào tháng 5/1945. Cơ quan tình báo quân đội của Moravec cũng thu thập thông tin tình báo giá trị thông qua nhiều nhiệm vụ gọi là “các nước trung lập thứ 3”. Những nhiệm vụ của ông đã mở rộng và kéo dài tới tận cuối chiến tranh”.

Sống cuộc đời tị nạn

Sau khi dẫn đầu các hoạt động tình báo thời chiến của chính phủ Tiệp Khắc lưu vong, Frantisek Moravec quay lại Tiệp Khắc với cấp bậc chuẩn tướng vào năm 1945. Khi đó ông vừa bước sang tuổi 50. Sau giải phóng, Moravec bị gạt ra ngoài lề và năm 1948, Moravec rời Tiệp Khắc lần 2 mang theo chút ít đồ đạc bên mình bao gồm Huân chương đế quốc Anh cùng một bằng khen của Quân đoàn Hoa Kỳ. Sử gia Tomek nhấn mạnh việc ông Moravec ở lại Mỹ một thời gian ngắn trước khi quay về Châu Âu, lần này là CHLB Đức nhằm dẫn đầu một nhóm tình báo cho các hoạt động ở Tiệp Khắc dưới sự hậu thuẫn của CIA.

Sử gia Tomek khẳng định: “Đây là giải pháp nhằm xây dựng một mạng lưới tình báo ở Tiệp Khắc và thu thập thông tin cho phương Tây”. Moravec vẫn tích cực hoạt động trong vai trò này cho đến giữa thập niên 1950 sau khi ông chuyển sang Mỹ. Sau đó ông làm cố vấn cho Lầu Năm Góc cho đến khi qua đời vào năm 1966, thọ 71 tuổi. Sử gia Prokop Tomek nói rằng Frantisek Moravec vẫn là một nhân vật được đánh giá cao ở quê nhà Cáslav, nơi ông được tái an táng, cũng như trong các cơ quan tình báo Séc đương đại nơi ông được xem là kiểu mẫu cho truyền thống dân chủ tốt đẹp, lòng ái quốc và nghĩa vụ quân sự.

Thay cho lời kết, sử gia Tomek quả quyết: “Xét về di sản, Moravec là một huyền thoại. Ông đã tích cực tham gia cả ba phong trào kháng chiến của Tiệp Khắc trong suốt thế kỷ 20. Ông ấy còn là hiện thân của lịch sử thế kỷ 20 vốn rất phức tạp trên đất nước Tiệp Khắc chúng ta”.

Phan Bình (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/so-phan-khac-nghiet-cua-frantisek-moravec-i721605/