So sánh máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ và MiG-29 của Nga

Tháng 8-1978, Không quân Mỹ đã tiếp nhận máy bay chiến đấu đa nhiệm thế hệ thứ tư F-16 với biệt danh 'Chim ưng'.

Tính đến năm 2018, có hơn 4.500 chiếc máy bay thuộc loại này đã được chế tạo. Về khả năng bay và chiến đấu, F-16 khá ngang ngửa với đối thủ cạnh tranh MiG-29 - máy bay chiến đấu tiền tuyến của Liên Xô và Nga ngày nay.

“Chim ưng” của Không quân Mỹ

Trong những năm 1970, trước khi nhận máy bay chiến đấu hạng nặng F-15 Eagle vào trang bị, Không quân Mỹ nhận ra rằng cần phải có một máy bay chiến đấu tiền tuyến hạng nhẹ, công nghệ, đơn giản và rẻ tiền để giành được ưu thế trên không. Tại thời điểm đó, có 5 công ty Mỹ đã trình bày dự án chế tạo máy bay chiến đấu tiền tuyến mới cho Không quân nước này. Cuối cùng, Lầu Năm Góc đã chọn đề án của Tập đoàn General Dynamics, đơn vị trước đây đã tạo ra máy bay ném bom chiến thuật hai chỗ ngồi F-111.

 Máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ. Nguồn: US Air Force.

Máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ. Nguồn: US Air Force.

Các cuộc thử nghiệm bay kéo dài từ năm 1975-1978. Sau khi được ban lãnh đạo quân đội thông qua, F-16 được bắt đầu sản xuất theo dây chuyền. Nhiều giải pháp công nghệ tiên tiến đã được ứng dụng trên máy bay chiến đấu F-16. Kính buồng lái dạng giọt nước giúp các phi công dễ dàng quan sát toàn cảnh xung quanh từ buồng lái. Về mặt cấu trúc, F-16 là loại máy bay cánh đơn được chế tạo theo sơ đồ cổ điển, với một động cơ ở phía sau và cánh được gắn giữa.

F-16 có 4 biến thể chính- đó là F-16A, F-16B, F-16C và F-16D. Hai phiên bản F-16C và F-16D là loại phổ biến nhất. Phi đội máy bay của Không quân Mỹ hiện có hơn một 1.000 chiếc F-16C / D. Những cỗ máy này đạt tốc độ 2.120 km/ giờ ở độ cao khoảng 12 km. Ngoài ra, F-16 có bán kính chiến đấu tối đa là 1.760 km, trọng tải cất cánh lên đến 22 tấn, có khả năng mang theo nhiều loại vũ khí, từ bom rơi tự do đến tên lửa chống hạm.

F-16 làm nhiệm vụ bảo vệ không phận của 25 quốc gia, tham gia hàng chục cuộc xung đột vũ trang trên toàn thế giới, từ cuộc nội chiến ở Lebanon năm 1981 đến chiến dịch quân sự của Mỹ cùng các đồng minh tại Syria. Những chiếc máy bay này thực hiện nhiệm vụ giành ưu thế trên không và được sử dụng làm máy bay tấn công. Tính đến đầu năm 2017, hơn 650 đụng độ gây tổn thất cho F-16 đã được ghi nhận. Theo kết luận của phía Mỹ, không một chiếc F-16 nào bị thiệt hại trong trận không chiến. Tuy nhiên, "Chim ưng" F-16 liên tục bị bắn hạ bởi hỏa lực từ mặt đất. Ví dụ, trong chiến dịch “Bão táp sa mạc” năm 1991, ít nhất 6 máy bay của Không quân Mỹ bị tiêu diệt bởi hệ thống phòng không của Iraq.

Đối thủ MiG-29

Để đối phó với máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư ở các nước NATO, ngày 6-10- 1977, Liên Xô đã cho MiG-29 thực hiện chuyến bay đầu tiên. Nhiệm vụ chính của chiếc máy bay này giành ưu thế trên không trên một khu vực mặt trận tương đối nhỏ. Tấn công tầm xa và tìm kiếm mục tiêu là nhiệm vụ của những chiếc Su-27 nặng hơn cùng các phiên bản cải tiến của nó. Còn MiG-29 làm nhiệm vụ bảo vệ các đơn vị bộ binh và xe bọc thép trước Không quân đối phương; che chắn cho các căn cứ hậu cần, cũng như chống lại hoạt động trinh sát trên không của kẻ thù.

Những máy bay chiến đấu hạng nhẹ hay được bố trí ở các trên sân bay dã chiến nên các nhà phát triển đã chế tạo MiG-29 đơn giản và cực kỳ đáng tin cậy. Các máy bay chiến đấu MiG-29 được chế tạo theo sơ đồ khí động học tích hợp, với một cánh thấp, 2 cánh đuôi và động cơ tách biệt. MiG-29 là một cỗ máy rất thông minh. Hai động cơ RD-33 giúp MiG-29 có thể tăng tốc đến 2.450 km/ giờ ở tầm cao.

 Máy bay chiến đấu MiG-29 của Nga. Nguồn: RIA.

Máy bay chiến đấu MiG-29 của Nga. Nguồn: RIA.

Khác biệt không lớn...

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, ưu thế của máy bay chiến đấu F-16 và MiG-29 của Nga khá "ngang cơ" . Tất nhiên, giữa F-16 và MiG-29 có sự khác biệt nhưng không lớn đến mức trình độ và kỹ năng của phi công không thể bù đắp được.

Do vận tốc leo cao hơn, máy bay MiG-29 của Nga có khả năng cơ động hơn và hoạt động tốt hơn máy bay F-16 của người Mỹ trong trận không chiến tầm gần trên mặt phẳng thẳng đứng. Tuy nhiên, nhờ vào hệ thống điều khiển kiểm soát bay, lái chiếc F-16 đơn giản và thoải mái hơn những chiếc MiG-29 đời đầu. Trong khi đó, máy bay chiến đấu hạng nhẹ MiG-29 của Liên Xô vẫn sử dụng hệ thống kiểm soát bay cơ khí. Sau khi Liên Xô tan rã, các phi công phương Tây đã thử lái MiG-29 và cảm thấy lái cỗ máy này nặng hơn và tiêu tốn nhiều sức lực hơn lái F-16.

Cả hai máy bay F-16 của Mỹ và MiG-29 của Nga đều liên tục được hiện đại hóa. “Hậu duệ” của MiG-29 là chiếc MiG-35S đa nhiệm, lần đầu tiên được giới thiệu tại Triển lãm Hàng không-Vũ trụ MAKS-2017. Về bản chất, đây là một cỗ máy mới, được trang bị radar Zhuk-A với khả năng theo dõi 30 mục tiêu trên không ở khoảng cách lên tới 200 km; hệ thống điều khiển điện tử ba kênh và động cơ RD-33MK với vector đẩy điều khiển. Phi công lái MiG-35S được trang bị mũ bảo hiểm định vị và nhắm mục tiêu.

Bên cạnh đó, F-16V là phiên bản nâng cấp gần đây nhất của máy bay chiến đấu hạng nhẹ F-16. Cỗ máy này được trang bị radar mới nhất với mảng pha hoạt động theo từng giai đoạn, bảng điều khiển thiết bị mới, hệ thống tác chiến điện tử, hệ thống kiểm soát hỏa lực và mũ bảo hiểm chỉ định mục tiêu cho phi công. Một số quốc gia đã bày tỏ mong muốn hiện đại hóa phi đội F-16C và F-16D lên phiên bản này./.

THÙY LINH (Theo RIA)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/so-sanh-may-bay-chien-dau-f-16-cua-my-va-mig-29-cua-nga-547465