Số phận người châu Á đầu tiên thám hiểm Nam Cực
Ông Nobu Shirase rời Nhật Bản vào năm 1910, vào thời điểm rất ít người làm vậy, và trở thành người đầu tiên ngoài châu Âu khám phá Nam Cực. Sau một thời gian dài bị quên lãng, thành tựu của ông cuối cùng cũng được ghi nhận.
Mùa hè ở Nam bán cầu đang đến gần, cùng với nó là kỷ niệm 110 năm một trong những cuộc thi gay cấn nhất hành tinh. Hai người đàn ông đã đi vào lịch sử. Ông Roald Amundsen (người Na Uy) trở thành người đầu tiên đến Nam Cực ngày 14/12/1911. Đối thủ của ông Robert Falcon Scott (người Anh) đến nơi vào ngày 17/1/1912, 34 ngày sau và thiệt mạng trên đường về. Cuộc đua đến cực Nam của họ đã truyền cảm hứng cho nhiều cuốn sách và bộ phim. Họ trở nên bất tử nhờ những cơ sở khoa học ở vùng cực được đặt theo tên họ.
Nhưng họ có một đối thủ cạnh tranh, người không được ca ngợi thời bấy giờ, nhưng hiện câu chuyện của ông được khôi phục lại. Đất nước quê hương ông đã từng không thiện cảm với mục tiêu của ông. Trên thực tế, ông bị coi là lập dị và thậm chí là không yêu nước.
Nobu Shirase sinh năm 1861 ở thành phố Konoura (nay là Nikaho), Nhật Bản. Vào thời điểm đó, triều đại thống trị của Nhật Bản - Mạc phủ Tokugawa cấm mọi người rời khỏi quê cha đất tổ. Nếu cố làm vậy và bị bắt sẽ bị xử tử. Khi Mạc phủ bị lật đổ vào năm 1868 sau cuộc nội chiến Boshin và Nhật Bản dần dần bắt đầu hiện đại hóa dưới triều đại Minh Trị, đạo luật đã bị bãi bỏ nhưng vẫn rất ít người Nhật rời bỏ quê hương của mình. Ông Shirase là một ngoại lệ.
Sau khi phục vụ trong quân đội ở Bắc Cực Alaska năm 1893, ông đã phát triển niềm đam mê bền bỉ cho việc khám phá và nghiên cứu vùng cực. Vào tháng 1 năm 1910, ông Shirase trình kế hoạch của mình trước Quốc hội Hoàng gia Nhật Bản. Ông hứa sẽ giương cao lá cờ Nhật Bản ở cực Nam trong vòng ba năm. Với thái độ hoàn toàn xa lạ với khái niệm khám phá địa lý, các quan chức không thấy ấn tượng. Họ không hiểu được mục đích của việc này.
Không nản lòng, ông Shirase bắt đầu chuẩn bị. Thời gian ở Alaska ông đã làm quen với lối sống thiếu thốn. Ông từ chối sưởi ấm nhà của mình và tránh xa thức ăn và đồ uống nóng, rượu và thuốc lá. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của ông là thời gian và tiền bạc. Nhận thấy chính phủ sẽ không tài trợ cho mình, Shirase bắt đầu giới thiệu nhiệm vụ của mình cho công chúng như một sứ mệnh khoa học, tương tự như hoạt động gây quỹ của ông Scott ở Anh.
Mặc dù báo chí Nhật Bản chế nhạo, nhưng ông Shirase thu hút được sự quan tâm của cựu thủ tướng Shigenobu Okuma, người đã tài trợ ông, thêm khoản đóng góp nhỏ từ các sinh viên.
Nhưng Shirase đã bị chậm chân. Hai ông Amundsen và Scott đều đã lên đường đến Nam Cực vào giữa năm 1910. Tàu đánh cá đã được cải tiến của ông Shirase, mang tên Kainan Maru (Người tiên phong phía Nam) và đoàn thủy thủ 27 người rời Tokyo ngày 29/11. Được một số ít sinh viên của mình tiễn, ông lên đường sau ông Amundsen tới ba tháng.
Vào tháng 1/1911, ông Amundsen thiết lập căn cứ ở Nam Cực tại Vịnh Cá voi. Cùng tháng đó, ông Scott đến mũi Cape Evans. Cả hai đều có ý định ở lại trong suốt mùa đông Nam Cực, nghiên cứu lục địa và đến cực vào mùa hè năm sau.
Shirase định làm điều tương tự nhưng sự chậm trễ ban đầu của ông cộng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt khiến ông đến quá muộn, vào tháng 3/1911. Vào tháng 3, biển đã đóng băng và những cơn bão khiến ông Shirase không thể đổ bộ vào đất liền.
Chán nản, ông Shirase phải trở về Sydney để ngồi đợi mùa đông qua. Tin tức đã đến Úc từ New Zealand, nơi Shirase đã cập bến trước khi đến Nam Cực rằng đoàn tàu của ông không có sự trang bị và chuẩn bị kỹ lưỡng. Ông Robert Headland, một cộng sự cấp cao chuyên về địa lý địa cực tại Viện nghiên cứu Địa cực Scott của Đại học Cambridge cho biết: “Theo các tiêu chuẩn hiện đại, đoàn thám hiểm không hề được trang bị đầy đủ”.
Người Úc cũng có nhiều nghi ngờ. Ông Shirase có phải là một nhà thám hiểm thực sự, hay sau những chiến thắng Trung Quốc và Nga gần thời điểm này của Nhật Bản, đang làm một cuộc chinh phục mới? Chắc chắn nhiều người Úc đã thận trọng trước sự hiện diện của đoàn thủy thủ. “Sự dè chừng Nhật Bản đang tăng cao ở cả châu Âu và Úc. Đất nước đang phát triển quân sự, và những người bên ngoài không biết gì về Nhật Bản”, ông Headland nhận định. Với những điều này, có lẽ không có gì lạ khi đoàn của ông Shirase bị đối xử như những kẻ xâm nhập ở Sydney.
Lo sợ về tình trạng ít tiền và thức ăn, đoàn thủy thủ sống ẩn dật cho đến khi nhà địa chất học người Úc Tannatt Edgeworth David của Đại học Sydney quyết định ủng hộ ông Shirase trên báo chí Úc. Cuối cùng thì đoàn cũng đã có thể rời khỏi con tàu của họ, dựng những túp lều trên đất liền nhờ ông David. Ông Shirase đã thể hiện lòng biết ơn của mình bằng cách tặng cho ông David thanh kiếm samurai của mình - hiện nó đang ở trong Bảo tàng Úc.
Bất chấp nạn phân biệt chủng tộc và sự hoài nghi, ông Shirase tuyên bố sẽ trở lại Nam Cực vào mùa xuân, khởi hành đến cực vào giữa tháng 9 và quay trở lại vào cuối tháng 2, một hành trình kéo dài hơn 1.400km. Ông lên đường vào ngày 19/11, đến Nam Cực - gần Dãy núi Admiralty vào đầu tháng 1 năm 1912. Chiếc tàu Kianan Maru băng qua Biển Ross, đi qua gần căn cứ của ông Amundsen, trước khi tiến vào đất liền gần Ross Ice Shelf. Ông đã trở thành người Nhật Bản đầu tiên đặt chân lên lục địa phía nam.
Nhưng một lần nữa không may, thời tiết lại chuyển xấu. Đoàn thám hiểm vượt qua hết trận bão tuyết này đến trận bão tuyết khác trước khi phải dựng lều trú ẩn. Họ bị tê cóng và vào ngày 28/1, ông Shirase quyết định không còn lựa chọn nào khác ngoài việc quay về nhà. Họ giương cao lá cờ Nhật Bản, chào, chôn một chiếc hộp đồng có ghi chi tiết cuộc hành trình của họ và lên đường trở về. Vào ngày 3/2, chỉ 18 ngày sau khi đến nơi, họ lên đường trở về Tokyo.
Khi trở về Tokyo vào tháng 6, ông đã được coi như một anh hùng. Những bạn sinh viên ủng hộ đã ca ngợi nỗ lực của ông và dư luận đã thay đổi phần nào. Nhưng rồi tin tức bắt đầu xuất hiện về việc ông bị ông Amundsen đánh bại, rằng nhiệm vụ của ông bắt đầu muộn, có sự chuẩn bị kém, và ông chỉ ở lại Nam Cực một thời gian ngắn. Sự hứng thú của công chúng giảm dần.
Shirase đã biết trước số phận của mình trước khi quay lại, theo như nhật kí của ông. Nhật Bản vào đầu thế kỷ 20 là một xã hội coi thất bại đồng nghĩa với sự nhục nhã. Một nhiệm vụ mà bị chính quyền coi là điên rồ và vô nghĩa đồng nghĩa với việc ông Shirase sẽ sống cả đời không nhận được sự ghi nhận mà ông xứng đáng.
Tồi tệ hơn, nhà tài trợ một thời của ông Shirase, ông Okuma, đã quay lưng lại và từ chối chi trả các hóa đơn. Cuộc thám hiểm đã gánh những khoản nợ khổng lồ. Cuốn hồi ký của ông, được viết vào năm 1913, không bán được số lượng ông mong đợi, cũng như những thước phim quay lại hành trình. Ông không còn đủ khả năng mua nhà và sống 34 năm còn lại của cuộc đời với người vợ tên Yasu trong sự nhạt nhòa. Ông qua đời ở tuổi 85 vào năm 1946 trong một căn hộ phía trên một cửa hàng bán cá ở thành phố Toyota.
Ban đầu, sứ mệnh của ông gần như không được ai biết đến bên ngoài Nhật Bản. Nhưng vào năm 1933, bản tường thuật bằng tiếng Anh đầu tiên về hành trình của ông đã được xuất bản trên Tạp chí Địa lý (The Geographical Journal của Anh) và khi Viện Nghiên cứu Địa cực Nhật Bản được thành lập vào cùng năm đó, ông đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch danh dự.
Khi ông qua đời, Nhật Bản và cộng đồng nghiên cứu vùng cực quốc tế cuối cùng cũng bắt đầu khôi phục danh tiếng ông Shirase. Bà Naomi Boneham, quản lý lưu trữ tại Viện nghiên cứu Địa cực Scott, chỉ ra rằng chỉ mới 10 năm trước (2012), cuốn hồi ký kể lại chi tiết chuyến thám hiểm của ông Shirase mới được dịch sang tiếng Anh.
Ông Shirase đã đi Nam Cực với ngân sách chỉ bằng một phần nhỏ so với các đối thủ của mình, một con tàu có kích thước bằng một nửa. Và không giống như họ, đây là chuyến đi đầu tiên của ông đến vùng cực Nam. Hai người châu Âu nói trên đã có sự chuẩn bị và thăm dò một số lần trước khi họ đến được cực Nam.
Phải mất một thời gian dài, nhưng ông Shirase đã bắt đầu nhận được sự công nhận mà ông xứng đáng. “Ông Shirase có phần hơi lập dị, nhưng ông ấy vô cùng tâm huyết. Ông đã nghiên cứu về Nam Cực trước khi thực hiện sứ mệnh của mình. Nam Cực lúc đó là một lục địa hoàn toàn chưa được biết đến thời bấy giờ”, ông Headland giải thích.
Chắc chắn, nhà thám hiểm sẽ rất vui nếu biết rằng con tàu nghiên cứu Nam Cực của Nhật Bản được đặt tên là Shirase, và một số địa danh trên lục địa này được đặt theo tên ông, bao gồm cả đường bờ biển phía đông mà ông là người đầu tiên khám phá ra. Ở Nikaho, quê hương của ông, có một bức tượng và một viện bảo tàng được xây dựng để tuyên dương cuộc đời và hành trình của ông.
Vào ngày 28 tháng 1 hàng năm, ngày ông Shirase đến điểm xa nhất ở phía nam trong hành trình của mình, bảo tàng sẽ tổ chức Walk in the Snow (Đi bộ trên tuyết), một sự kiện tưởng nhớ vị trung úy quân đội đã trở thành nhà thám hiểm vùng cực đầu tiên của Nhật Bản, của châu Á và những vùng còn lại ngoài châu Âu.