'Số phận' kinh tế Afghanistan sẽ thế nào dưới sự cai trị của Taliban?

Cựu Giám đốc ngân hàng trung ương Afghanistan Ajmal Ahmady nhận định, tương lai kinh tế của đất nước dưới sự cai trị của Taliban có vẻ ảm đạm với giá thực phẩm tăng vọt, tiền mặt có hạn và một lượng lớn người tị nạn.

Người dân chen chúc để được vào Ngân hàng Azizi ở Kabul. Các dấu hiệu của căng thẳng kinh tế đã rõ ràng khi giá trị đồng tiền của Afghanistan giảm xuống mức thấp kỷ lục. (Nguồn: Kiana Hayeri/The New York Times).

Người dân chen chúc để được vào Ngân hàng Azizi ở Kabul. Các dấu hiệu của căng thẳng kinh tế đã rõ ràng khi giá trị đồng tiền của Afghanistan giảm xuống mức thấp kỷ lục. (Nguồn: Kiana Hayeri/The New York Times).

Ông Ajmal Ahmady cho hay, Afghanistan không may đã phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng như đại dịch Covid-19, xung đột và hạn hán. Trên hết, sẽ có khó khăn về kinh tế và đối với người dân Afghanistan, điều này rất khó đối phó.

Cựu Giám đốc Ahmady dự đoán, Taliban sẽ gặp khó khăn trong việc quản lý và hoạch định chính sách kinh tế.

Ông nói: "Họ không nói rõ chương trình nghị sự chính sách của họ là gì, cũng không rõ ai sẽ là người điều hành chương trình nghị sự kinh tế. Tôi nghĩ rằng họ sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức và họ sẽ phải nhanh chóng tìm cách giải quyết”.

Lạm phát, thiếu hụt tiền mặt

Vấn đề tài chính cấp bách nhất là quốc gia này về cơ bản đã cạn kiệt USD - một thảm họa đối với một quốc gia đang thâm hụt thương mại rất lớn như Afghanistan.

Bên cạnh đó, các nhà cầm quyền Taliban có khả năng sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng, với phần lớn dự trữ ngoại tệ không thể tiếp cận được và các nhà tài trợ phương Tây - những người tài trợ cho các tổ chức của Afghanistan khoảng 75% kinh phí đã cắt hoặc đe dọa cắt giảm các khoản chi.

Hiện tại, chính quyền Tổng thống Joe Biden đóng băng toàn bộ dự trữ của chính phủ Afghanistan trong các tài khoản ngân hàng của Mỹ để ngăn dòng tiền chảy sang Taliban.

Hơn nữa, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), dưới áp lực từ Mỹ cũng thông báo sẽ không giải ngân 450 triệu USD từ các quỹ đã có kế hoạch chuyển cho Afghanistan trong tuần tới.

Ông Ahmady tiết lộ, Afghanistan có 9 tỷ USD dự trữ ngoại tệ, nhưng không phải bằng tiền mặt ở trong nước. Phần lớn trong khoản dự trữ đó (khoảng 7 tỷ USD) đang được lưu trữ bằng trái phiếu, tài sản và vàng tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Cựu Giám đốc Ahmady cho biết thêm: "Lượng USD mà Ngân hàng trung ương Afghanistan nắm giữ gần như bằng 0 vì quốc gia này không nhận được khoản tiền mặt được chuyển theo kế hoạch do chiến dịch tấn công dồn dập của Taliban vào tuần trước".

Ông Ahmady nhận định, tình trạng này sẽ gây khó khăn về kinh tế cho chế độ mới cũng như người dân Afghanistan. Đồng tiền của Afghanistan sẽ mất giá gây ra lạm phát, làm tổn hại tới người nghèo. Việc tiếp cận những nguồn dự trữ đó có thể sẽ rất phức tạp bởi chính phủ Mỹ đang cân nhắc coi Taliban là một nhóm khủng bố bị trừng phạt.

Theo cựu Giám đốc Ahmady - người từng là cố vấn kinh tế cho cựu Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, Taliban sẽ giảm khả năng tiếp cận dòng tiền.

Ông dự báo: "Sẽ có một sự thắt chặt tài chính, thu nhập thực tế sẽ giảm. Trong trung và dài hạn, bạn sẽ thấy dòng người tị nạn bắt đầu tăng lên".

Những người ở lại Afghanistan có thể gặp khó khăn khi rút tiền ra khỏi ngân hàng.

Một ngày trước khi Kabul rơi vào tay Taliban, ngân hàng trung ương đã giới hạn số tiền mà khách hàng có thể rút từ ngân hàng. Ông Ahmady dự đoán, Taliban sẽ cần tiếp tục các biện pháp kiểm soát vốn này vì áp lực tài chính quá lớn của đất nước.

"Kho báu" khoáng sản được tận dụng ra sao?

Afghanistan sở hữu một lượng lớn khoán sản chưa được khai thác. Năm 2010, các quan chức quân sự và nhà địa chất Mỹ ước tính, nước này đang nằm trên các mỏ khoáng sản trị giá gần 1.000 tỷ USD, bao gồm sắt, vàng, đồng, khoáng chất đất hiếm và một trong những mỏ lithium lớn nhất thế giới - một thành phần quan trọng đối với xe điện.

Trong nhiều năm, đã có hy vọng rằng, các khoáng sản tự nhiên của Afghanistan có thể làm thay đổi bộ mặt cho quốc gia nghèo nhất hành tinh. Nhưng ông Ahmady không nghĩ rằng, tình hình ảm đạm này sẽ thay đổi dưới sự quản lý của Taliban. Ông cho rằng, “thật khó để mong đợi, tài nguyên khoáng sản sẽ được khai thác triệt để".

Một số nhà phân tích cho rằng, sự sụp đổ của chính phủ do Mỹ hậu thuẫn ở Kabul sẽ tạo ra cơ hội cho Trung Quốc. Ông Ahmady nhấn mạnh: "Tôi không tin Trung Quốc sẽ đổ hàng tỷ USD vào các dự án khai thác ở Afghanistan ngay bây giờ. Nhưng có lẽ đây là cơ hội cho Trung Quốc trong 5-20 năm tới".

(theo CNN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/so-phan-kinh-te-afghanistan-se-the-nao-duoi-su-cai-tri-cua-taliban-155956.html