Số thí sinh xét tuyển đại học bằng chứng chỉ IELTS: Tăng chóng mặt
Nhiều trường đại học thông báo số thí sinh xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS trong mùa tuyển sinh 2023 tăng vọt. Cuộc đua chứng chỉ ngoại ngữ đang diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, xung quanh việc xét tuyển này vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn...
“Cơn lốc” chứng chỉ IELTS
Bắt đầu được các trường đại học đưa vào làm một trong những tiêu chí xét tuyển từ năm 2017, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế ngày càng phổ biến ở Việt Nam khi gần đây, nhiều trường THCS, THPT cũng ưu tiên xét tuyển thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ. Không chỉ ở các thành phố lớn, học sinh ở nhiều tỉnh, thành cũng đã “vào guồng” săn chứng chỉ này để tăng cao cơ hội trúng tuyển ở các nguyện vọng mình yêu thích. Cụ thể, từ khi chỉ có vài trường xét chứng chỉ ngoại ngữ thì tới năm nay, cả nước có hơn 100 trường đại học xét tuyển chứng chỉ IELTS và các chứng chỉ ngoại ngữ khác vào đại học. Chẳng thế mà ngay sau kì thi tốt nghiệp THPT 2023 kết thúc, nhiều thí sinh đã thở phào khẳng định về việc chắc suất vào đại học mong muốn.
Điều này cũng đươc phản ánh qua thực tế số lượng học sinh đăng ký dự thi lấy chứng chỉ IELTS nói riêng và các chứng chỉ ngoại ngữ khác nói riêng tăng cao theo từng năm.
Tại Hà Nội, số học sinh được miễn thi và tính điểm 10 tốt nghiệp môn Ngoại ngữ năm nay là gần 16.000 - mức cao nhất kể từ năm 2019 (khi đó chỉ 5.000 học sinh). Còn tại TPHCM có 9.985 thí sinh được miễn thi và tính điểm 10 môn Ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, tăng hơn 2.100 em so với năm 2022.
Học sinh đổ xô đi học, luyện thi IELTS để giành suất vào đại học. Nên không bất ngờ khi vừa qua, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thông tin đến thời điểm này đã nhận được 11.000 chỉ tiêu tuyển sinh bằng chứng chỉ IELTS.
PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Tuyển sinh Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, năm 2017 - năm đầu tiên nhà trường dùng IELTS (yêu cầu 6.5 trở lên hoặc tương đương) để xét tuyển, chỉ có khoảng 50 hồ sơ xét tuyển. Số lượng này tăng lên gần 10 lần vào năm 2018 rồi tiếp tục tăng 40 lần (đạt khoảng 2.000 hồ sơ) vào năm 2019.
"Vài năm trước, thí sinh có điểm 6.5 IELTS đã rất mừng, nhưng hiện khoảng 70% thí sinh đạt xét tuyển từ 6.5 trở lên, chủ yếu ở mức 7.0" - ông Triệu thông tin.
Còn nhiều băn khoăn
Thống kê lượng thí sinh xét tuyển theo phương thức sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ vào đại học tăng hàng năm ở nhiều trường đại học, thậm chí là tăng theo cấp số nhân, nhảy vọt về số lượng, nâng cao về chất lượng theo từng năm. Điều này theo phân tích của nhiều chuyên gia là phù hợp với xu hướng thế giới. Đặc biệt trong bối cảnh các trường đại học tự chủ tuyển sinh, giảm dần sự phụ thuộc vào kì thi THPT quốc gia thì đây là một trong những phương thức cần thiết.
Dẫu vậy, để có được thông tin chính xác nhất, các trường cũng như các cơ quan quản lý cần có một thống kê, nghiên cứu đánh giá về chất lượng của các thí sinh xét tuyển bằng phương thức này trong tương quan với các phương thức tuyển sinh khác.
Không thể phủ nhận ảnh hưởng của việc để sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ này phù hợp với tiêu chí xét tuyển vào các trường đại học, khả năng ngoại ngữ của mỗi học sinh sẽ tăng lên đáng kể. Song điều đó cũng kéo theo áp lực luyện thi, học thêm với các sĩ tử vốn đã căng thẳng trong cuộc đua vào đại học.
Từ phía nhà trường, PGS.TS Bùi Đức Triệu cho rằng qua khảo sát, đánh giá kết quả đầu ra của nhóm sinh viên vào trường năm 2017 - lứa đầu tiên xét tuyển bằng chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế và đã ra trường, cho thấy nhóm thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh phù hợp để học tập tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Cụ thể, xét trên thang điểm 10, điểm tổng kết cuối khóa của nhóm này cao hơn so với nhóm xét tuyển đầu vào bằng điểm thi.
Dẫu vậy, trong khi một nhóm thí sinh có lợi thế với “tấm vé ưu tiên” là chứng chỉ ngoại ngữ sẽ giảm bớt áp lực thi đại học thì với nhiều học sinh không có cơ hội thi chứng chỉ này sẽ có phần thiệt thòi. Bởi khác với kì thi tốt nghiệp THPT hay học bạ, chứng chỉ IELTS cho phép thi đi thi lại nhiều lần để đạt kết quả tốt nhất. Thực tế đã có nhiều phụ huynh không tiếc chi phí, mạnh tay đầu tư cho con cái ôn luyện ở các trung tâm với mục tiêu dành điểm số cao nhất.
Ông Vũ Khắc Ngọc - giáo viên tại Hà Nội cho rằng dù Bộ Giáo dục và Đào tạo không cấm các trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ nhưng nên đặt ra những giới hạn nhất định để kiểm soát, không để nó trở thành sự lạm dụng bất hợp lý. Ông Ngọc đề xuất có thể khống chế phần trăm chỉ tiêu từ chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và khuyến khích có chứng chỉ ngoại ngữ "made in Việt Nam" để nhiều học sinh được tiếp cận với các kì thi hơn với chi phí hợp lý.
Nhiều trường đại học cho biết sẽ tiếp tục giảm chỉ tiêu dành cho điểm thi tốt nghiệp THPT, tăng chỉ tiêu với các phương thức xét tuyển khác để giúp thí sinh có thêm nhiều cơ hội và chủ động hơn trước cánh cửa vào đại học. Tuy nhiên, các trường cần thông báo sớm các thay đổi trong đề án tuyển sinh, đảm bảo có lộ trình và tuân thủ quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là không được giảm quá 30% chỉ tiêu ngành mỗi năm.