Số phận những người Afghanistan được sơ tán khẩn cấp tới Mỹ
Hàng nghìn người Afghanistan đã đến Mỹ kể từ khi các cuộc sơ tán khẩn cấp từ Kabul bắt đầu vào giữa tháng 8. Trong số này, có nhiều người đã từng làm việc, trợ giúp các lực lượng Mỹ trong suốt 20 năm qua.
Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ có ý định sơ tán 50.000-65.000 người Afghanistan từng hỗ trợ Mỹ trước thời hạn rút quân của vào ngày 31/8 tới. Con số ước tính này có thể bao gồm những người Afghanistan đã nộp đơn xin thị thực nhân đạo được theo chương trình Thị thực nhập cư đặc biệt (SIV), cùng các thành viên gia đình của họ.
Chính phủ Mỹ từ chối tiết lộ có bao nhiêu người Afghanistan đã được đưa đến Mỹ kể từ khi cuộc sơ tán khỏi Kabul bắt đầu cũng như tình trạng nhập cư của những người này.
Chương trình Thị thực nhập cư đặc biệt (SIV) là gì?
SIV dành cho một số người Afghanistan nhất định, là những người đã hỗ trợ lực lượng Mỹ với vai trò phiên dịch viên, biên dịch viên, hay các vai trò khác, cùng những người lo sợ sự trả thù của Taliban - lực lượng tiếp quản thủ đô Kabul hôm 15/8 và hiện đang kiểm soát hầu hết đất nước Afghanistan.
Ước tính có khoảng 5.000 người nộp đơn xin SIV đã được sơ tán khỏi Afghanistan, theo một báo cáo được công bố ngày hôm 25/8 của Hiệp hội Đồng minh Thời chiến, một nhóm ủng hộ những người xin SIV ở Afghanistan và Iraq.
Nhóm này ước tính, vẫn còn khoảng 65.000 người đã nộp đơn xin SIV cùng các thành viên gia đình họ vẫn đang ở Afghanistan.
Những người đã tới Mỹ gồm những đối tượng nào?
Theo Lầu Năm Góc, những người được lên các chuyến bay sơ tán của quân đội Mỹ từ Kabul gồm các công dân Mỹ, thường trú nhân hợp pháp, người Afghanistan nộp đơn xin SIV và những người Afghanistan dễ bị tổn thương khác.
Trong số những người Afghanistan vào Mỹ có những người đã được cấp SIV và có những người mới chỉ đăng ký tham gia chương trình này và chưa được cấp SIV.
Hiệp hội các Đồng minh Thời chiến cho biết, những người Afghanistan khác đến Mỹ có thể là những người xin tị nạn hoặc các hình thức cứu trợ tương tự.
Những người Afghanistan không có giấy tờ nhập cư hợp lệ khi đến Mỹ có thể được phép nhập cảnh trong một thời gian nhất định thông qua chương trình “di dân nhân đạo”.
Chính quyền Tổng thống Biden không tiết lộ có bao nhiêu người Afghanistan đã phép nhập cảnh vào Mỹ theo quy chế này, nhưng theo Hiệp hội Đồng minh Thời chiến, sẽ có rất nhiều người đến Mỹ mà không có thị thực và phải xin nhập cảnh theo chương trình “di dân nhân đạo”.
Điều gì sẽ xảy ra đối với những người Afghanistan sau khi tới Mỹ?
Cho tới nay, các chuyến bay sơ tán từ Kabul về Mỹ đều đã hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Dulles ở Virginia.
Các công dân Mỹ và thường trú nhân hợp pháp có thể về nhà hoặc tới nơi họ muốn sau khi xét nghiệm Covid-19. Những người Afghanistan đủ điều kiện tham gia SIV và những người khác được chuyển đến các căn cứ quân sự của Mỹ ở Virginia, Texas, Wisconsin và New Jersey để chờ các thủ tục tiếp theo.
Tại các căn cứ quân sự này, những người Afghanistan sẽ được kiểm tra sức khỏe và được trợ giúp trong việc xin giấy phép làm việc, cùng với các thủ tục khác. Quá trình hoàn tất thủ tục có thể kéo dài từ một ngày đến một tuần hoặc hơn, một nhân viên tị nạn làm việc tại Fort Lee ở Virginia nói với Reuters.
Sau khi xong xuôi các thủ tục tại các căn cứ quân sự, những người Afghanistan sẽ được kết nối với các tổ chức tái định cư người tị nạn của Mỹ.
Các nhóm này sẽ hỗ trợ những người Afghanistan có thị thực SIV và những người khác về nhà ở, đồ đạc và thực phẩm, đồng thời giúp họ thích nghi với cuộc sống ở Mỹ.
Những người Afghanitsan đến Mỹ phải qua kiểm tra an ninh chặt chẽ
Những người Afghanistan tham gia chương trình SIV phải hoàn thành quy trình đăng ký gồm 14 bước, bao gồm phỏng vấn xin thị thực và kiểm tra an ninh.
Chính quyền Tổng thống Biden nói rằng những người nộp đơn xin SIV đã hoàn tất phần lớn quy trình đăng ký được phép tới Mỹ. Những người chỉ mới đăng ký chương trình này hiện đang được gửi đến các nước thứ ba, bao gồm Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Đức. Ở những nước này, người tị nạn Afghanistan trải qua “quá trình xử lý an ninh chặt chẽ”, quan chức chính quyền cấp cao cho biết.
“Quá trình này bao gồm các cuộc kiểm tra lý lịch, sinh trắc học do các chuyên gia tình báo, lực lượng thực thi pháp luật và chống khủng bố của chúng tôi thực hiện. Các lực lượng này đang làm việc suốt ngày đêm để kiểm tra tất cả những người Afghanistan này trước khi họ được phép vào Mỹ”, quan chức này cho biết.
Chính quyền Biden chưa nêu rõ hình thức kiểm tra nào sẽ được áp dụng với những người Afghanistan tới Mỹ mà chưa đăng ký chương trình SIV.
Các nhóm tái định cư sẽ trợ giúp người tị nạn Afghanistan như thế nào?
Các tổ chức tái định cư người tị nạn của Mỹ thường nhận được chính phủ Mỹ hoặc Liên Hợp Quốc thông báo trước ít nhất 2 tuần để chuẩn bị cho những người mới đến. Tuy nhiên, do việc sơ tán diễn ra gấp rút nên thời gian thông báo trước chỉ còn vài ngày hoặc vài giờ.
Trong khi đó, các cơ quan tái định cư của Mỹ đang tái cơ cấu sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump giảm lượng người tị nạn xuống mức thấp nhất kể từ khi chương trình tiếp nhận người tị nạn của Mỹ bắt đầu vào năm 1980. Nhiều nhóm hỗ trợ phải cắt giảm nhân viên và đóng cửa văn phòng.
Các nhóm ủng hộ người nhập cư và tị nạn của Mỹ đã thúc giục chính quyền Biden nhanh chóng sơ tán những người Afghanistan từ trước khi Taliban tiếp quản thủ đô Kabul, nhưng mọi việc đã không được thực hiện theo đề xuất, khiến việc hỗ trợ hiện nay gặp phải nhiều khó khăn./.