Sở Tài nguyên và Môi trường làm thay Cục Thi hành án dân sự (?)
Từ ngày 09-9 đến ngày 14-10, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Cà Mau 'làm thay' nhiệm vụ của Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh đã tổ chức 2 cuộc họp, ra 3 văn bản ngăn chặn tài sản theo yêu cầu của nguyên đơn cho một bản án không thể thi hành án.
Theo quy định, bản án có hiệu lực, người thắng kiện yêu cầu Cục THADS thực hiện theo phán quyết của tòa. Thế nhưng, do bản án số 47/2020/KDTM-PT (gọi tắt bản án số 47) của TAND cấp cao tại TPHCM do Thẩm phán Lê Hoàng Tấn, chủ tọa phiên tòa tuyên xử không thể thi hánh án nên các cơ quan chức năng chờ ý kiến của tòa án. Trong thời gian này, Sở TNMT tỉnh Cà Mau ra hàng loạt văn bản nhằm ngăn chặn, kê biên tài sản…
Như Báo CATP thông tin, ngày 12-8-2020, TAND Cấp cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng cổ phần. Hội đồng xét xử tuyên bị đơn là ông Trần Văn Tùng (SN 1973, ngụ ấp Bà Điều, xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau) có nghĩa vụ hoàn trả 30.050.000 cổ phần tương ứng với 30 tỷ 500 triệu đồng cho nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Bắc (SN 1953) và ông Vũ Trọng Hùng (SN 1950, cùng tạm trú phường 8, TP.Cà Mau).
Đồng thời, tòa yêu cầu bà Bắc, ông Hùng và ông Tùng đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền để thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến người đại diện của Công ty Cổ phần Bắc Nam (viết đúng phải là Nam Bắc - PV) theo quy định của pháp luật.
Bản án có hiệu lực, các cơ quan thi hành pháp luật ở tỉnh Cà Mau cho rằng, bản án không thi hành án được nên gởi văn bản “cầu cứu” TAND Tối cao. Hội đồng nhân dân tỉnh cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau có văn bản đề nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy 2 bản án sơ và phúc thẩm.
Trong khi các cơ quan chức năng “đau đầu” với bản án trên thì Sở TNMT tỉnh Cà Mau lại "nhiệt tình làm thay nhiệm vụ" của Cục THADS tỉnh. Cụ thể ngày 9-9, ông Phan Văn Minh, Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Cà Mau ký công văn số 2238. Theo văn bản trên, Sở TNMT nhận được đơn yêu cầu của bà Bắc, trong thời gian chờ nhận được bản án của tòa, bà đề nghị ngăn chặn giao dịch bất động sản tại khu đất trên, không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Qua xem xét, Sở đề nghị bà Bắc, trong thời gian 09 ngày (kể từ ngày 09-9) phải cung cấp bản án của tòa, văn bản đề nghị tạm ngưng giao dịch trên khu đất trên. Sở cũng gởi Văn phòng Đăng ký đất đai TP.Cà Mau thông báo, chủ sử dụng đất về việc tạm dừng giải quyết thủ tục hành chính. Đến thời hạn, bà Bắc không cung cấp giấy tờ như đã nêu thì yêu cầu bà Bắc không thực hiện.
Ông Tùng bức xúc nói: “Nếu vụ việc trong thời gian tranh chấp, bà Bắc, ông Hùng có quyền yêu cầu Sở TNMT ngăn chặn biến động để đảm bảo tài sản thì hợp lý. Đằng này, vụ tranh chấp có bản án, trách nhiệm thuộc về Cục THADS tỉnh Cà Mau. Thế nhưng, Sở TMMT tỉnh Cà Mau can thiệp quá sâu và có dấu hiệu lạm quyền”.
Đến ngày 21-9, Sở TNMT tỉnh Cà Mau tiếp tục nhận được đơn đề nghị ngưng giao dịch tại khu dân cư Bạch Đằng và bản án số 47. Thay vì chuyển đơn yêu cầu của bà Bắc đến Cục THADS tỉnh Cà Mau bởi bản án có hiệu lực, ngày 25-9, Sở TNMT tỉnh Cà Mau chủ trì cuộc họp gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục THADS tỉnh, Văn phòng Đăng ký Đất đai… bàn một vụ việc không thuộc trách nhiệm của mình.
Chiều 13-11, trao đổi với PV, ông Trịnh Văn Lên, Giám đốc Sở TNMT tỉnh Cà Mau cho biết: “Sáng 16-11, tôi sẽ chủ trì cuộc họp nhằm giải quyết dứt điểm vụ khiếu nại của ông Tùng, bà Bắc trong thời gian qua. Từ đó, sở có quyết định chính thức trả lời khiếu nại của bà Bắc”.
Ngày 01-10, ông Phan Văn Minh, Phó giám đốc Sở TNMT tỉnh Cà Mau ký tiếp công văn số 2457 gởi Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau kèm theo bản án số 47 để xem xét chỉ đạo khi thực hiện công chứng các hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất có liên quan đến Công ty Cổ phần Nam Bắc, các tổ chức hành nghề công chứng đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Cà Mau phải thực hiện kiểm tra thông tin liên quan đến người đại diện hợp pháp của Công ty cổ phần Nam Bắc theo quy định của pháp luật.
Riêng các bất động sản do Công ty cổ phần Nam Bắc thực hiện bồi thường bằng hình thức thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của 121 hộ gia đình, cá nhân khi thực hiện dự án khu đô thị mới Bạch Đằng, Sở TNMT đang làm việc với bà Nguyễn Thị Bắc đề nghị cung cấp các giấy tờ chứng minh việc thỏa thuận chuyển nhượng quyên sử dụng đất và chứng từ thanh toán tiền nhận chuyên nhượng hoặc tiền bồi thường.
Vì vậy, trong thời gian chờ bà Nguyễn Thị Bắc cung cấp hồ sơ, Sở TNMT đề nghị tạm dừng thực hiện công chứng hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất liên quan đến các thửa đất bà Nguyễn Thị Bắc. Trong thời gian 09 ngày (kể từ ngày 02-10), bà Bắc, ông Hùng có nhiệm vụ cung cấp các loại giấy tờ trên.
Ngày 14-10, Sở TNMT tỉnh Cà Mau lại tổ chức cuộc họp cùng các sở, ngành có liên quan. Cũng như những lần trước, Sở tiếp tục tạm dừng tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính chuyển nhượng quyền sử dụng đất của Công ty cổ phần Nam Bắc đến hết ngày 23-10 để bà Nguyễn Thị Bắc và ông Vũ Trọng Hùng bổ sung những tài liệu chứng minh việc 121 thửa đất được thỏa thuận chuyển nhượng, bồi thường xong.
Ngoài ra, bà Bắc và ông Hùng phải cung cấp cho Sở TNMT văn bản thụ lý của Tòa án áp dụng biện pháp ngăn chặn, cấm dịch chuyển tài sản của Công ty cổ phần Nam Bắc để làm căn cứ không thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến tài sản của Công ty Cổ phần Nam Bắc, thời gian cung cấp chậm nhất là đến hết ngày 30-10.
Nếu không thực hiện như cam kết, ông Trần Văn Tùng khởi kiện, yêu cầu Sở TNMT bồi thường thiệt hại do chỉ đạo Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP.Cà Mau tạm dừng thực hiện thủ tục hành chính về đất đai thì bà Bắc và ông Hùng cam kết sẽ bồi thường thiệt hại thay cho Sở TNMT. Lại một đề nghị "lạ lùng" của Sở TNMT tỉnh Cà Mau (?)
Thế nhưng qua 15 ngày, bà Bắc, ông Hùng vẫn không thực hiện đúng cam kết. Trong đơn gởi các cơ quan chức năng, ông Tùng cho biết, việc tạm dừng giải quyết hồ sơ đăng ký biến động đất đai đối với các thửa đất trên gây thiệt hại rất lớn cho công ty và các hộ dân.
“Không phải chúng tôi không thực hiện theo phán quyết của tòa mà chúng tôi cần sự công bằng. Một bản án có hiệu lực, có nhiều sai sót nghiêm trọng, không thể thi hành án thì làm sao buộc chúng tôi chấp nhận theo phán quyết của tòa. Nếu tôi thực hiện theo bản án thì tôi không biết phải làm gì bởi bản án quá chung chung, không rõ…”, ông Tùng nói.