Sò rớt giá, kiểu bắt 'tận diệt' xuất hiện
Nếu như mọi năm, đây là thời điểm các thợ lặn ăn nên làm ra, thì năm nay lại ngậm ngùi vì sò bỗng dưng rớt giá thảm...
Sò rớt giá
Đến xã Chí Công (huyện Tuy Phong) vào những ngày giữa tháng 3, không khí tại bến 1, bến 2 (thôn Hà Thủy 2) khá nhộn nhịp, sầm uất bởi đây là nơi tập kết sò, mua bán hải sản của các tiểu thương. Đầu giờ chiều là lúc các ghe lặn cập bến, rất nhiều loại sò, ốc được các thợ lặn tập kết lên bờ với số lượng lớn, nhiều nhất là sò điệp, sò quạt, sò lông. Những ngày này lượng sò, nghêu, ốc cập bến ở Chí Công có khi lên đến cả trăm tấn mỗi ngày. Hải sản được các nậu vựa, doanh nghiệp chế biến hải sản ở địa phương thu mua tại chỗ, chế biến xuất khẩu. Ngỡ rằng, các thợ lặn sẽ “trúng mánh” vì thu được nhiều hải sản có giá trị kinh tế cao như tu hài, ngao 2 cồi, sò mai, ốc mỡ... nhưng mặt ai cũng đượm buồn vì giá không như mong muốn. Anh Võ Hùng Cường - thợ lặn lâu năm ở địa phương chia sẻ: “Hơn nửa tháng nay, sò lặn bỗng dưng rớt giá thê thảm. Một số loại như tu hài, ngao 2 cồi loại lớn lúc trước bán 150.000 - 160.000 đồng/kg, nay chỉ còn 70.000 - 90.000 đồng/kg. Còn sò lông loại nhỏ chỉ còn tầm 5.000 - 6.000 đồng/kg, sò điệp cũng vậy...”.
Hỏi nguyên nhân, các nậu vựa ở đây cho biết, hàng loại lớn thường xuất bán cho Trung Quốc, bỏ mối các nhà hàng lớn ở TP. HCM. Nhưng từ lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều nhà hàng đóng cửa, không lấy hàng nữa, bên Trung Quốc cũng báo dừng đơn hàng. Do đó, hàng tồn nhiều buộc các tiểu thương phải hạ giá đẩy hàng nhanh. Vì vậy, thu nhập của các thợ lặn cũng bị ảnh hưởng theo. Nếu thời điểm này năm ngoái, mỗi ngày các thợ lặn thu về 1 - 2 triệu đồng là bình thường, thì năm nay thu nhập chỉ còn một nửa. Anh Tâm - thợ lặn ở thôn Hiệp Đức cho biết, thông thường sau tết đến tháng 4 - 5 dương lịch, là thời điểm nghề lặn hái ra tiền. Sò, ốc mùa này to, ngọt, chắc thịt nên bán rất được giá, nhưng năm nay ảnh hưởng dịch bệnh nên giá không như ý muốn. Để tăng thu nhập, 1 - 2 năm gần đây, nhiều thợ lặn đã sử dụng công cụ kích điện trong quá trình lặn bắt sò, ốc. Biết rằng đây là kiểu đánh bắt “tận diệt”, nhưng vì siêu lợi nhuận, nên gần 90% thợ lặn nơi đây bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng.
Với tình hình sò, ốc rớt giá như hiện nay, nhiều người lo ngại tình trạng sử dụng xung điện để đánh bắt càng gia tăng. Do đó, ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý để hạn chế tình trạng khai thác tận diệt, góp phần bảo vệ nguồn lợi hải đặc sản nơi đây.
M.Vân