Số phận nữ điệp viên Klementyna Mankowska
Klementyna Mankowska là thành viên của phong trào kháng chiến Ba Lan, đồng thời là điệp viên của 3 cơ quan tình báo Ba Lan, Đức và Anh trong suốt thời kỳ Đại chiến tranh thế giới lần thứ 2 (ĐCTGII). Klementyna có tên cúng cơm là Klementyna Maria Czarkowska-Golejewska chào đời trong một gia đình địa chủ ở Wysuczka, đó là một thôn xóm nhỏ nằm giữa Lviv và Ternopil ở Galicia (Tây Ban Nha).
Kể từ năm 1945, vùng này là một phần của Tây Ukraine, nhưng vào thời Klementyna sinh ra thì nó là lãnh thổ của đế quốc Áo – Hung. Vào thời kỳ ĐCTGI, vùng đất này thuộc lãnh thổ của nhà nước Ba Lan độc lập. Klementyna là vợ của Bá tước Andrzej Mankowski (1910-2001) và thời điểm đó, ông này vẫn đang hoàn thành nốt các chương trình học luật và kinh tế. Gia đình họ sống ở phía Tây của Ba Lan. Vào năm 1939, vợ chồng họ có với nhau 2 mặt con trai.Gia đình này có những mối giao hảo tốt cả trong nước lẫn quốc tế.
Tổ chức tình báo đầu tiên của Ba Lan
Đầu tháng 9 năm 1939, chiến tranh đã ập đến Ba Lan. Dư âm chiến tranh đã tràn tới Winna Gora chỉ cuối tháng 9 đó khi Trung úy Andrzej Mankowski đã bị bắn trọng thương do những xích mích của ông với một toán lính Ba Lan đã đối xử hà khắc với một sĩ quan Đức bị bắt giữ và việc này đã vi phạm Công ước Geneva về đối xử với tù binh. Khi quân Đức kéo tới Winna Gora, họ đã thấy Klementyna và các con ở đó. Dân làng đã trốn hết.
Một tháng sau đó, Gestapo ập tới và cả gia đình Mankowski bị đuổi ra khỏi nhà. Tòa nhà trở thành món quà cho Thống chế Wilhelm Keitel. Klementyna cùng chồng và các con chuyển tới Warsaw. Đầu tháng 10 năm 1939, quân Đức đã tiếp quản thủ đô, và gia đình Mankowski lại chuyển đến sống ở nhà người em họ Teresa Lubienska.
Nhà của Teresa rất rộng lớn, và nơi này trở thành chốn nương náu của những người Ba Lan bị chiến tranh tàn phá. Những người lạ mặt tìm tới nhà của Teresa vài buổi tối mỗi tuần, thực tế thì họ là thành viên của tổ chức bài Quốc xã mới thành lập có tên gọi là “Muszkieterowie” hay “tổ chức kháng chiến” hoặc cũng được xem như một “tổ chức tình báo”. Tổ chức chuyên tuyển dụng thành viên chủ yếu là trong tầng lớp quý tộc Ba Lan.
Klementyna đã tham gia. Bà đảm nhận công tác giao liên: các tài liệu, vi phim và bức điện được giấu kỹ trong những cuộn giấy vệ sinh gửi tới Pháp và Anh. Tổ chức kháng chiến còn được lãnh đạo bởi ông Stefan Witkowski, doanh nhân kiêm kỹ sư, người được cho là có liên kết lâu dài với tình báo Anh. Stefan đã nhận ra tiềm năng của Klementyna và giới thiệu bà với các nhà hoạt động cách mạng Aleksander Wielkopolski và Karol Anders.
Có một sự thật mà các lãnh tụ cách mạng Ba Lan kịp nhận ra, đó là Klementyna có mối quan hệ khá tốt đẹp với sĩ quan cao cấp Đức Harold von Hoepfner (trong những tuần đầu của ĐCTGII, hai người họ từng nảy sinh thứ tình cảm yêu đương nồng nàn) và từ người này, nữ giao liên đã moi không ít thông tin giá trị, đáng chú ý là cuộc xâm lược Pháp sắp tới của Đức.
Nhận được tin nóng hổi từ Klementyna, Stefan Witkowski đã trao nó cho tình báo Anh. Ngay thời điểm đó, Stefan đã thực hiện chuyến đi nguy hiểm đến Tây Âu dưới danh tính giả một sĩ quan cao cấp SS tên là August von Thierbach nhằm mục đích xây dựng một mạng lưới gián điệp trên khắp Châu Âu. Stefan gửi Klementyna đến Brittany (Tây Bắc nước Pháp). Andrzej làm điệp viên trong khu ngoại kiều Ba Lan ở Marseilles, còn 2 đứa con gửi nhờ bà ngoại chăm sóc.
Hoạt động gián điệp ở Noirmoutier
Quân Đức nhanh chóng chiếm miền Bắc nước Pháp và Klementyna làm công tác biên phiên dịch tại một nơi hoạt động kháng chiến mới: đảo Noirmoutier trên biển Đại Tây Dương thuộc Pháp. Nhờ thông thạo tiếng Pháp và Đức cùng vẻ ngoài thanh lịch, xinh đẹp, Klementyna rất dễ lấy lòng người Đức, bà thường tới các căn cứ quân sự để phiên dịch.
Có lần Klementyna tháp tùng với thống đốc vùng là Karl Maier để viếng thăm Saint-Nazaire và đi tới một nhà chứa có mái che khổng lồ, nơi đang có hai chiếc tàu ngầm Lớp VII. Sau đó, Klementyna dùng khăn bàn ăn để vẽ lại chi tiết cấu hình bên trong nhà chứa, các cầu thang đi xuống tàu ngầm đậu cũng như cửa bên ngoài. Tài liệu này rất quan trọng để quân Đồng minh sau này thực hiện cuộc đột kích vào căn cứ tàu ngầm Saint-Nazaire.
Vài tháng sau đó, trong lúc chờ để quay lại quê hương Ba Lan bị Đức chiếm đóng, như một sự tình cờ, Klementyna đã làm thông dịch viên tại nhà hàng Pháp cho hai người Đức. Trong lúc nói chuyện, hai vị khách vô tình để lộ thông tin họ là một phần của Bộ chỉ huy tối cao Đức. Cũng khi ấy Klementyna vờ rằng mình rất sợ kết thúc chiến tranh vì không còn ai để nương tựa.
Và một trong 2 sĩ quan Đức đã tỏ ra mủi lòng, người này trao cho bà 1 tài liệu có đóng dấu của Bộ chỉ huy tối cao Đức viết rõ rằng “Mọi cơ quan dân sự và quân sự Đức đều phải cho lời khuyên và sự hỗ trợ” đến người cầm nó. Một con dấu chính hãng của Bộ chỉ huy tối cao Đức sẽ rất quan trọng đối với tổ chức cách mạng, Stefan tạo ra hàng loạt con dấu giả y như thật và ông dùng nó để hoạt động trên khắp Châu Âu. Một tuần sau khi từ Ba Lan quay lại miền Tây nước Pháp, Klementyna đã bị bắt và Gestapo đã chuyển bà đến một trại tạm giam ở Nantes.
Trong trại giam, Klementyna điềm nhiên cư xử như một nữ bá tước, yêu cầu phải có áo ngủ, áo choàng tắm, nước hoa Elizabeth Arden… Sau 1 đêm bị tạm giam, Klementyna được chuyển đến Paris và một ngục tối đang chờ bà ở đó.
Tại đó, bà đã ngay lập tức gặp Sturmbannführer Karl Schwerbel, người đứng đầu văn phòng Gestapo ở Paris. Mọi sự không như Klementyna dự tính, ở đó bà bị thẩm vấn về tổ chức “Muszkieterowie”. Ngay cả các sĩ quan Đức tại Noirmoutier cũng giấu quốc tịch Ba Lan của Klementyna trong các báo cáo. Không hề nao núng, Klementyna thuyết phục Karl Schwerbel mình không hay biết về việc lật đổ, và cuối cùng tay này đã tuyên bố nghi phạm vô tội và cho xe chở bà về lại đảo Noirmoutier.
Nắm được kế hoạch tàn sát người Do thái ở Berlin
Trong khi đó, tình báo Đức bị thuyết phục bởi tình cảm thân Đức của Klementyna Mankowska và chọn bà làm điệp viên tiềm năng. Khoảng tháng 6 năm 1941, Klementyna bắt đầu công việc mới tại Bộ Ngoại giao ở Berlin.
Trong lúc ở Berlin, Klementyna nhớ đến “tình hờ” Harold von Hoepfner, viên sĩ quan vẫn còn sống và cũng đang ở Berlin. Trong một buổi ăn tối thân mật, Hoepfner buột miệng hé lộ về kế hoạch Đức xâm lược Pháp vào tháng 5 năm 1940, y còn công khai mình là một phần của đội quân hùng hậu sắp xâm lược Liên Xô, và von Hoepfner chỉ ra rằng phải tấn công Nga trước mùa Đông vì nếu chậm lại đi vào vết xe đổ của Napoleon.
Thông qua Hoepfner, Klementyna còn biết đến nhà ngoại giao Đức, Rudolf “Dolf” von Scheliha ở đại sứ quán Warsaw (1932-1939). Klementyna đánh tiếng với Hoepfner rất muốn gặp Scheliha. Hai ngày sau khi Klementyna bước vào khóa huấn luyện, 3 triệu lính Đức đã vượt biên giới vào lãnh thổ Liên Xô.
Cũng trong ngày hôm đó, Scheliha đặt những tài liệu đóng dấu “mật” lên bàn làm việc của Klementyna tại Bộ Ngoại giao Đức. Đó là những kế hoạch chi tiết về việc thanh trừng người Do Thái ở Châu Âu. Hàng triệu người sẽ bị nhét vào các “khu ổ chuột”, thanh trừng hàng loạt, và các kế hoạch xây dựng “nhà máy chết” tại Treblinka (gần Warsaw).
Sau này, bà Klementyna tuyên bố rằng mình là người ngoại quốc đầu tiên biết về kế hoạch giết người quy mô lớn của chính phủ Đức theo một kịch bản chưa từng có tiền lệ. Sau này, Klementyna biết được rằng hóa ra Scheliha không hề tư vấn với tình báo Đức trước, khi chuyển các hồ sơ “tử thần” cho bà. Cuối cùng, bản thân Scheliha bị giới chức Đức xác định là “bài Đức Quốc xã” và bị theo dõi suốt thời gian dài, họ cho rằng Scheliha đã chuyển giao tin tình báo cho Moscow kể từ thập niên 1930. Scheliha bị tạm giam, bị đưa ra xử tử.
Klementyna vẫn giữ liên lạc với Stefan Witkowskivà người này cho hay đang có một cuộc cạnh tranh cố hữu giữa “Muszkieterowie” với mối liên hệ với tình báo Anh, và “Dwojika”(cơ quan tình báo quân sự Ba Lan cho đến năm 1939) với các thành viên là tầng lớp chính trị lưu vong đang sống ở London cùng với các thành viên chính phủ Ba Lan lưu vong. Stefan thừa nhận rằng vai trò điệp viên hai mang của Klementyna đang gây khó cho hai tổ chức tình báo Ba Lan vốn có cấu hình rất khác nhau.
Cuộc gặp gỡ giữa 2 người trở nên gấp gáp, và ít có khả năng Klementyna chuyển giao cho Stefan những tài liệu về kế hoạch tàn sát người Do Thái. Có lẽ bà đã không kịp làm việc đó. Khi Klementyna hoàn thành khóa đào tạo tại trại huấn luyện Abweher ở Berlin, bà nhận mật lệnh của Stefan sang London.
Stefan trao các vi phim cho Tướng Wladyslaw Sikorski (lãnh tụ quân sự Ba Lan trong thời ĐCTGI) trong đó đặc tả cảnh các căn cứ và pháo đài Đức nằm dọc theo duyên hải Đại Tây Dương của Pháp, bao gồm cả các bản vẽ do Klementyna cung cấp về u tàu ở Saint-Nazaire.
Có những văn bản vi phim được trao cho sĩ quan tình báo Anh, người mà Stefan cho rằng sẽ thẩm vấn khi Klementyna đặt chân đến London. Vài ngày trước chuyến đi qua Anh, Klementyna đã gặp gỡ Wilhelm Canaris, người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Đức từ giữa năm 1935 đến đầu năm 1944).
Từ quan điểm phỏng đoán của Abwehr thì sứ mạng thực sự của Klementyna là bà phải có mặt sẵn sàng ở Anh đề phòng trường hợp sứ mạng gián điệp của Halina Szymanska bất thành. Halina Szymanska là một điệp viên khác ở Ba Lan, nhưng người này còn làm việc cho một cơ quan tình báo khác nữa. Hai ngày sau khi đặt chân đến London, có 3 gã lạ mặt chặn xe hơi chở Klementyna và bắt giữ bà.
Một mẫu tin ngắn của hãng tin Reuters phát đi nói rằng “một điệp viên Đức đã bị chặn lại và giam giữ. Đó là một thông điệp mà “Muszkieterowie” nhắn gửi ngụ ý rằng Klementyna đã đến nơi an toàn, còn với Abwehr thì lại có ý nghĩa rằng Klementyna đã bị bắt giữ và nhiệm vụ gián điệp đã thất bại.
Hoạt động tình báo ở London
Theo kế hoạch do tình báo Anh dàn xếp (như Stefan Witkowski đã bàn bạc trước với Klementyna) thì sau khi bà bị bắt, tin tức được phát trên hãng tin BBC, theo đó “nữ gián điệp bị áp tải tới một nơi gọi là “Trường ái quốc”, đó là một tòa nhà gạch đỏ khổng lồ do MI-5 quản lý”. Klementyna được đưa đi thẩm vấn bởi đại úy Malcolm Scott và nó kéo dài suốt 4 tuần. Người Anh muốn biết những gì mà “Nữ điệp viên Đức” đã nhận được từ tình báo Đức và các nhiệm vụ mà bà được phía Đức giao.
Tại một trong các lần thẩm vấn, đại úy Scott đã cung cấp 2 thông tin “sốt dẻo”, một trong số đó là chồng và các con của Klementyna cũng đang ở London. Người Anh thông báo gia đình của Klementyna đã đến Anh bằng sự “nhờ vả” của tình báo Đức, và không ai khác chính là Wilhelm Canaris, người từng hứa nếu Klementyna tiếp tục đến Anh thì sẽ cho các con bà được đoàn tụ với mẹ. Sau vài khóa học ở Trường ái quốc, Klementyna được sắp xếp để gặp gỡ Tướng Sosnkowski (một thành viên lãnh đạo của chính phủ lưu vong Ba Lan tại Anh).
Tướng Sosnkowski đề cập đến phong trào kháng chiến ngầm ở trong nước Ba Lan và cảm thấy không thể dung thứ việc Stefan Witkowski duy trì liên lạc trực tiếp với tình báo Anh.
Và khuyên Klementyna rời nước Anh càng sớm càng tốt. Vài tháng sau đó, tại tư gia ở Ba Lan, Stefan Witkowski đã bị bắn vào gáy và chết. Ngay sau khi Stefan bị ám sát, các thành viên sống sót của “Muszkieterowie” ở Ba Lan bao gồm cả Teresa Lubienska đã bị Gestapo vây bắt.
Có nhiều sự phỏng đoán về cái chết của Stefan Witkowski là do đã làm gián điệp 2 mang cho cả tình báo Anh và tình báo Liên Xô, hoặc hợp tác với người Đức để giúp cho ĐQX chiếm đóng phần phía Tây của Ba Lan chống lại Xôviết (đang đóng binh ở phía Đông Ba Lan). Thực hư về nguyên nhân cái chết của Witkowski còn đang gây tranh cãi.
Năm 1948, cả gia đình Mankowska dọn tới Congo. Ông Andrzej kiếm được một công việc có mức lương hậu hĩnh. Năm 1997, khi đó ông Günter Blaurock, tổng lãnh sự quán Đức tại Lyon (Pháp) đã trao tặng cho bà Klementyna chiếc “Huy chương công trạng” nhằm thay mặt cho Tổng thống Đức, Roman Herzog, nhằm tôn vinh những nỗ lực của nữ điệp viên trong thời chiến, buổi lễ diễn ra với sự hiện diện của đại sứ Ba Lan và Hoàng tử Bismarck tại tư gia của nhà Mankowska, lâu đài Sermoise, một nơi nằm gần Nevers (Pháp). Hai vợ chồng Andrzej và Klementyna lần lượt qua đời trong các năm 2001, 2003 và được an táng ngay quê nhà.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/so-phan-nu-diep-vien-klementyna-mankowska-616273/