Sơ suất vận hành máy ép, người đàn ông bị nghiền nát cánh tay

Bất cẩn trong lúc vận hành máy ép nệm mút, người đàn ông 52 tuổi ở huyện Củ Chi (TP.HCM) không may bị máy cuốn nguyên cánh tay phải, bị thương nặng.

Theo thông tin ban đầu, ông L.V.C (52 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) làm việc cho một công ty sản xuất nệm mút trên địa bàn huyện. Trong lúc vận hành máy ép nệm mút, do sơ suất, cánh tay phải anh vướng vào máy, bị máy cuốn ép nguyên cả cánh tay.

Các bác sĩ phẫu thuật xử lý cánh tay bị nát của nạn nhân - Ảnh: BVCC

Các bác sĩ phẫu thuật xử lý cánh tay bị nát của nạn nhân - Ảnh: BVCC

Nạn nhân được các đồng nghiệp chuyển đến Bệnh viện đa khoa Xuyên Á (TP.HCM). Tại đây, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân bị dập nát cẳng tay phải, lóc da, vết thương lóc da phức tạp vùng cẳng-cổ tay phải, đứt gần toàn bộ gân gấp, không bắt được mạch quay, lộ xương vùng cẳng tay, mất máu nhiều...

ThS-BS Nguyễn Thành Luân - Phó khoa Chấn thương chỉnh hình, cho biết bệnh viện phải kích hoạt quy trình báo động đỏ toàn viện để cấp cứu. Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển qua phòng mổ khẩn cấp để mổ thám sát.

“Trong quá trình mổ, ê kíp xác định mô cơ dập nát và tắc động mạch quay 1/3 trên, bị dập và đứt mạch trụ một đoạn khoảng 8cm. Chúng tôi tiến hành cắt đoạn mạch bị dập, khâu phục hồi động mạch quay và lấy tĩnh mạch chân trái thay thế, khâu phục hồi động mạch trụ giúp bảo tồn hệ thống mạch, hệ thần kinh cho bệnh nhân, đảm bảo vận động sau này. Đồng thời các bác sĩ xử lý cắt lọc cơ dập nát, khâu phủ vết thương cho người bệnh”, bác sĩ Luân cho biết.

Theo bác sĩ Luân do cẳng tay của bệnh nhân bị lóc rất nặng, tổn thương kiểu lột găng dẫn đến lộ xương và gân gấp gần toàn bộ mặt trước cẳng tay nên nguy cơ hoại tử lớp da này rất cao sau mổ. Tuy nhiên, nhờ việc phục hồi mạch máu sớm, xử trí phần da lóc hợp lý nên lớp da lóc chỉ bị hoại tử thượng bì mỏng, vẫn đảm bảo che phủ mô quý ở cẳng tay.

“Đây là một trong những yếu tố chính bên cạnh việc khâu nối mạch máu góp phần thành công cho ca mổ”, bác sĩ Luân nói.

Bác sĩ Luân cho biết: “Hiện tại cánh tay bệnh nhân ấm, cử động duỗi các ngón tay, gấp nhẹ được các ngón, Sp02 ngón tay tốt (97 - 99%). Bệnh nhân đang được chăm sóc hậu phẫu để tiếp tục kiểm tra chức năng vận động”.

Qua trường hợp trên, bác sĩ Luân khuyến cáo mọi người nên thận trọng trong lao động, đảm bảo an toàn lao động, nhất là đối với máy móc. Mọi người nên trang bị kiến thức để khi xảy ra tai nạn cần biết cách sơ cứu vết thương, đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/so-suat-van-hanh-may-ep-nguoi-dan-ong-bi-nghien-nat-canh-tay-218929.html