Số phận những kẻ bắt cóc máy bay Nga bay sang Pakistan 30 năm trước
Vụ cướp chiếc máy bay chở khách Tu-154 của Hãng hàng không Aeroflot xảy ra vào ngày 19-8-1990 tại Cộng hòa Sakha của Nga khi đó thuộc Liên Xô. Những kẻ không tặc đã đến được Pakistan và xin tị nạn chính trị, nhưng kết cục lại bi đát.
Dọa làm nổ tung máy bay bằng bom
Hôm đó, chiếc Tu-154 cất cánh từ sân bay ở thành phố Neryungri của Sakha. Ngoài 89 hành khách, trên máy bay còn có 3 nhân viên áp giải và 15 đối tượng - những kẻ giết người, cướp, trộm cắp tài sản… bị giam giữ tại trại tạm giam ở Neryungri, trong đó Konstantin Shatokhin (16 tuổi) - ít tuổi nhất, còn kẻ lớn tuổi nhất là Vladimir Boblov (50 tuổi). Các đối tượng này bị dẫn giải về Yakutsk, thủ phủ của Sakha. Chỉ có 3 nghi phạm bị còng tay.
Khi máy bay đạt độ cao ổn định, Vladimir Yevdokimov (27 tuổi), nghi phạm giết người, cướp tài sản yêu cầu nữ tiếp viên Tatyana Sharfargalieva đưa cho cơ trưởng mảnh giấy ghi thông báo về việc bắt cóc máy bay. Thấy cơ trưởng không tin, tên Andrei Isakov (26 tuổi), kẻ bị bắt về tội tống tiền liền lấy khẩu súng săn cưa nòng ra, chĩa vào nhân viên áp giải - Trung sĩ Sergei Borshch và hét lên rằng máy bay đã bị chiếm giữ.
Viên trung sĩ lập tức chĩa khẩu tiểu liên vào Isakov. Nhưng Yevdokimov yêu cầu 2 nhân viên áp giải kia ngồi im, chỉ vào chiếc túi đựng quả bom giả và dọa làm nổ tung máy bay. Bọn Isakov chuẩn bị “quả bom” này vào đêm 18-8-1990. Trước đó, một quản giáo đã cung cấp cho chúng khẩu súng săn để đổi lấy bộ quần áo thể thao nhập khẩu. Người quản giáo sau đó bị kết án 4 năm tù. Sau khi Igor Suslov (25 tuổi) và đồng bọn lấy được vũ khí của các nhân viên áp giải, Yevdokimov yêu cầu phi công cho máy bay quay trở lại sân bay Neryungri.
Trong quá trình đàm phán với đại diện chính quyền địa phương tại sân bay Neryungri, Isakov đồng ý thả các con tin là người già, phụ nữ, trẻ em và yêu cầu cung cấp vũ khí, áo giáp…, đưa Vladimir Petrov - thủ lĩnh tinh thần của bọn chúng, Sergei Moloshnikov - kẻ tổ chức vụ bắt cóc từ trại tạm giam lên chiếc Tu-154. Ngoài Moloshnikov, Petrov, Yevdokimov, Isakov, những đối tượng còn lại không biết điều gì chờ đợi trong chuyến bay sắp tới.
Sau khi lực lượng an ninh đưa Moloshnikov và Petrov lên máy bay và cấp cho chúng 2 khẩu súng AK, 2 khẩu súng ngắn, 7 áo chống đạn…, 6 đối tượng từ chối ra nước ngoài cùng những con tin là người già, phụ nữ, trẻ em rời khỏi chiếc Tu-154. Chỉ còn 11 tên bắt cóc, 7 thành viên phi hành đoàn và 30 hành khách ở lại trên máy bay để bay sang Pakistan.
Những phạm nhân đã bắt cóc chiếc Tu-154 vào năm 1990
Bị đánh đập và bị cùm chân
Vừa vào không phận Pakistan, 2 chiếc tiêm kích F-16 của nước này đã đuổi kịp. Cơ trưởng của chiếc Tu-154 thông báo cho phi công Pakistan về vụ bắt cóc. Chiếc Tu-154 được phép hạ cánh xuống sân bay Karachi. Sau khi hạ cánh, máy bay bị binh lính Pakistan bao vây dày đặc. Bọn bắt cóc tự nguyện giao nộp vũ khí và xin tị nạn chính trị, nhưng được đưa về nơi giam giữ. Phi hành đoàn sau đó đưa chiếc Tu-154 và hành khách trở về nước.
Tháng 10-1990, Suslov tự sát. Ngày 29-3-1992, 10 đối tượng bị kết án tù chung thân, sau đó đã được giảm án và bị tuyên phạt từ 14 đến 21 năm tù. Năm 1996, tên Sergei Shubenkov cũng tự sát trong trại giam. Boblov bị đau tim do nắng nóng. Tháng 1-1996, Petrov cắt động mạch máu để phản đối điều kiện giam giữ và chết trước khi các bác sĩ đến.
8 tên bắt cóc còn sống được ân xá vào tháng 8-1997. 6 đối tượng gồm cả Moloshnikov và Isakov được trao trả về Nga vào tháng 2-1998. Trước đó, các đối tượng bị tòa án ở Nga kết án vắng mặt 15 năm tù, được tính thời gian đã chấp hành án tại Pakistan. Boblov và Isakov sau đó đã tử vong vào những năm 2000.
Vì sinh ra ở Ukraine, 2 đối tượng Shatokhin và Maxim Levchenko đã ở lại Pakistan. Sau khi phía Ukraine đồng ý không truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lỗi cũ, Shatokhin và Levchenko trở về nước vào tháng 9-2000…