Số phận trắc trở của tác giả một bài hát nổi tiếng
Ngay từ năm 1945, lúc mới 23 tuổi, Dương Minh Ninh đã viết bài đầu tay có tên 'Trai đất Việt' dạt dào lòng yêu nước, khích lệ tinh thần này trong giới trẻ Việt Nam khi đó. Bài hát được nhiều bạn trẻ thuộc.
Những ai từng sống qua giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954) từ Nam đến Bắc đều thuộc lòng một bài hát rất ngắn gọn, với giai điệu ngọt ngào, vui tươi, sôi nổi, có sức tuyên truyền mạnh mẽ: "Nước non vang tiếng gọi, kìa ai chớ ngồi yên, quyết thi đua cấy cày, sản xuất cho nhiều thêm. Toàn dân ta góp tình, góp công xây dựng đời. Ngày mai trên nước Nam một bầu trời sáng tươi…".
Đoạn này có đến 5 lời. Tất cả đều tiếp đến chỉ một điệp khúc để kết bài: "Anh em ơi! Chúng ta có muôn bàn tay. Gắng sức làm, sướng vui rồi đây có ngày".
Bài hát này tác giả âm nhạc phổ thơ của Lưu Trùng Dương vào năm 1950 nhằm tuyên truyền cho chính sách của Đảng và Chính phủ lúc đó là toàn dân ra sức tăng gia sản xuất để có lương thực, thực phẩm nuôi quân đánh giặc. Tuyên truyền chính trị nhưng có sức lay động lòng người rất lớn. Ai nghe cũng thấy rung động.
Bài hát đoạt giải thưởng âm nhạc Cửu Long năm 1952. Về sau, được Đài Tiếng nói Việt Nam dàn dựng, thu thanh. Một thời gian dài đã là nhạc hiệu của buổi phát thanh nông thôn.
Tác giả âm nhạc của bài hát trên là Dương Minh Ninh (1922 - 2020). Mặc dù bài hát rất nổi tiếng như đã nói nhưng cái tên ông hoàn toàn xa lạ với công chúng hôm nay. Ngay cả nhiều nhạc sỹ ra đời sau năm 1954 cũng không biết. Ông là tác giả của nhiều ca khúc mà ở thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, bà con ở Hội An (quê ông) và Liên khu 5 đều thuộc nhưng cho đến lúc qua đời mới gần đây vẫn chưa là hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam.
Ngay từ năm 1945, lúc mới 23 tuổi, Dương Minh Ninh đã viết bài đầu tay có tên "Trai đất Việt" dạt dào lòng yêu nước, khích lệ tinh thần này trong giới trẻ Việt Nam khi đó. Bài hát được nhiều bạn trẻ thuộc. Tiếp đến là các bài cũng ra đời trong cùng một thời gian và cùng chủ đề kêu gọi chống ngoại xâm như: "Việt Nam quân hành ca", "Chim sơn ca", "Thiếu nhi Việt Nam", "Đường chiều", "Lửa chiến đấu"…
Suốt 8 năm kháng chiến chống Pháp, Dương Minh Ninh công tác tại tiểu ban văn nghệ trực thuộc Phòng Chính trị Bộ Tư lệnh Liên khu 5. Năm 1954, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp. Theo Hiệp nghị Giơnevơ, nước ta tạm chia làm 2 miền. Cán bộ miền Nam lúc này được tập kết ra Bắc. Riêng Dương Minh Ninh do đông con, vợ ốm yếu, hoàn cảnh quá khó khăn nên được tổ chức cho ở lại, không đi tập kết. Từ đó, ông sinh sống ở Huế, dạy học tại trường Bồ Đề.
Năm 1959, ông học hàm thụ tại một trường âm nhạc có tên École Universelle de Paris chuyên về hòa âm, phối khí. Sau một năm học, ông chuyển vào Quy Nhơn dạy nhạc tại Trường Sư phạm Quy Nhơn và Trường Cường Để. Đến năm 1975, ông cùng vợ con đi xây dựng khu kinh tế mới ở Đồng Nai, cuối cùng về ở tại TP Biên Hòa của tỉnh này cho tới lúc qua đời.
Như vậy, nếu không có hoàn cảnh quá gieo neo, Dương Minh Ninh đã như nhiều nhạc sỹ khác tập kết ra Bắc, tiếp tục khẳng định sự nghiệp sáng tác của mình như nhiều nhạc sỹ nổi tiếng có quê ở miền Nam. Vậy nhưng số phận đã khiến ông quá trắc trở nên bị thiệt thòi suốt một chặng đường rất dài từ năm 1954 cho mãi tới khi sắp qua đời.
Nhạc sỹ Trần Viết Bính - tác giả bài hát thiếu nhi nổi tiếng "Hạt gạo làng ta" (phổ thơ Trần Đăng Khoa) kể với tôi: Một lần vào năm 2017, khi đi sưu tầm dân ca dân tộc ít người, ông nghe một già làng người dân tộc Mạ ở ấp Bon Gõ, huyện Tân Phú, Đồng Nai khoe có ông thông gia là một nhạc sỹ người Kinh tên là Dương Minh Ninh. Trần Viết Bính có nghe tên người nhạc sỹ này vì là tác giả bài "Tự túc" nổi tiếng một thời, bất cứ nhạc sỹ nào trên 70 tuổi cũng không thể không biết.
Ông lấy làm ngạc nhiên vì Đồng Nai - nơi mình sinh sống, công tác từ năm 1980 - có một nhạc sỹ tài năng cũng sống ở đây suốt từ năm 1975 mà không biết nhau. Ông bèn tìm đến tận nơi thăm vị nhạc sỹ lớp đàn anh của mình - người già nhất trong số những nhạc sỹ còn sống (cho tới lúc đó). Đó là thị trấn Tân Phú, cách TP Biên Hòa 100km.
Trần Viết Bính thấy một ông già 95 tuổi cùng người vợ kém 10 tuổi đã rất yếu, sống lụ khụ trong một túp nhà nhỏ hẹp. Cả hai ông bà Dương Minh Ninh đều gày rộc, tai nặng, phải bút đàm khi trao đổi. Riêng bà còn không nói được do đã hai lần bị tai biến.
Ông bà có tất cả 12 người con. Họ ở với 3 người con không lập gia đình: Đứa con trai đi bộ đội ở Campuchia về, bị tâm thần suốt ngày đi lang thang. Hai người con gái còn lại thì một thiểu năng trí tuệ, một may vá nhì nhằng để kiếm sống qua ngày. Cô này tên Ngọc, tuy trí óc bình thường nhưng vì thương bố mẹ mà không lấy chồng, ở vậy làm ăn nuôi cha mẹ và người anh trai. Các người con còn lại đều có gia đình riêng ở xa hoặc cũng khó khăn, không giúp gì được cha, mẹ.
Toàn bộ nguồn sống trong gia đình (5 người) chỉ trông cậy vào tiền may, vá của Ngọc. Thêm khoản trợ cấp hằng tháng cho người quá già, có hoàn cảnh khó khăn là 240 ngàn đồng/người và 420 ngàn đồng cho người con trai là bộ đội từ chiến trường Campuchia trở về.
Chứng kiến hoàn cảnh quá đỗi ái ngại của Dương Minh Ninh, tác giả "Hạt gạo làng ta" đã động lòng trắc ẩn. Lại cảm kích tài năng của bậc đàn anh, ông đã quyết định bỏ thời gian, công sức đi "gõ cửa" các cơ quan, đoàn thể chức năng, mong sự giúp đỡ dành cho người nhạc sỹ lão thành có nhiều đóng góp trong kháng chiến chống Pháp.
Lúc ấy, một người con gái của nhạc sỹ họ Dương cho Trần Viết Bính biết: Mấy năm trước, cô có đến Hội Cựu chiến binh thị trấn Tân Phú xin được cấp đất làm nhà cho bố Ninh - là cựu chiến binh trong kháng chiến chống Pháp thì nghe một người cán bộ ở đây nói: "Ông già nhà cô thì có công gì? Còn đang bị nghi ngờ là có quan hệ với địch, làm việc cho địch. Chúng tôi đang xem xét để có thể thu hồi thẻ hội viên của ông ấy". Nghe ông này nói vậy, ái nữ của Dương Minh Ninh lo sợ. Thế là cô đành bỏ cuộc, không theo đuổi việc xin đất nữa, lại còn lo cha mình bị phiền phức.
Nghe con gái về kể lại, Dương Minh Ninh như muốn ngất xỉu, rồi mới gắng gượng, hì hụi lục tìm giấy tờ, tài liệu để các con yên tâm là bố mình không làm bất cứ việc gì phản dân, hại nước. Ông chỉ thuần túy dạy học - mà là dạy nhạc ở Huế, Quy Nhơn suốt từ năm 1954 đến 1975.
Đó là lời chứng thực của nhiều đồng chí cán bộ cao cấp từng có trách nhiệm trong quá khứ, ví như Trung tướng Lê Văn Hân ngày 24/12/2003 đã ký quyết định trợ cấp một lần cho cựu chiên binh chống Pháp Dương Minh Ninh. Hoặc lời nhận xét tốt đẹp của Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung - nguyên trợ lý của Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Trưởng tiểu ban Văn nghệ Ban Tuyên huấn Phòng Chính trị Liên khu 5 mà Dương Minh Ninh là cán bộ.
Tôi đã được Trần Viết Bính rủ đến gặp Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương - người từng có thời là Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cố Tổng thư ký BCH lâm thời Hội Cựu chiến binh Việt Nam vì vị này năm 1953 là Phó phòng Chính trị Liên khu 5, nắm rất rõ mọi hoạt động của Dương Minh Ninh, chắc chắn sẽ có những lời chứng thực chuẩn xác.
Ngoài ra, nhiều văn nghệ sỹ có tên tuổi như nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu, nhà thơ Lưu Trùng Dương, Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng Hồ Hải Học cũng làm chứng cho những lời khai của tác giả "Tự túc" là chính xác, trung thực.
Trần Viết Bính, với tuổi ngoài 80 của mình, đã dồn sức cho công cuộc đi tìm sự công bằng cho người nhạc sỹ có tài, có tâm, có nhiều công sức đóng góp cho kháng chiến chống Pháp của dân tộc. Ông có thêm trong tay nhiều lời chứng thực tốt đẹp về Dương Minh Ninh của những người có uy tín.
Cuối cùng, người nhạc sỹ cao tuổi nhất trong những nhạc sỹ "cây cao bóng cả" của làng nhạc Việt Nam còn sống đã được... giải oan. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quyết định trợ cấp hằng năm cho ông khoản tiền 34 triệu đồng, tức mỗi tháng ông được khoảng 2,8 triệu.
Cảm kích trước nghĩa cử của nhạc sỹ Trần Viết Bính, đại diện Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đồng Nai đã mời ông cùng đến nhà Dương Minh Ninh để trao tặng phần quà của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Riêng về nhà ở thì các con của ông cũng đã kiếm cho bố, mẹ mình được một chỗ ở tạm ổn tại TP Biên Hòa.
Như vậy, người nhạc sỹ tài hoa, có nhiều đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Pháp đã được trả lại danh dự. Chỉ tiếc, ông được hưởng niềm vui, hạnh phúc chưa bao lâu thì qua đời vào ngày 18/10/2020, hưởng thọ 99 tuổi.
Ông mất nhưng bài hát "Tự túc" đánh dấu một mốc son trong cuộc kháng chiến hào hùng năm xưa của dân tộc.