Số phận long đong của một ca khúc để đời

Kể từ lần tái xuất năm 1994 với giọng ca Hồng Nhung, đến nay, 'Có phải em mùa thu Hà Nội' vẫn được xem là một trong những ca khúc hay nhất về Hà Nội. Song ít người biết ca khúc nổi tiếng này, cũng như tác giả bài thơ cùng tên và người nhạc sĩ đã 'chắp cánh' cho nó, lại có số phận khá long đong.

Hồng Nhung là một trong những ca sĩ thể hiện thành công bài hát “Có phải em mùa thu Hà Nội”.

Tác giả bài thơ là Tô Như Châu, tên thật là Đặng Hữu Có, sinh năm 1934 tại Đà Nẵng. Đầu những năm 1970, nhà thơ sống tại khu vực An Hải, Sơn Trà, gần một xóm người Bắc di cư. Tình cờ gặp một cô gái Hà Nội xinh đẹp, dịu dàng, trái tim thi sĩ đã rung động, để rồi bài thơ “Có phải em mùa thu Hà Nội” ra đời trong một đêm tháng 8-1970. Dù tác giả chưa hề ra Bắc nhưng không gian Hà Nội xưa hiện lên huyền ảo, sống động qua những vần thơ tuyệt tác:

“Tháng tám mùa thu
Lá khởi vàng chưa nhỉ
Từ độ vào thu
Thương nhớ âm thầm
Chiều vào thu nghe lời ru gió
Nắng vàng lơ lửng ngoài hiên
Mắt nai đen mùa thu Hà Nội
Nghe lòng ấm lại tuổi phong sương

May mà có em cho đường phố vui
May còn chút em trang sức sông Hồng
Một sáng vào thu bềnh bồng hương cốm
Đường Cổ Ngư xưa bắt bước phiêu bồng...”.

Năm 1972, trong một lần gặp nhạc sĩ Trần Quang Lộc, Tô Như Châu mang bài thơ ra “khoe”. Những trang thơ thấm đẫm chất Hà Nội vừa lãng mạn quyến rũ vừa mang âm hưởng hào hùng khiến nhạc sĩ sửng sốt, để rồi ông chắt lọc những vần thơ tinh túy nhất thành một nhạc phẩm để đời. Bài hát được ra mắt bởi giọng ca Thái Thanh và mau chóng chiếm được cảm tình của công chúng, nhưng sau đó bị chính quyền Sài Gòn cấm phổ biến vì gợi nhắc đến “mùa thu tháng Tám”.

Sau ngày miền Nam giải phóng, Tô Như Châu làm nghề phát hành báo ở Đà Nẵng. Mối tình đơn phương chết dần trong ký ức xa xôi. Bài thơ và bài hát cùng tên bị rơi vào quên lãng trong suốt hơn 2 thập niên. Thật may, khi phối khí album “Chợt nghe em hát” (năm 1994, gồm các tình khúc của nhạc sĩ Trần Quang Lộc và Lã Văn Cường), nhạc sĩ Đức Trí đã đề nghị bổ sung “Có phải em mùa thu Hà Nội”. Nhờ thế mà bài hát được trở lại đời sống âm nhạc, được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Kể từ đó cho đến nay, “Có phải em mùa thu Hà Nội” luôn được đánh giá là một trong những ca khúc hay nhất về Hà Nội.

Có một thực tế là tác giả bài thơ và người phổ nhạc ca khúc này đều có cuộc đời khá lận đận, đặc biệt là dù rất mong ước nhưng cả hai người đều chưa từng một lần được đặt chân đến Hà Nội. Mãi gần cuối đời Tô Như Châu mới có điều kiện để in tập thơ riêng “Có phải em mùa thu Hà Nội” (NXB Đà Nẵng). Ông mất năm 2002 tại Đà Nẵng sau cơn bạo bệnh. Còn Trần Quang Lộc, dù nổi tiếng với nhiều tình khúc “Về đây nghe em”, “Có phải em mùa thu Hà Nội”, “Chợt nghe em hát”... nhưng cuộc sống cũng không mấy khá giả. Những năm cuối đời, nhạc sĩ chuyển về thành phố Bà Rịa, kiếm sống bằng nghề dạy nhạc. Sau những năm tháng vật lộn với căn bệnh ung thư, ông đã tạ thế ngày 7-6-2020.

Cảnh Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giai-tri/1015781/so-phan-long-dong-cua-mot-ca-khuc-de-doi