Số phận Nord Stream 2 trước bước ngoặt bầu cử ở Đức
Tạp chí Đối ngoại (Foreign Affairs) của Mỹ số ngày 9/4 cho rằng dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 đã trở thành một 'sự đồng thuận hiếm có' ở Washington ngày hôm nay, đó là việc cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa coi đây là dự án đáng ghét nhất. Bài viết đã đưa ra nhiều phân tích cho rằng việc áp đặt các biện pháp trừng phạt không phải là đáp án cho việc ngăn chặn Dòng chảy Phương Bắc 2, mà phải dùng ngoại giao.
Trong tháng Ba, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken gọi đó là “thỏa thuận tồi tệ” và cảnh cáo rằng “bất cứ thực thể nào liên quan đến dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy Phương Bắc 2 đều đối mặt nguy cơ bị Mỹ trừng phạt và phải ngừng ngay lập tức các công việc trong dự án”. Hai Nghị sỹ lãnh đạo Cộng hòa đã viết trên Tạp chí Đối ngoại, thúc giục Tổng thống Joe Biden “đừng chậm chễ nữa”, hãy áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với “tất cả các tàu và các công ty hiện đang làm việc để hoàn thành dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy Phương Bắc”. Dự án hiện đã hoàn thiện 95%, thời gian không còn nhiều thời gian để ngăn cản dự án.
Tuy nhiên, việc thúc đẩy các biện pháp trừng phạt không phải là đáp án. Chỉ có hai chủ thể có thể phá bỏ dự án Dòng chảy Phương Bắc 2: đó là Chính phủ Nga và Chính phủ Đức. Khi Mỹ leo thang các biện pháp trừng phạt dự án, nhiều công ty quốc tế đã rút khỏi dự án. Nếu dự án Dòng chảy Phương Bắc chỉ là một “dự án thương mại” bình thường như phía Đức khẳng định, dự án chắc chắn sẽ bị dừng lại trước nguy cơ các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Chính phủ Đức và Chính phủ Nga đã can thiệp giữ cho dự án tiếp tục. Nga đã tái triển khai tàu lắp đặt đường ống Akademik Cherskiy, điều từ biển Thái Bình Dương tới biển Ban-tích để tăng cường cho dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, thay thế cho một tàu của Thụy Sỹ. Và ở Đức, bang Mecklenburg-Western Pomerania, nơi đường ống dẫn khí đi vào đất liền, đã xây dựng nền móng cho dự án để bảo đảm các nhà thầu Đức không phải chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Nga đang chạy đua để hoàn thành dự án mặc dù đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với tàu lắp đặt đường ống của Nga. Đối với Nga, dự án sẽ tiếp tục tạo đòn bẩy năng lượng đối với EU, khi 40% nguồn cung cấp khí đốt của EU đến từ Nga, đồng thời làm yếu Ucraina - nước đang thu hàng tỷ USD tiền phí đối với xuất khẩu khí đốt của Nga đi qua lãnh thổ Ucraina.
Mỹ chỉ có duy nhất một hy vọng là thuyết phục Đức. Vấn đề đặt ra là làm thế nào. Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Đức liên quan đến dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ gây đau đớn cho các công ty Đức nhưng chưa chắc đảm bảo sẽ thay đổi được chính sách của Đức. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ rất có sức mạnh, vì sẽ ngăn cản các công ty tiếp cận thị trường tài chính của Mỹ, sự tiếp cận này là quan trọng để các công ty hoạt động toàn cầu. Nhưng các biện pháp trừng phạt không thể ngay lập tức ngăn cản các tàu hạ đặt đường ống ở ngoài biển hoặc ngăn cản khí đốt chảy qua đường ống; các biện pháp trừng phạt này có ý nghĩa như một sự đe dọa hơn: Nếu hoạt động cho dự án, sẽ phải đối mặt với các hậu quả kinh tế.
Ngoài ra, ngay cả khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt các công ty Đức, có rất ít động lực kinh tế để các công ty Đức rút khỏi dự án. Ai cũng biết sức mạnh của các biện pháp trừng phạt của Mỹ, nhưng bất cứ công ty Đức nào quyết định tiếp tục công việc trong dự án Dòng chảy Phương Bắc đều cho là việc này là xứng đáng, dù tiềm tàng rủi ro. Các công ty Đức hoạt động cho dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 có sự nhất trí của Chính phủ Đức, họ sẽ nhận được sự giúp đỡ của Chính phủ Đức trong trường hợp họ bị Mỹ trừng phạt.
Việc áp dụng các biện pháp trừng phạt sẽ càng làm cho tình hình xấu đi khi nó sẽ gây ra một sự rạn nứt nghiêm trọng trong quan hệ Mỹ-Đức, làm thay đổi quan điểm của công chúng Đức đối với chính quyền Tổng thống Biden, tiềm tàng khiến cho công chúng Đức ủng hộ việc hoàn tất đường ống dẫn khí. Không người dân nước nào muốn Chính phủ nước mình bị chèn ép. Các biện pháp trừng phạt các công ty Đức có thể khiến người Đức tập hợp dưới một ngọn cờ chung, gắn kết việc phản đối dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 với việc khuất phục ý chí của Mỹ và khi đó, việc phản đối dự án sẽ trở thành “một độc dược chính trị”. Việc Mỹ áp đặt trừng phạt các công ty Đức có thể gây tác động ngược, tạo ra sự ủng hộ nội bộ cần thiết trong nước Đức đối với việc hoàn thành dự án Dòng chảy Phương Bắc 2. Việc Mỹ áp đặt trừng phạt các công ty Đức cũng có thể khiến Chính phủ Đức tìm giải pháp thay thế cho hệ thống tài chính Mỹ, khiến cho các chương trình trừng phạt của Mỹ bị suy yếu. Như vậy, các biện pháp trừng phạt các công ty Đức chỉ đem lại những kết quả không mong muốn.
Ngoại giao: Chỉ có một cách tốt hơn để ngăn cản Dòng chảy Phương Bắc 2 đó là tạm dừng dự án cho tới sau kết quả bầu cử ở Đức trong tháng 9/2021. Có hai nhân tố cho thấy việc tạm hoãn lại dự án là lựa chọn chính sách sáng suốt nhất đối với Mỹ.
Thứ nhất, đó là nhân tố Thủ tướng Merkel. Thủ tướng Angela Merkel sẽ từ chức sau cuộc bầu cử tháng 9. Thủ tướng Merkel là người ủng hộ nhiệt thành dự án Dòng chảy Phương Bắc 2. Lợi ích của các doanh nhân Đức ủng hộ mạnh mẽ dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, khiến Chính phủ của Thủ tướng Merkel kiên trì coi đó là “một dự án thương mại”. Tuy nhiên, khó mà tin rằng Thủ tướng Merkel sẽ muốn cắt băng khánh thành dự án. Do vậy, việc tạm hoãn dự án có thể phù hợp với Thủ tướng Merkel.
Thứ hai, đó là Đảng Xanh nước Đức, Đảng đứng thứ hai ngay sát Đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo của Thủ tướng Merkel trong cuộc thăm dò dư luận và có nhiều khả năng sẽ đóng vai trò “chi phối đối với bầu Thủ tướng” trong Chính phủ mới. Trong tháng 3/2021, Đảng Xanh đưa ra thêm một trụ cột trong cương lĩnh hành động của mình là “dừng dự án Dòng chảy Phương Bắc 2” vì các lý do môi trường và địa chính trị. Nếu Đảng Xanh trở thành thành viên trong liên minh Chính phủ mới, điều này có vẻ khả thi, khi đó dự án Dòng chảy Phương Bắc có thể sẽ bị loại bỏ.
Do vậy, hy vọng tốt nhất để Mỹ nhanh chóng ngăn cản dự án đường ống dẫn khí Con đường Phương Bắc 2 là tạm hoãn việc hoàn thiện dự án tới sau tháng 9/2021.
Phương cách để đạt mục tiêu này không phải là trừng phạt các công ty Đức mà cần phải âm thầm đàm phán với Berlin, khuyến khích Chính phủ Đức tạm ngừng dự án, coi đó như là một thỏa thuận “ngưng chiến”. Để đổi lấy việc Chính phủ Đức tạm hoãn việc xây dựng đường ống và chưa thông qua các quy định phê duyệt, Mỹ sẽ nhất trí không trừng phạt bất cứ công ty Đức nào trong khoảng thời gian này. Để đạt một thỏa thuận như vậy cần làm sống lại nghệ thuật ngoại giao đã bị đánh mất dưới thời chính quyền Trump và là điều chính quyền Tổng thống Biden cam kết. Đây chính là cơ hội cho Chính quyền Tổng thống Biden./.