Số phận những cổ phiếu âm dòng tiền: IDI xay tiền - ướp cá tra

Việc gia tăng lượng hàng tồn kho, đặc biệt trong bối cảnh mặt hàng tỷ đô này bị xuất khẩu chậm lại đã đẩy dòng tiền hoạt động kinh doanh của IDI âm kỷ lục lên 515 tỷ đồng chỉ trong quý I/2020.

Bài liên quan

Cổ phiếu Nam Sông Hậu (PSH): Dòng tiền kinh doanh âm, cổ phiếu vẫn…tăng kịch trần?

Doanh nghiệp âm dòng tiền: Nhìn mặt để bắt hình dong

Dòng tiền âm kỷ lục

Trên thị trường ngành cá tra đang gặp khó, khó ở thị trường xuất khẩu và khó ngay cả ở thị trường nội địa vì mặt hàng vốn được xem là tỷ đô này vốn không nằm trong thực đơn tiêu dùng của người Việt Nam.
Đó cũng là lý do mà sau 2 năm có kết quả dương, sang năm 2019, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (HĐKD) của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đa quốc gia I.D.I (IDI) bất ngờ âm 156 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính đến từ việc gia tăng lượng hàng tồn kho lên 77%, từ 805 tỷ đồng lên 1.428 tỷ đồng (tăng 622 tỷ đồng).

Đóng gói sản phẩm cá tra fillet của công ty IDI

Theo đó, mặc dù doanh thu tăng 22% lên 7.731 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế của IDI lại giảm hơn một nửa so với cùng kỳ 2018, xuống còn 352 tỷ đồng. Lý do giá vốn hàng bán tăng 31% và chi phí bán hàng cũng tăng 10%. Bên cạnh đó, khoản mục vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của IDI tăng lên 3.442 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 30% so với cùng kỳ 2018.

Trước áp lực trả nợ vay, tồn kho giá vốn cao và việc mất giá cá tra (ảnh hưởng tới việc xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ) đã khiến tình hình sản xuất kinh doanh của IDI gặp nhiều khó khăn khiến dòng tiền HĐKD mất cân đối, thậm chí là con số âm như năm 2019 vừa qua.

Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, đầu năm 2020, diễn biến của dịch Covid-19 càng tác động đến hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu ngành hàng cá tra Việt Nam, sản lượng giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2019, đạt gần 180.000 tấn.

Các thị trường lớn và trọng điểm của xuất khẩu cá tra của Việt Nam như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản... bị ảnh hưởng nặng. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2020 đạt 334 triệu USD, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Giá sụt giảm quá nhanh khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu phụ thuộc vào các thị trường này như IDI gặp rất nhiều khó khăn, sản xuất cá tra nguyên liệu bị ảnh hưởng trực tiếp khiến tình hình HĐKD của IDI càng “bết bát” hơn. Doanh thu quý I/2020 đạt 1.463 tỷ đồng và lợi nhuận chỉ 15,7 tỷ đồng, lần lượt giảm 21% và 90% so với cùng kỳ 2019.

Đáng chú ý là khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng gần 500 tỷ đồng so với đầu năm, các khoản phải trả tăng 60 tỷ đồng... khiến dòng tiền HĐKD của IDI âm kỷ lục lên 515 tỷ đồng chỉ trong quý I/2020.

IDI cỗ máy xay tiền - ướp cá tra

Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ lên giá cổ phiếu IDI trên thị trường, nhìn chung IDI có biến động trồi sụt theo xu hướng giảm và mất gần 50% thị giá trong năm 2019. Đầu tháng 2/2019, cổ phiếu IDI còn ở giá vùng 7.500 đồng/cổ phiếu, đến cuối năm giá chỉ còn khoảng 5.100 đồng/cổ phiếu.

Sang năm 2020, giá cổ phiếu IDI vẫn trong xu hướng lao dốc và có lúc giảm còn ngang với “cốc trà đá”, thấp nhất xuống dưới 3.000 đồng/cổ phiếu ở thời điểm đầu tháng 4/2020. Hiện tại, giá cổ phiếu IDI đã hồi phục lên trên vùng 4.000 đồng/cổ phiếu nhưng vẫn thấp hơn so với đầu năm.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, kiểm toán, báo cáo lưu chuyển tiền tệ có thể coi là phần quan trọng nhất trong các báo cáo tài chính mà doanh nghiệp công bố. Bởi lẽ, dòng tiền là “dòng máu” duy trì tất cả các hoạt động sản xuất - kinh doanh, là yếu tố sống còn của doanh nghiệp.

Tất nhiên, không phải mọi doanh nghiệp có dòng tiền hoạt động kinh doanh âm đều đáng báo động. Nhưng đối với trường hợp của IDI, nguyên nhân chính khiến dòng tiền âm nằm ở gia tăng lượng hàng tồn kho, nhất là trong bối cảnh khó khăn về đầu ra như hiện tại là rất đáng lo ngại.

Có thể nói, điểm yếu của IDI là cứ vỗ ngực tự hào mặt hàng tỷ USD mà coi thường thị trường nội địa. Do đó đến lúc gặp khó, dù được các Bộ ngành vào cuộc để giải phóng hàng tồn kho nhưng đều thất bại bởi vì cá tra không có trong thực đơn của người Việt Nam nên việc thay đổi thói quen tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh không khó khả thi.

Bên cạnh đó, theo dự báo của các chuyên gia, giá cá tra vẫn sẽ tiếp tục giảm và phụ thuộc vào tình hình Covid-19, chưa kể thói quen của người tiêu dùng ở những thị trường quen thuộc của IDI sẽ thay đổi sau dịch càng đẩy thị phần cá tra xa dần các thị trường xuất khẩu.

Cùng với đó là chi phí vận hàng hàng tồn kho, đặc biệt với mặt hàng đông lạnh như cá tra được ví như “cỗ máy xay tiền” thì xem ra nỗ lực xoay chuyển dòng tiền của IDI càng lao vào vũng xoáy.

Ngọc An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/so-phan-nhung-co-phieu-am-dong-tien-idi-xay-tien--uop-ca-tra-post84670.html