Số phận những phụ nữ 'mất tích' ở Peru

Bạo lực đối với phụ nữ đã là một vấn đề nổi cộm ở Peru, với trung bình khoảng 5 phụ nữ và trẻ em gái được báo cáo mất tích mỗi ngày. Trong năm diễn ra đại dịch Covid-19, gần 12.000 phụ nữ và trẻ em gái mất tích trong 'nạn dịch' chưa lời giải đáp.

Một cuộc biểu tình gần đây ở Tacna, Peru, đòi công lý cho 2 nạn nhân nữ Judith Machaca và Noemí Escobarrecent

Một cuộc biểu tình gần đây ở Tacna, Peru, đòi công lý cho 2 nạn nhân nữ Judith Machaca và Noemí Escobarrecent

Bê bối đường dây buôn người trong giới cảnh sát

Judith Machaca được nhìn thấy lần cuối trên đường đi làm về tại Tacna, miền Nam Peru. Cô sinh viên kỹ thuật môi trường làm việc bán thời gian tại một cửa hàng điện thoại di động thường vẫn gửi tin nhắn nếu về muộn. Tin nhắn cuối cùng được gửi từ điện thoại của Machaca là lúc 11h đêm 28-11-2020. Ngày hôm sau, cha cô trình báo với cảnh sát rằng cô con gái 20 tuổi của ông mất tích. Nhưng cảnh sát đuổi ông về, nói rằng con gái ông có thể đã đi theo bạn trai và sẽ sớm về.

Nhưng Machaca mãi không về. Thấy cảnh sát không quan tâm, gia đình cô đứng bên ngoài đồn cảnh sát phản đối, họ giăng biển ghi “Judith ở đâu?” và “Cảnh sát ỉm việc”. Hai tháng sau, người ta phát hiện ra thi thể của cô sinh viên với tay bị trói sau lưng, nằm bên cạnh xác của Noemí Escobar, 14 tuổi trong một trang trại thuộc về cha mẹ của một sĩ quan cảnh sát.

Vụ việc càng gây phẫn nộ khi có thông tin rằng một thẩm phán địa phương đã thả viên sĩ quan Santiago Paco, nghi phạm liên quan đến cái chết của 2 cô gái. Trong một loạt video đăng tải trên mạng xã hội, Paco đã thú nhận về vụ giết người và nói rằng anh ta chỉ là một phần của một đường dây buôn bán tình dục trong chính đơn vị cảnh sát chịu trách nhiệm điều tra nạn buôn người và mất tích. Tháng 2-2021, Cảnh sát trưởng vùng Tacna, Tướng Segundo Mejía đã chỉ đạo bắt đầu một cuộc điều tra nội bộ. Một đồng nghiệp của Paco đã bị bắt. Khoảng 30 sĩ quan cảnh sát đã được chuyển đến các đơn vị khác trong khi cuộc điều tra vẫn tiếp tục.

Làn sóng bạo lực trong mùa dịch

Judith Machaca chỉ là một trong số nhiều nạn nhân của tình trạng bạo lực nhằm vào phụ nữ và trẻ em gái trên khắp Peru. Sự thờ ơ và bất lực của cảnh sát đối với những vụ phụ nữ mất tích trên khắp Peru đang tạo điều kiện cho làn sóng bạo lực tình dục đang lan rộng khắp đất nước. Nhà chức trách Peru ghi nhận 138 vụ giết phụ nữ vào năm 2020, nhưng trên thực tế, hơn 5.521 phụ nữ đã được ghi nhận trong sổ đăng ký những người mất tích, trong đó 2/3 là trẻ em gái. Eliana Revollar, người đứng đầu bộ phận phụ nữ thuộc Văn phòng thanh tra nhân quyền của Peru cho biết, trong số 138 nạn nhân thiệt mạng năm ngoái, 34 phụ nữ và trẻ em gái trước đó đã được báo cáo là mất tích.

Liên hợp quốc đã gọi làn sóng bạo lực với phụ nữ trên khắp thế giới trong thời gian phong tỏa vì dịch Covid là “đại dịch trong bóng tối”. Peru là một trong những quốc gia Mỹ Latinh bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, với hơn 1,4 triệu ca mắc Covid-19 và gần 49.000 trường hợp tử vong. Khó khăn về kinh tế và hạn chế hoạt động càng làm tăng thêm rủi ro cho phụ nữ. Một báo cáo do các Bộ Tư pháp và phụ nữ của Peru đồng công bố trong tháng 3 này cho thấy, có hơn 23.000 cuộc gọi và tin nhắn tới đường dây nóng về bạo lực gia đình từ tháng 5 đến tháng 10-2020 - gấp đôi con số của cùng kỳ năm trước.

Những tình tiết được cho là xung quanh cái chết của Machaca không gây ngạc nhiên cho Katherine Soto - người sáng lập nhóm Mujeres Desaparecidas, một nhóm vận động cho các gia đình Peru trên mạng xã hội Facebook. Katherine Soto mở ra trang Facebook vào năm 2016 khi một người bạn mất tích, sau đó phát hiện bị sát hại. “Không tìm thấy thi thể, nghĩa là không có tội ác. Trong nhiều vụ mất tích, gia đình nạn nhân không có quyền được biết sự thật, quyền được hưởng công lý”, bà Soto nói. Trên trang Facebook của Soto, gia đình và bạn bè đăng ảnh và thông tin người mất tích để tìm kiếm sự giúp đỡ từ công chúng trong việc tìm kiếm người thân của họ. Nhóm cũng tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho các gia đình. “Luật pháp tồn tại để bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái, nhưng nếu không có hiệu lực thực thi thì đó chỉ là những lời nói suông. Chỉ có hai bản án cho tội giết phụ nữ trong cả năm 2020. Con số 2 tròn trĩnh. Đó không phải là công lý”, bà Revollar nhấn mạnh.

Theo số liệu của Mujeres Desaparecidas (Những phụ nữ mất tích), một nhóm vận động cho các gia đình Peru trên mạng xã hội Facebook, 11.828 phụ nữ và trẻ em gái được cho là mất tích vào năm 2020. Tổ chức này ghi nhận 41.445 phụ nữ và trẻ em gái mất tích kể từ đầu năm 2018 cho đến tháng 2-2021 tại Peru, quốc gia có gần 33 triệu dân.

(Theo Guardian)

Yến Chi

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/so-phan-nhung-phu-nu-mat-tich-o-peru-post461422.antd