Số phận phi thực tế của dịch vụ gửi thư bằng tên lửa
Mọi nỗ lực vẫn chưa thực sự gây được dấu ấn cho đến khi Bộ Bưu điện Mỹ bắn một tên lửa hành trình Regulus, với phần đầu đạn hạt nhân được thay thế bằng hai thùng thư, về phía Trạm Hải quân ở Mayport.
Lịch sử của hệ thống bưu chính gắn bó chặt chẽ với ngành vận tải. Những tiến bộ trong công nghệ giao thông vận tải không chỉ cho phép mọi người đi xa hơn và khám phá nhiều lãnh thổ hơn mà còn cho phép hệ thống bưu chính mở rộng phạm vi hoạt động. Khi những phát minh và khám phá giúp mới rút ngắn thời gian di chuyển, thư tín bắt đầu đến được tay của người nhận ở xa với thời gian ngắn hơn.
Tại thời điểm dịch vụ chuyển thư tín bằng đường hàng không xuyên Thái Bình Dương đầu tiên được thực hiện, ngành bưu chính đã thử mọi phương thức vận tải mà con người có thể sử dụng, kể cả tên lửa, để nâng cao hiệu quả.
Loại thư tên lửa xuất hiện sớm nhất có thể thấy trong các bộ phim lịch sử. Khi đó, người ta quấn một tấm giấy da quanh mũi tên và bắn xuyên không trung vào lâu đài hoặc lãnh thổ của kẻ thù. Một phiên bản hiện đại hơn của hình thức này đã được nhà thơ và nhà viết kịch người Đức, Heinrich von Kleist trình bày trên một bài báo vào năm 1810.
Tại thời điểm đó, ngành chế tạo tên lửa vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. Tên lửa thời đó chạy bằng thuốc súng và chủ yếu được làm thành pháo trên chiến trường. Ông Kleist lấy làm thích thú khi tính toán rằng một tên lửa có thể chuyển một lá thư từ Berlin đến Breslau, khoảng cách gần 300km, trong nửa ngày hoặc bằng 1/10 thời gian mà một chiếc xe ngựa cần.
Lý thuyết của Kleist đã được ứng dụng vào thực tiễn trên hòn đảo nhỏ Tonga của Polynesia cách đó nửa vòng trái đất. Nhà phát minh người Anh William Congreve đã tự thiết kế tên lửa cho mục đích chuyển phát thư. Nhưng đề xuất đó đã bị bác bỏ ngay lập tức. Cho đến gần một thế kỷ sau, nhà vật lý người Đức Hermann Oberth, đồng thời là một trong những người sáng lập ra ngành tên lửa học, đã xem xét về chủ đề này vào năm 1927.
Tháng 6/1928, Giáo sư Oberth đã có một bài giảng đầy thuyết phục trước cuộc họp thường niên của Hiệp hội Khoa học Hàng không ở Danzig. Ông đề xuất phát triển tên lửa nhỏ dẫn đường tự động có thể mang theo thư khẩn cấp di chuyển trong phạm vi từ 1.000 - 2.000km. Bài thuyết trình của ông Oberth đã thu hút được sự quan tâm lớn trên toàn thế giới và ngay cả Đại sứ Mỹ tại Đức cũng chú ý. Nhưng một kỹ sư trẻ người Áo mới là người tiên phong trong lĩnh vực này.
Sống trên dãy núi Alps của Áo, kỹ sư trẻ Friedrich Schmiedl nhận thức rõ thực tế rằng việc gửi thư giữa các ngôi làng miền núi là điều vô cùng khó khăn. Phải mất đến 8 tiếng để đi bộ giữa hai ngôi làng hẻo lánh vốn chỉ cách khoảng 3km theo đường tên lửa bay. Do đó, Friedrich Schmiedl đã bắt tay vào thử nghiệm tên lửa nhiên liệu rắn.
Năm 1928, ông tiếp tục thử nghiệm với khí cầu ở tầng bình lưu. Sau nhiều nỗ lực không thành công, Schmiedl đã phóng tên lửa đưa thư đầu tiên vào năm 1931 và chuyển 102 lá thư đến một địa điểm cách đó 5km. Tên lửa được điều khiển từ xa và hạ cánh bằng dù. Tên lửa thứ hai của ông đã chuyển được 333 lá thư.
Những bức thư gửi tên lửa của Schmiedl đã truyền cảm hứng cho một số quốc gia khác như Đức, Anh, Hà Lan, Mỹ, Ấn Độ và Autralia để tiến hành các thí nghiệm tương tự với mức độ thành công khác nhau.
Năm 1934, nhằm chứng minh cho người Anh thấy tính khả thi của hệ thống chuyển thư tên lửa của mình, doanh nhân người Đức tên là Gerhard Zucker đã cất 4.800 lá thư vào một tên lửa và phóng nó đi từ một hòn đảo ở Scotland. Các quan chức chính phủ đứng nhìn tên lửa bay lên trời và phát nổ. Những lá thư cháy sém rơi vãi khắp bãi biển như pháo hoa giấy. Sau thí nghiệm thất bại, Zucker bị trục xuất về Đức và ngay lập tức bị bắt vì nghi ngờ hoạt động gián điệp với Anh.
Các thử nghiệm về tên lửa đưa thư phần lớn đạt được thành công ở Ấn Độ, nơi một kỹ sư hàng không vũ trụ tiên phong tên là Stephen Smith đã hoàn thiện kỹ thuật này. Từ năm 1934 đến năm 1944, ông Smith đã thực hiện 270 lần phóng, ít nhất 80 lần trong số đó chứa thư. Kỹ sư này đã làm nên lịch sử khi dùng tên lửa để chuyển gói hàng lương thực đầu tiên - chứa gạo, ngũ cốc, gia vị và thuốc lá sản xuất tại địa phương - đến khu vực bị động đất tàn phá ở Quetta, nay thuộc Pakistan, qua một con sông.
Tiếp đó, Smith buộc một con gà trống và một con gà mái vào tên lửa và phóng chúng qua một con sông khác. Cả hai con gà đều sống sót sau chuyến bay và được tặng cho một vườn thú tư nhân ở Calcutta. Kiện hàng tiếp theo của ông có một con rắn và một quả táo. Bất chấp tích cách kỳ quặc và những điểm đáng ngờ về tải trọng, kỹ sư Stephen Smith vẫn được nhà vua Sikkim - một vùng thuộc bảo hộ của Anh ở phía đông dãy Himalaya - ủng hộ hết lòng.
Những nỗ lực bên trên vẫn chưa thực sự gây được dấu ấn cho đến khi Bộ Bưu điện Mỹ bắn một tên lửa hành trình Regulus, với phần đầu đạn hạt nhân được thay thế bằng hai thùng thư, về phía Trạm Hải quân ở Mayport, Florida. Quả tên lửa nặng gần 6.000kg cất cánh cùng với 3.000 bức thư. 22 phút sau, nó đã bắn trúng mục tiêu ở Mayport, cách đó 1.100km. Hàng ngàn bức thư đó đã được thu hồi lại, dán tem và lưu hành như bình thường.
Tất cả đều là bản sao của một bức thư do Bộ trưởng Bộ Bưu điện Mỹ Arthur Summerfield viết. Chúng sau này được gửi đến từng thành viên trong thủy thủ đoàn của tàu ngầm chịu trách nhiệm phóng tên lửa đưa thư, Tổng thống Dwight Eisenhower cùng các nhà lãnh đạo khác của Mỹ, cũng như các bộ trưởng bưu điện trên khắp thế giới.
Bức thư có đoạn: “Tiến bộ to lớn đạt được trong lĩnh vực tên lửa dẫn đường sẽ được ứng dụng theo mọi hình thức thực tế vào việc chuyển phát thư tín của Mỹ. Bộ Bưu điện sẽ tiếp tục hợp tác với Bộ Quốc phòng để đạt được mục tiêu này”.
Sau thành công của thử nghiệm đưa thư bằng tên lửa, Bộ trưởng Summerfield hồ hởi tuyên bố: “Trước khi con người đặt chân lên Mặt trăng, thư sẽ được chuyển trong vòng vài giờ từ New York đến California, đến Anh, đến Ấn Độ hoặc Australia bằng tên lửa hành trình”.
Nhưng điều đó đã không xảy ra. Chi phí của dịch vụ gửi thư bằng tên lửa quá cao. Lần thử nghiệm nhỏ với tên lửa hành trình Regulus đã tiêu tốn của chính phủ Mỹ 1 triệu USD, nhưng chỉ tạo ra doanh thu 240 USD từ việc bán tem bưu chính. Cả Bộ Bưu điện và Bộ Quốc phòng Mỹ đều không thể biện minh cho chi phí đắt đỏ đó, đặc biệt khi máy bay đã thực hiện việc chuyển thư trên toàn thế giới chỉ trong một đêm với chi phí thấp. Và sự kiện trên cũng đặt ra dấu chấm hết đối với nỗ lực thử nghiệm đưa thư bằng tên lửa trên toàn thế giới.